Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch trà lúa hè thu

Thứ Sáu, 13/09/2024 | 17:14

Do ảnh hưởng mưa bão, nhiều diện tích lúa hè thu đã bị đổ ngã, tập trung ở 2 huyện Vĩnh Lợi và Hòa Bình. Sau khi có nắng, nông dân đã gấp rút bơm nước trên đồng ra và tranh thủ thu hoạch lúa. Khó khăn lớn nhất hiện nay là cùng lúc thu hoạch trên diện tích lớn nên máy gặt đập không đủ đáp ứng nhu cầu, vì vậy tiến độ thu hoạch lúa bị chậm.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT kiểm tra tình hình lúa sập ở xã Minh Diệu (huyện Hòa Bình).

Khó khăn chồng chất

Thời điểm này, nông dân đã bắt tay vào thu hoạch rộ gần 58.900ha lúa hè thu. Hầu hết các trà lúa hè thu trong giai đoạn chín và cho thu hoạch nên dễ bị sập khi có mưa bão. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có  hơn 9.700ha diện tích lúa hè thu bị sập. Hiện nông dân đang tranh thủ bơm nước ra để thu hoạch lúa bị sập. Mưa liên tục trong những ngày qua không chỉ làm chậm tiến độ thu hoạch mà năng suất và chất lượng lúa cũng bị giảm.

Huyện Vĩnh Lợi là địa phương có diện tích lúa bị đổ ngã nhiều nhất tỉnh, hiện nông dân đã thu hoạch được 10.000/17.000ha, năng suất bình quân đạt từ 6 - 6,5 tấn/ha. Cá biệt có một số diện tích thu hoạch trước mưa, bão nên năng suất đạt cao, từ 8 - 10 tấn/ha. Ông Tô Thanh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi, cho biết: Do ảnh hưởng mưa bão, huyện Vĩnh Lợi có 5.000ha lúa bị sập, trong đó có 100ha bị giảm năng suất từ 20 - 50%. Do mưa kéo dài liên tục nên việc thu hoạch lúa chậm, giá lúa hiện cũng giảm so với trước, tình trạng thương lái “bỏ cọc” lúa đã xảy ra tại một số cánh đồng. Huyện đã huy động máy gặt đập liên hợp để hỗ trợ nông dân thu hoạch ngay các trà lúa bị sập khi có nắng”.

Còn theo Phòng NN&PTNT huyện Hòa Bình, huyện có gần 3.700ha lúa hè thu bị sập do ảnh hưởng mưa bão. Các địa phương thiệt hại nhiều là xã Minh Diệu, Vĩnh Bình, Vĩnh Mỹ B và thị trấn Hòa Bình. Gia đình bà Trần Thị Thắm (ấp 21, xã Minh Diệu) có hơn 27 công đất trồng lúa, khi lúa chín chuẩn bị cho thu hoạch thì bị đổ ngã. Bà Trần Thị Thắm lo lắng: “Năm nay lúa trúng mùa, trúng giá, nông dân chúng tôi rất mừng nhưng mưa bão lại làm lúa sập hết. Mấy ngày nay, gia đình tôi đợi máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa. Nhưng cùng lúc lúa đổ ngã nhiều nơi nên máy gặt đập cũng khan hiếm”.

Riêng ở huyện Phước Long, TX. Giá Rai và TP. Bạc Liêu, nông dân đã thu hoạch gần hết diện tích lúa hè thu. Chỉ còn một số diện tích lúa chín bị đổ ngã nhưng may mắn không giảm năng suất.

Nông dân xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) tranh thủ thu hoạch lúa hè thu khi trời có nắng.  Ảnh: M.Đ

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa

Huyện Vĩnh Lợi có hơn 200 máy gặt đập liên hợp, mỗi ngày có thể thu hoạch 500 - 700ha  lúa đổ ngã. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi, lúc nắng lúc mưa nên gây nhiều khó khăn trong thu hoạch. Tiến độ thu hoạch chậm hơn so với tiến độ dự kiến, nhiều cánh đồng đã quá ngày vẫn chưa được thu hoạch.

Cánh đồng lúa ở ấp 21 (xã Minh Diệu) đã quá ngày thu hoạch nhưng nông dân tại đây vẫn tiếp tục chờ vì không có máy gặt đập. Trên thực tế, số lượng máy gặt đập hiện có trên địa bàn tỉnh là không ít nhưng do mưa kéo dài, lúa chín không cắt được nên xảy ra tình trạng đông ken, khiến một số nơi thiếu cục bộ máy gặt đập liên hợp. Bên cạnh đó, lúa bị sập thu hoạch cũng mất thời gian hơn. Tuy vậy, với lợi thế có trạm bơm điện tiêu úng nên nếu thời tiết thuận lợi, khả năng cánh đồng xã Minh Diệu sẽ được thu hoạch dứt điểm trong vài ngày tới.

Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, vụ lúa hè thu luôn là vụ sản xuất khó khăn nhất trong năm do sản xuất ngay trong thời điểm mưa bão. Vụ lúa hè thu năm nay được đánh giá là vụ thành công nhất trong nhiều năm qua, lúa vừa trúng mùa vừa trúng giá. Năng suất lúa trước mưa bão trung bình đạt 6 - 6,5 tấn/ha, cá biệt có nơi đạt 8 - 10 tấn/ha. Lúa Đài thơm 8, các giống lúa thơm OM có giá từ 7.500 - 8.500 đồng/kg; lúa ST24, ST25 giá 10.000 đồng/kg. Theo nhiều nông dân, vụ lúa hè thu năm nay, những hộ thu hoạch trước cơn bão số 3 đạt lợi nhuận từ 4 - 5 triệu đồng/công. Diện tích lúa bị sập khi thu hoạch chất lượng lúa và giá lúa giảm nên lợi nhuận cũng giảm, chỉ khoảng 2 triệu đồng/công, một số diện tích thiệt hại nặng thì nông dân chỉ thu hồi vốn.

Để giảm tỷ lệ thiệt hại, giảm ảnh hưởng chất lượng lúa, trong những ngày qua, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kịp thời tiêu thoát nước để tháo úng, tạo thuận lợi cho việc bơm tát nước của nông dân. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, hỗ trợ, tạo điều kiện để máy gặt đập liên hợp vào đồng, tranh thủ những ngày nắng để thu hoạch lúa dứt điểm cho nông dân.

Ông Trần Văn Na - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Hiện ngành chức năng đã mở cống xổ nước, nên nông dân cần nhanh chóng tiến hành bơm nước trong ruộng ra để giảm thiệt hại. Khi trời có nắng thì khuyến cáo nông dân thu hoạch lúa sớm, nhanh để tránh thiệt hại nếu tiếp tục có mưa. Ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu thu mua lúa giúp nông dân.

Minh Đạt

Kiểm tra diện tích lúa đổ ngã, ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở phối hợp với các địa phương xuống địa bàn có diện tích lúa bị sập để có phương án khắc phục. Tập trung tiêu thoát úng, sử dụng tối đa công suất các trạm bơm để kịp thời rút nước, khi có nắng sẽ thuận lợi cho nông dân thu hoạch. Các địa phương huy động các máy gặt đập liên hợp tranh thủ thu hoạch lúa cho nông dân. Đồng thời, đề nghị các địa phương lưu ý về phương án đầu tư nhiều ô đê bao khép kín gắn với bơm điện; từng bước hoàn thiện hệ thống ô đê bao khép kín gắn với trạm bơm để chủ động việc bơm tát tưới tiêu và xổ úng…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.