Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Diêm dân tất bật vào vụ muối
Những ngày này, bà con diêm dân trên địa bàn tỉnh đang tất bật tu sửa, cải tạo lại mương nước ô muối, chòi canh… để bước vào vụ mới. Hiện, giá muối đang khá ổn định, cộng với thời tiết diễn biến thuận lợi nên diêm dân đang kỳ vọng vào một vụ mùa thắng lợi.
Diêm dân trong tỉnh vệ sinh bạt và bơm sang nước vào các ô để chuẩn bị “thả muối”. Ảnh: C.L
Sẵn sàng cho vụ muối mới
Vì là nghề phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên bà con diêm dân thường nắm thông tin về tình hình thời tiết rất kỹ cũng như vận dụng các kinh nghiệm được truyền đạt qua nhiều thế hệ để quyết định thời gian thả vụ muối đầu năm.
Gắn bó với nghề làm muối đến nay đã gần 30 năm, anh Huỳnh Văn Toàn (ấp Trường Điền, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) đã trải qua bao buồn vui, nhọc nhằn của cái nghề “sém cháy thịt da, mới ra hạt muối”. Những ngày này, khi trời vừa tờ mờ sáng là anh đã tất tả ra đồng muối để tháo nước, cải tạo đồng ruộng. “Dù không biết giá muối năm nay lên, xuống như thế nào nhưng hễ vào vụ mà không ra đồng làm là cảm giác rất khó chịu. Chỉ mong ngày đến sớm, đêm qua nhanh để cùng với bà con trong xóm ra đồng làm muối. Mong là vụ muối đầu tiên này sẽ trúng mùa, trúng giá để bà con có một vụ khởi đầu thành công”, anh Toàn chia sẻ.
Cũng như diêm dân huyện Đông Hải, những ngày này, trên các cánh đồng muối của huyện Hòa Bình cũng nhộn nhịp không khí ra đồng làm muối. Tranh thủ điều kiện thời tiết khá thuận lợi những ngày qua, nhiều hộ đã huy động tất cả thành viên trong gia đình cùng làm cho kịp thời vụ.
Đầu tư hạ tầng, hỗ trợ đầu ra cho hạt muối
Nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất muối, thời gian qua, các địa phương đã đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống kênh, mương, giúp việc dẫn nước vào ruộng muối của diêm dân được thuận lợi cũng như có thể vận chuyển muối đến nơi tiêu thụ được thuận tiện, nhanh chóng. Song song đó, các địa phương cũng tích cực hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, đồng thời, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối. Qua đó nhằm giúp diêm dân giảm bớt khó khăn trong việc tiêu thụ muối. Bởi, đây luôn là rào cản và là nỗi lo thường trực của bà con mỗi khi bắt tay vào vụ.
Theo ông Trần Văn Thưa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Doanh Điền (xã Điền Hải, huyện Đông Hải): “Chỉ có làm chung, ăn chung, mở rộng thị trường, tìm đối tác tiêu thụ thì diêm dân mới có thể “sống khỏe” được với nghề. Những năm qua, nhờ được sự quan tâm của tỉnh, địa phương mà người làm muối như chúng tôi đã không còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như trước”.
Bên cạnh mô hình sản xuất muối trên nền đất theo cách truyền thống, hiện nay, nhiều diêm dân cũng đã mạnh dạn sử dụng bạt lót để nâng cao sản lượng cũng như sản xuất muối trắng để dễ tìm kênh tiêu thụ. Việc chuyển đổi từ phương pháp sản xuất muối truyền thống sang muối trải bạt là hướng đi tất yếu, giúp diêm dân nâng cao thu nhập. Thực tế, việc hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất muối trắng tại các địa phương trong những năm qua đã minh chứng điều đó. Theo nhiều diêm dân chia sẻ, trong điều kiện thời tiết nắng tốt, mỗi héc-ta muối trải bạt có thể đạt năng suất 130 - 150 tấn/ha/vụ; cao hơn ruộng muối trên nền đất từ 30 - 50 tấn/ha/vụ. Giá muối trắng cũng ổn định ở mức trên 1.300 đồng/kg, trong khi giá muối thường chỉ từ 900 - 1.000 đồng/kg cùng thời điểm. Ngoài ra, sản xuất muối trải bạt còn giảm được công lao động, bởi không phải nén lại nền đất sau 2 - 3 đợt thu hoạch.
Tuy nhiên, để bảo tồn và gìn giữ nghề làm muối truyền thống, nhiều địa phương vẫn khuyến khích nông dân sản xuất theo phương thức cũ - làm muối trên nền đất. Đồng thời, xem đây là “đặc sản”, hướng đến việc xây dựng sản phẩm đặc trưng, sử dụng cho việc sản xuất muối dùng trong lĩnh vực làm đẹp, y học và phát triển song hành cùng với muối trải bạt. Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh - chuyên gia du lịch nông nghiệp, nông thôn trong chuyến công tác về đồng muối Bạc Liêu đã chia sẻ: “Muối nền đất Bạc Liêu có mùi vị rất đặc biệt, nếu chỉ vì lợi nhuận mà bỏ đi muối nền đất, làm muối trải bạt hết thì rất tiếc. Do đó, tôi thiết nghĩ Bạc Liêu cần có quy hoạch cụ thể để vừa sản xuất muối trải bạt, vừa giữ được muối nền đất thì sẽ phù hợp, giúp diêm dân khai thác tối đa lợi thế từ đồng muối, tăng thu nhập từ hạt muối, thì muối Bạc Liêu rồi đây sẽ được gìn giữ và phát huy”.
Chí Linh
- Đài Truyền hình Việt Nam: Ghi hình chương trình Tết “12 con giáp” tại Bạc Liêu
- Công an Phường 2: Trả lại kiện hàng trị giá gần 37 triệu đồng cho người đánh rơi
- Hyundai Thành Công Bạc Liêu: Tận tâm phục vụ quý khách
- Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 10
- 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân: Những kết quả đáng ghi nhận