Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Để trụ cột nông nghiệp phát triển: Cần có hạ tầng đồng bộ, hiện đại
Phát triển kinh tế nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng được Bạc Liêu đã và đang tập trung thực hiện. Mặc dù các cấp, các ngành luôn đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực này, nhưng trên thực tế, nguồn lực vẫn chưa đủ để đầu tư, xây dựng hạ tầng nông nghiệp - nông thôn đồng bộ, hiện đại.
Công trình cống Cái Cùng (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) giúp điều tiết nước mặn phục vụ nhu cầu nuôi tôm của người dân vùng Nam Quốc lộ 1A.
Những bước tiến ban đầu của ngành Nông nghiệp
Giai đoạn 2018 - 2021, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện đầu tư phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn trên địa bàn tỉnh là trên 2.550 tỷ đồng. Trong đó có 17 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 10 dự án đang triển khai thực hiện. Nhiều dự án hạ tầng quan trọng được đầu tư xây dựng với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn này như: Dự án xây dựng Khu nông nghiệp ƯDCNC phát triển tôm Bạc Liêu; Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng lúa - tôm xã Vĩnh Lộc (huyện Hồng Dân); Dự án xây dựng vùng sản xuất lúa - tôm ổn định TX. Giá Rai; Kè chống sạt lở cửa sông, ven biển thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải); Kè hai bên bờ sông TP. Bạc Liêu...
Song song với các công trình dự án cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trong giai đoạn này cũng tranh thủ các nguồn lực để củng cố, xây dựng hạ tầng nông nghiệp - nông thôn địa phương. Đơn cử như huyện Hòa Bình đã đầu tư xây dựng hơn 700 công trình phục vụ phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn, với tổng nguồn vốn trên 400 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, huyện Phước Long cũng đã hoàn thành hàng trăm công trình, đồng thời xây dựng và đưa vào sử dụng 5 chợ trên địa bàn huyện... Nhìn chung, từ việc tập trung đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp - nông thôn đã góp phần phục vụ sản xuất nông nghiệp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống người dân. Việc lồng ghép hiệu quả chủ trương xây dựng hạ tầng nông nghiệp với mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) đã giúp Phước Long đạt được thành quả quan trọng là năm 2021, huyện có 67/67 ấp đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 2 xã được công nhận NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, đến cuối năm 2020, địa phương này không còn hộ nghèo, tăng cao thu nhập (năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 72,6 triệu đồng/năm, tăng gần 53 triệu đồng so với năm 2010).
Còn nhìn tổng thể lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh cũng đã có những chuyển biến rõ nét, nhất là sự thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn toàn tỉnh. Đồng thời, giai đoạn này tỉnh cũng thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và đã tạo đà tăng trưởng khá. Cụ thể, tổng giá trị sản phẩm (GRDP) khu vực nông, lâm và thủy sản, bình quân mỗi năm tăng trên 4,2% so với năm 2018; tỷ trọng ngành Nông, Lâm và Thủy sản giảm dần, chuyển dịch tăng dần sang lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, dịch vụ.
Thi công nâng cấp lộ nông thôn trên địa bàn xã Long Thạnh (huyện Vĩnh Lợi) phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương nông sản cho nông dân.
Hạ tầng yếu “níu chân” lĩnh vực thế mạnh
Với “tiềm năng” của vùng nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu đã xác định nông nghiệp là một trong những trụ cột KT-XH quan trọng của tỉnh. Đồng thời định hướng cho sự phát triển bền vững lĩnh vực này trong tương lai, tỉnh đã xây dựng các mục tiêu hướng đến nông nghiệp ƯDCNC, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo. Tuy nhiên, qua các đợt giám sát thực tế ở các địa phương cho thấy, hạ tầng nông nghiệp của tỉnh vẫn còn khá yếu. Cụ thể là huyện Hồng Dân, hiện hạ tầng giao thông bộ tuy phát triển nhưng chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa vì tải trọng cầu còn khống chế các xe tải lớn chưa thể vào đến tận cánh đồng (chủ yếu vận chuyển bằng đường thủy). Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là sử dụng giống mới, kỹ thuật canh tác bền vững, sản xuất gắn kết với thị trường và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa ở địa phương này còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, khả năng cạnh tranh kém, giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích canh tác còn thấp; công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến sau thu hoạch phát triển chậm. Thu nhập của người lao động khu vực nông nghiệp thấp và chịu nhiều rủi ro so với các khu vực kinh tế khác...
Thương lái thu mua lúa của nông dân huyện Phước Long. Ảnh: T.T - H.T
Những bất cập trên cũng chính là khó khăn chung của lĩnh vực nông nghiệp ở các địa phương khác trong tỉnh. Ngoài ra, qua khảo sát thực tế, tiếp xúc trao đổi với người dân, đại biểu HĐND tỉnh cũng đã chuyển kiến nghị đến UBND tỉnh về tình trạng khó khăn trong nuôi trồng thủy sản của người dân huyện Hòa Bình, Đông Hải do các kênh bồi lắng rất nhanh và cho rằng phương thức nạo vét kiểu cũ của ngành chức năng cũng không hiệu quả. Đồng thời, rất nhiều hệ thống ngăn mặn, giữ ngọt đang trong tình trạng xuống cấp, cần được sửa chữa, thậm chí xây mới với quy mô lớn hơn, hiện đại hơn mới đáp ứng nhu cầu nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp, thủy sản của người dân...
Từ các buổi giám sát trực tiếp của Đoàn giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2021” do HĐND tỉnh thành lập, cho thấy rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bất cập trong đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp - nông thôn đã được làm rõ. Ngoài nguồn vốn Trung ương phân bổ cho địa phương khá khiêm tốn, hiện tỉnh cũng chưa xây dựng được chính sách thu hút đầu tư cho lĩnh vực này; sự phối hợp giữa ngành chức năng, địa phương chưa tốt nên kinh phí phân bổ hằng năm thực hiện các công trình, dự án còn chậm, nhất là đối với các công trình nạo vét kênh mương, sửa chữa, nâng cống phân ranh... làm ảnh hưởng đến sản xuất, nuôi trồng của người dân. Đồng thời, Đoàn giám sát cũng thẳng thắn nêu một số vấn đề bất cập trong thực hiện chính sách đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã trong tỉnh hiện nay là chưa hiệu quả...
Có thể nói, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là khâu đột phá quan trọng để thúc đẩy trụ cột nông nghiệp phát triển, là nền tảng để mục tiêu xây dựng NTM có được sự phát triển bền vững. Do đó, với những bất cập, yếu kém hiện nay chính là bước cản lớn “níu chân” sự phát triển của lĩnh vực tiềm năng. Thiết nghĩ, cùng với các chủ trương, nghị quyết nâng tầm “tam nông” của Trung ương, địa phương thì các cấp, các ngành cần sớm xây dựng giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt, đồng thời từng bước thực hiện xây dựng hạ tầng nông nghiệp - nông thôn đồng bộ, hiện đại.
Hoàng Uyên
- Huyện Phước Long: Họp mặt kỷ niệm 50 Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Họp thành viên UBND tỉnh: Thông qua 12 dự thảo văn bản
- Bạc Liêu tham gia họp mặt Khối binh vận tại TP. Hồ Chí Minh
- Khai mạc Lễ hội Quan âm Nam Hải năm 2025
- Khai mạc Giải bóng bàn các CLB tỉnh Bạc Liêu mở rộng năm 2025 tranh Cúp Báo Bạc Liêu