Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Đầu tư phát triển lúa gạo mang thương hiệu Bạc Liêu
Thực hiện Đề án sản xuất bền vững 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bạc Liêu đã và đang cơ cấu đưa vào sản xuất các giống lúa đặc sản, lúa thơm, lúa chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến xuất khẩu.
Lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình lúa chất lượng cao ở phường Láng Tròn (TX. Giá Rai).
CƠ CẤU LẠI GIỐNG LÚA
Hiện toàn tỉnh có 148.681ha gieo trồng lúa, năng suất từ 6 - 7,5 tấn/ha, sản lượng đạt từ 1,1 - 1,2 triệu tấn/năm. Trong đó, lúa mùa (lúa trên đất tôm - lúa) 41.541ha, lúa đông xuân 48.230ha, lúa hè thu 58.910ha. Để nâng cao diện tích lúa chất lượng cao, ngành Nông nghiệp đã và đang tiến hành cơ cấu lại các nhóm lúa giống cho phù hợp với các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, mỗi vụ ngành Nông nghiệp cơ cấu nhóm lúa chất lượng cao từ 39.000 - 53.000ha, chiếm từ 92 - 96% diện tích gieo trồng. Trong đó, các giống lúa đặc sản Một bụi đỏ, Tài nguyên; các giống lúa thơm như ST24, ST25, Đài thơm 8, Nàng Hoa 9, RVT; các giống OM5451, OM18, OM2517, VNR-20, Hương Châu 6... Ngoài ra, ngành chức năng còn khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa xác nhận để sản xuất. Hiện diện tích sử dụng giống cấp xác nhận mỗi vụ đạt từ 30.200 - 37.000ha, chiếm từ 73 - 80% diện tích. Đồng thời, từng bước giảm lượng giống gieo sạ từ 80 - 100kg/ha, nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Kỹ sư Trần Văn Na - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: “Tỉnh chủ trương khuyến khích nông dân sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm nhưng phải sử dụng giống cấp xác nhận để gieo sạ, nhằm nâng cao chất lượng lúa, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tăng lợi nhuận cho nông dân”.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng đã quan tâm thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu lúa cho nông dân. Đến nay, toàn tỉnh thực hiện liên kết bao tiêu hơn 90.000ha, với sản lượng 600.000 tấn lúa các loại. Các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu như Công ty TNHH MTV Vina Toàn Phát, Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp - thủy sản Bạc Liêu, Hợp tác xã (HTX) Vĩnh Cường, HTX Thanh Sơn, HTX Nông nghiệp Xanh...
Các kỹ sư nông nghiệp kiểm tra ruộng lúa thơm chất lượng cao thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp và thủy sản tỉnh.
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG
Khu vực ĐBSCL chiếm tới 95% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Do vậy, việc xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao là hết sức cần thiết, phù hợp với xu hướng tiêu dùng và nâng cao khả năng cạnh tranh. Theo đó, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với hệ thống logistics phù hợp; có chính sách đủ mạnh để doanh nghiệp tham gia và đóng vai trò then chốt; có chính sách hỗ trợ nông dân trong vùng Đề án về tín dụng, vay vốn…
Để chủ động chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng lúa, Bạc Liêu đã bố trí từng vùng sản xuất lúa cụ thể, nâng dần diện tích các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm, đặc sản địa phương. Trong quá trình sản xuất, áp dụng các kỹ thuật “1 phải - 5 giảm” hoặc chương trình “3 giảm - 3 tăng”, các kỹ thuật canh tác thông minh, quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…
Nông dân TX. Giá Rai thu hoạch lúa ST24. Ảnh: M.Đ
Song song đó, tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực lúa gạo chất lượng cao và đặc sản; xây dựng các vùng sản xuất lúa hữu cơ phù hợp với các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh; giữ ổn định diện tích đất chuyên trồng lúa nước 58.900ha ở Tiểu vùng giữ ngọt ổn định phía Bắc Quốc lộ 1A; mở rộng địa bàn sản xuất lúa trên đất tôm - lúa đạt 43.000 - 48.000ha ở Tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A. Đồng thời đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống công trình thủy lợi phân ranh mặn - ngọt; nạo vét hệ thống kênh mương bị bồi lắng; phát triển hệ thống trạm bơm điện vừa và nhỏ; từng bước kiên cố hóa kênh mương. Phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, lúa chịu mặn mang thương hiệu Bạc Liêu, trong đó vùng lúa chất lượng cao chiếm trên 92% diện tích gieo trồng.
Ngoài ra, phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiệu quả và liên kết bao tiêu lúa gạo. Khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng vật tư và xử lý chất thải nông nghiệp. Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và sử dụng các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm lúa gạo chất lượng cao mang thương hiệu Bạc Liêu...
MINH ĐẠT
- Tập huấn phần mềm kiểm kê tài sản công cho hơn 600 cán bộ
- Tổng rà soát người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt làm việc với các bệnh viện về tình hình chuẩn bị đại hội
- Nhạc sĩ Nguyễn Quốc (Bạc Liêu) đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc
- TP. Bạc Liêu: Bàn giải pháp ứng phó với sạt lở tuyến đê biển Đông