Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường biển và nuôi trồng thủy sản
Thực hiện Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thời gian qua, Bạc Liêu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết này gắn với đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh.
Ra quân làm vệ sinh môi trường ven biển Bạc Liêu.
QUAN TÂM QUAN TRẮC VÀ CẢNH BÁO MÔI TRƯỜNG
Để BVMT, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Bạc Liêu đã ban hành nhiều văn bản và tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị liên quan đến nội dung BVMT, nhất là thế mạnh kinh tế chủ lực trong nuôi trồng thủy sản (NTTS). Cụ thể như: Hội thảo “Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm” do UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp Báo Tuổi Trẻ tổ chức; Diễn đàn tôm Việt năm 2023 - lần 8 “Nuôi tôm công nghệ cao hướng đến bền vững và hiệu quả” do Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cùng Trung tâm Hợp tác Quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) phối hợp với Sở NN&PTNT và Hiệp hội Tôm tỉnh Bạc Liêu tổ chức; Hội thảo “Tham vấn, đối thoại chính sách trong chuỗi giá trị tôm xanh” do Sở NN&PTNT tổ chức…
Cùng với tổ chức các hội thảo chuyên đề, hằng năm ngành Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) còn thường xuyên thực hiện quan trắc và cảnh báo môi trường như: quan trắc cảnh báo môi trường đối với các vùng NTTS trọng điểm; quan trắc, cảnh báo môi trường đối với kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Điểm quan trắc được chọn tại các tuyến kênh chủ yếu cung cấp nước cho vùng NTTS trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Các chỉ tiêu quan trắc và tần suất quan trắc thực hiện theo hướng dẫn của Cục Thủy sản với định kỳ mỗi tháng thu mẫu nước 2 lần. Cũng như, hằng năm thực hiện thu mẫu nước trên các tuyến kênh và công tác quan trắc, cảnh báo môi trường trong NTTS trên địa bàn tỉnh giúp chủ động về việc quản lý chất lượng nước và phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả trong quá trình sản xuất.
Cùng với đó, ngành TN-MT và các ngành, địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh việc thúc đẩy người dân thực hiện các thủ tục và hành động về BVMT. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có tất cả 25 công ty, đơn vị nuôi tôm siêu thâm canh có đánh giá tác động môi trường và đăng ký giấy phép môi trường. Trong mô hình nuôi này, hệ thống bể biogas xử lý chất thải là 137/832 hộ (đạt 16,5%), hệ thống tuần hoàn 33/832 hộ (đạt 4%) và hệ thống có ao chứa nước thải 503/832 hộ (tỷ lệ 60,5%), có cam kết bảo vệ môi trường là 489/832 hộ (đạt 58,8% tổng số hộ). Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã triển khai kế hoạch giám sát an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu, trong đó hỗ trợ Công ty Cổ phần Việt - Úc Bạc Liêu (bao gồm vùng đệm) xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh (thu mẫu xét nghiệm, kiểm tra, đánh giá, công nhận...) theo khuyến nghị của Tổ chức Thú y Thế giới, nhằm sớm được công nhận vùng nuôi đạt chuẩn an toàn dịch bệnh để có thể xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc và thị trường các nước (duy trì thực hiện giám sát hằng năm nhằm đáp ứng yêu cầu của Úc khi sang thẩm định công nhận).
Song song đó, hệ thống quan trắc và giám sát môi trường chất lượng nước mặt được Sở TN-MT quan trắc vào ngày 15 âm lịch hằng tháng, nhằm đánh giá diễn biến chất lượng nguồn nước phục vụ yêu cầu sản xuất và NTTS. Hệ thống quan trắc thường xuyên các điểm cố định như: cửa biển Nhà Mát, cầu Chiêm Túp 1, ngã ba Cầu Sập, cống Hưng Thành, cống Cái Cùng, cống Đầu Bằng, Láng Tròn - Phong Thạnh Đông A, cửa biển Gành Hào… Các thành phần môi trường được đo đạc, phân tích gồm: pH, độ muối, TSS, BOD5, COD, DO, amonia, nitrit, nitrat, clorua, tổng sắt, tổng coliform... Ngoài ra, hằng năm Sở TN-MT còn phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành quan trắc và giám sát chất lượng các thành phần môi trường nền như: không khí, nước mặt, nước ngầm, đất và các nguồn nước thải, khí thải, chất thải rắn trong mùa khô và mùa mưa, nhằm đánh giá diễn biến môi trường phục vụ cho công tác quản lý…
Nhìn chung, chất lượng môi trường nước trên hệ thống kênh rạch và vùng biển ven bờ của tỉnh Bạc Liêu còn khá tốt, đảm bảo khả năng tiếp nhận nước thải và phục vụ tốt cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển kinh tế thủy sản. Riêng BVMT ven biển là một trong những vấn đề luôn được chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng hàng đầu. Hằng năm, tỉnh Bạc Liêu tổ chức các kỳ chuyên mục, khóa tập huấn, tuyên truyền trên báo, đài, trang thông tin điện tử của đơn vị, treo băng-rôn, pa-nô tuyên truyền ở những nơi tập trung đông dân cư, trường học, trụ sở làm việc... Đồng thời, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về BVMT cũng được thường xuyên tổ chức như “Ngày Môi trường thế giới”, “Ngày Nước thế giới”, “Ngày Đại dương thế giới” và “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” và ra quân làm vệ sinh môi trường ven biển…
Giới thiệu mô hình nuôi tôm công nghệ cao tuần hoàn nước tại TP. Cần Thơ. Ảnh: K.T
CHUNG TAY HÀNH ĐỘNG
Công tác BVMT trong NTTS và môi trường ven biển tuy được quan tâm thực hiện tốt, nhưng nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng nước biển dâng và ngập mặn gia tăng ngày càng lấn sâu vào nội địa đã tác động trực tiếp đến môi trường và tài nguyên đất, dẫn đến diện tích ngập úng gia tăng làm ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái, cũng như nuôi trồng một số loài thủy sản. Đồng thời, làm ảnh hưởng đến hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, công nghiệp và công trình nhà ở, từ đó tác động tiêu cực đến đảm bảo các dịch vụ xã hội, công nghiệp, hệ thống thủy lợi, đặc biệt là các cống đập đã được đầu tư trong những năm qua.
Bên cạnh đó, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, khó kiểm soát dịch bệnh trong các mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao, vì đây là các mô hình có lượng nước thải, chất thải lớn. Các cơ chế ưu đãi, khuyến khích và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh được xây dựng dựa trên khung quy định chung của Trung ương, mặc dù áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ cao nhất theo quy định, nhưng quy mô nền kinh tế của tỉnh nhỏ, dân số ít dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp và kéo theo việc đầu tư cho công tác BVMT còn gặp khó.
Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế trên là do các ngành kinh tế biển chủ lực của tỉnh phát triển ở trình độ thấp, lệ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, sản xuất nhỏ cả về quy mô lẫn sản lượng hàng hóa và đang trong quá trình chuyển đổi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu bền vững. Việc tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập. Sản xuất nhiều loại sản phẩm nhưng lại phân tán, manh mún, không gắn kết giữa vùng nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến tình trạng được mùa - mất giá và ngược lại. Việc chỉ đạo phát triển kinh tế biển có lúc, có nơi ở một số cấp ủy đảng, chính quyền và sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan thực hiện chưa đến nơi đến chốn, hiệu quả chưa cao. Một bộ phận nông - ngư dân có ý thức hạn chế trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và vùng ven biển, ý thức làm ăn tập thể còn giới hạn, tính hợp tác trong sản xuất chưa cao…
Tất cả những khó khăn và bất cập này cần được các ngành, địa phương chung tay giải quyết vì nó liên quan đến phát triển bền vững. Đồng thời, đây cũng là định hướng và đột phá chiến lược của tỉnh về phát triển kinh tế biển đã được cụ thể hóa trong quy hoạch tổng thể đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050. Vì vậy, cần tiếp tục thi đua thực hiện Nghị quyết 26 của Chính phủ về kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết 36. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về Biển Đông, hải đảo, phát triển kinh tế biển và BVMT biển, vùng ven biển. Qua đó, nâng cao ý thức BVMT của mọi người dân, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về môi trường ở các cấp, các ngành và thực hiện xã hội hóa về công tác BVMT…
NGUYỄN TRỌNG
- Vĩnh Long sẵn sàng cho Festival Gạch gốm đỏ lần đầu tiên
- Tổng kết, bế mạc Lễ hội, trao thưởng Giải đua ghe Ngo Sóc Trăng năm 2024
- Phát động Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
- Khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết để xây dựng quê hương
- Những trăn trở của nông dân