Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Đẩy mạnh và khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân ứng dụng công nghệ cao
Một trong 5 lĩnh vực trụ cột phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) được Bạc Liêu tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư chính là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 06 về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025.
Mô hình sản xuất tôm sạch thông qua liên kết chuỗi giá trị giữa nông dân Phước Long và Tập đoàn thủy sản Bồ Đề.
KINH TẾ MŨI NHỌN
Mục tiêu chung của Nghị quyết 06 là tiếp tục xác định phát triển con tôm là sản phẩm chủ lực, là kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến về tôm và trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó chọn con tôm, cây lúa là đối tượng chủ lực để tập trung phát triển đồng bộ dựa trên 4 yếu tố: phân vùng sản xuất để tạo sản phẩm đặc thù; nghiên cứu lựa chọn công nghệ mới; đào tạo nhân lực và thu hút nguồn lực đầu tư; liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; xây dựng thương hiệu và xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ. Tập trung tổ chức lại sản xuất; phát triển các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị…
Có thể nói, sự ra đời của Nghị quyết 06 đã mở ra nhiều cơ hội cho công tác thu hút, mời gọi đầu tư và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có. Qua đó, giúp cho Bạc Liêu lựa chọn những doanh nghiệp có tâm huyết và thật sự đồng hành cùng nông dân, nhất là các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua sự liên kết bền chặt với nông dân, vì lợi ích của người nông dân và phát triển bền vững cho môi trường tương lai. Bởi thời gian qua, do sản xuất chạy theo năng suất, số lượng mà nhiều nông dân đã quên đi trách nhiệm đối với người tiêu dùng, hoặc vì lợi nhuận đơn thuần mà bất chấp sự phát triển bền vững, làm hủy hoại môi trường bằng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật cấm…
Có một mô hình đáng ghi nhận và được xem là tiên phong cho mô hình phát triển bền vững tại Bạc Liêu trong thời gian qua chính sự liên kết sản xuất của nông dân với Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Bồ Đề. Thông qua thực hiện Đề án chuyên nghiệp hóa người nông dân, Tập đoàn thủy sản Bồ Đề đã xây dựng nên những liên kết bền chặt với người nông dân từ các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) sản xuất lúa - tôm và trở thành điểm tựa vững chắc cho người nông dân hiện đại.
Với đề án này, không chỉ giúp người nông dân ứng dụng sản phẩm sạch từ quy trình sản xuất công nghệ cao, mà còn làm thay đổi nhận thức, tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang làm kinh tế nông nghiệp, xem môi trường chính là “cái nôi” của phát triển bền vững, sản xuất sản phẩm sạch, sản phẩm chất lượng cao cung cấp cho nhiều thị trường và đặt phát triển bền vững lên mục tiêu hàng đầu. Đây chính là xu thế tất yếu và không thể thiếu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và phù hợp với yêu cầu của các tổ chức thế giới, các nhà nhập khẩu hàng nông, thủy sản của Việt Nam.
Để khuyến khích ngày càng nhiều doanh nghiệp cùng nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhất là mô hình “lúa thơm - tôm sạch”, Bạc Liêu đã ban hành nhiều chính sách và cơ chế hỗ trợ, ưu đãi về đất, thuế, tài chính… nhằm giúp doanh nghiệp xây dựng các kho bãi, nhà máy sản xuất tại chỗ, giúp tỉnh tăng thu ngân sách và giải quyết thêm việc làm cho lao động địa phương.
Nông dân TP. Bạc Liêu thu hoạch tôm nuôi công nghệ cao. Ảnh: K.T
TỔ CHỨC PHÂN VÙNG SẢN XUẤT
Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Bạc Liêu sẽ tổ chức phân vùng sản xuất, tạo sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang tính đặc thù và tập trung đẩy mạnh các liên kết và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Cụ thể là đẩy mạnh phát triển mô hình sản xuất công nghệ cao; trong đó, cần tập trung xác định rõ từng vùng, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường như: vùng sản xuất lúa chất lượng cao (lúa Một bụi đỏ, Tài nguyên, ST24, ST25...); vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm; vùng sản xuất luân canh lúa - tôm tại khu vực phía Bắc Quốc lộ 1A; vùng sản xuất rau màu, vùng trồng cây ăn trái (thanh nhãn Bạc Liêu); vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh; vùng nuôi tôm sinh thái kết hợp trồng rừng; vùng sản xuất muối chất lượng cao… tại khu vực phía Nam Quốc lộ 1A và đảm bảo đạt mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng sản xuất tại các cơ sở, vùng sản xuất giống nông nghiệp hiện có, nhằm tạo ra cây, con giống đảm bảo sạch bệnh, có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đồng thời, tiếp tục rà soát đề xuất điều chỉnh, bổ sung các vùng sản xuất giống nông nghiệp tập trung trong giai đoạn tới, trong đó ưu tiên đầu tư sản xuất các đối tượng cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất giống tôm của cả nước. Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác và trang trại; xây dựng, nhân rộng và phát triển các mô hình HTX hoạt động có chất lượng trong từng lĩnh vực, nhất là tôm và lúa; phát triển mô hình liên kết sản xuất và mở rộng thị trường để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, căn cứ tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng khu vực đặc thù, nghiên cứu chọn lựa công nghệ mới, phù hợp thực tiễn sản xuất để đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển giao ứng dụng nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Một số công nghệ định hướng phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025 bao gồm: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin 4.0; công nghệ tự động hóa; công nghệ nhà kín, nhà lưới; công nghệ nano; công nghệ quan trắc môi trường; công nghệ trong vận chuyển, chế biến sản phẩm sau thu hoạch...
KIM TRUNG