Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Đầu tư hạ tầng cho vùng chuyển đổi: Vì sự phát triển bền vững của tôm - lúa
Từ khi thực hiện chuyển đổi sang mô hình luân canh tôm - lúa, đời sống của nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của thời tiết do biến đổi khí hậu, đòi hỏi các địa phương trong vùng chuyển đổi phải chủ động đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật để có thể phát triển mô hình tôm - lúa bền vững trong thời gian tới.
Cán bộ Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình tôm - lúa của nông dân xã Phước Long (huyện Phước Long).
Nhiều thách thức
Ở Bạc Liêu, mô hình tôm - lúa được nông dân áp dụng từ năm 2001. Đến nay, sau hơn 20 năm thực hiện, mô hình “con tôm ôm cây lúa” có sự phát triển cả về phương thức sản xuất lẫn đa dạng hóa cây trồng - vật nuôi; đem lại thu nhập cao cho nông dân. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết 09 của Chính phủ cho phép chuyển đổi những vùng đất kém hiệu quả như sản xuất lúa, muối, vùng đầm lầy ven biển sang nuôi tôm thì mô hình tôm - lúa phát triển nhanh theo từng năm. Từ 5.851ha khi mới bắt tay vào chuyển đổi, đến nay diện tích canh tác tôm - lúa trên địa bàn tỉnh đã tăng lên 39.404ha, chiếm hơn 33% diện tích nuôi tôm trong tỉnh. Hiện mô hình này cho tổng thu nhập trên 90 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ 40 - 60 triệu đồng/ha/năm.
Thế nhưng, trước những tác động ngày càng tiêu cực của các hình thái thời tiết đã khiến cho mô hình vốn được các nhà khoa học xác định là phương thức sản xuất thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu cũng đang phải đứng trước nhiều thách thức. Chuyện con tôm khát mặn, cây lúa chờ ngọt đã không còn là chuyện hiếm gặp đối với nông dân trong vùng chuyển đổi. Điển hình như trong vụ tôm đầu năm nay, do lượng mưa nhiều, nguồn nước mặn từ biển Tây không điều tiết về kịp nên nông dân huyện Hồng Dân không thể thả nuôi đúng theo lịch thời vụ.
Anh Nguyễn Thanh Hơn (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Năm nay nước mặn về trễ nên nhiều hộ không thể thả tôm nuôi. Có nhiều hộ đánh liều thả giống trước khi độ mặn trên đồng ruộng chỉ vào khoảng 3 - 4‰ dẫn đến tôm nuôi bị thiệt hại trắng”. Bên cạnh đó, nếu tới vụ lúa mà mưa xuất hiện trễ hoặc lượng mưa ít thì nông dân rất khó cải tạo, xuống giống. Thủy lợi chưa bảo đảm khiến sản xuất tôm - lúa hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên.
Nông dân gặp khó, chính quyền địa phương cũng phải chịu nhiều áp lực trong việc điều tiết nguồn nước. Là vùng chuyển đổi lại có cả vùng chuyên canh lúa nằm liền kề nhưng chỉ sử dụng chung một hệ thống kênh mương, do đó, nếu dẫn mặn không khéo sẽ khiến lượng lớn nước mặn xâm nhập vào vùng chuyên lúa, còn nếu không dẫn mặn thì bà con vùng chuyển đổi sẽ không có nước mặn nuôi tôm. Ông Nguyễn Kỳ Phong - cán bộ Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Mỗi khi vào vụ tôm - lúa là anh em trực ở Âu thuyền Ninh Quới chịu nhiều áp lực công việc. Bởi, nếu điều tiết nước không khéo để xảy ra tình trạng mặn xâm nhập, hoặc bà con thiếu nước sản xuất thì coi như mình không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng, để giải được bài toán hài hòa mặn - ngọt thì thật sự là cả một vấn đề, bởi hiện nay chỉ sử dụng chung một hệ thống kênh, rạch cho cả hai vùng mặn, ngọt”.
Nông dân huyện Hồng Dân bơm tát nước ra khỏi ruộng lúa để thu hoạch và cải tạo đất xuống giống vụ tôm. Ảnh: C.L
Hài hòa mặn - ngọt
Với những khó khăn và thách thức trên, để phát triển bền vững, các địa phương trong vùng chuyển đổi cần tính toán kỹ vùng nuôi trồng tôm - lúa để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng, liên kết và ứng dụng khoa học. Từ đó tạo nên những “cú hích” mới, để cây lúa và con tôm không ngừng tăng năng suất, giá trị và trở thành hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia với thương hiệu cạnh tranh là “lúa thơm - tôm sạch”. Để hiện thực hóa chủ trương hài hòa mặn - ngọt, tiến tới phát triển và nhân rộng mô hình “lúa thơm - tôm sạch”, tỉnh Bạc Liêu đã kiến nghị Bộ NN&PTNT đầu tư cho Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng sản xuất tôm - lúa khu vực TX. Giá Rai, huyện Phước Long và huyện Hồng Dân trên diện tích khoảng 6.000ha, với tổng mức đầu tư khoảng 260 tỷ đồng.
Cùng với đó, quan tâm đầu tư hệ thống ô đê bao khép kín cho từng tiểu vùng sản xuất phù hợp với từng mô hình như: siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến kết hợp, đặc biệt là đối với mô hình tôm - lúa. Đồng thời, xem xét hỗ trợ kinh phí xây dựng các trạm quan trắc, cảnh báo môi trường nước tự động để đại bộ phận người dân kịp thời phát hiện các chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép nhằm chủ động trong sản xuất. Giúp địa phương nghiên cứu, chuyển giao những công nghệ xử lý nước thải, chất thải trong nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường… Ông Lê Văn Tần - Chủ tịch UBND huyện Phước Long, cho biết: “Khi dự án đầu tư phát triển hạ tầng vùng luân canh tôm - lúa hoàn thiện và đưa vào vận hành không chỉ giúp huyện mở rộng thêm diện tích sản xuất tôm - lúa mà còn giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất, hạn chế thấp nhất những tác động của thời tiết, mở ra hướng đi mới và bền vững cho mô hình lúa thơm - tôm sạch trên địa bàn huyện”.
Để sản xuất tôm - lúa bền vững, hiệu quả, ngoài việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật thì cần phải tổ chức liên kết sản xuất theo mô hình hợp tác xã. Các địa phương trong vùng cũng cần liên kết tạo vùng nguyên liệu lớn liên tỉnh, gắn với cánh đồng lớn. Cùng nhau xây dựng thương hiệu lúa thơm - tôm sạch để “con tôm ôm cây lúa” cùng nhau vươn xa.
Chí Linh