Đồng hành cùng nông dân trong phát triển kinh tế

Thứ Hai, 17/06/2024 | 16:38

Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất - kinh doanh; xây dựng chuỗi liên kết, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm... là những hoạt động nổi bật của ngành Nông nghiệp tỉnh trong những năm qua. Từ các hoạt động này đã giúp nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Mô hình nuôi chồn sinh sản và thương phẩm của nông dân TX. Giá Rai. Ảnh: C.L

Nâng cao chất lượng nông sản

Phước Long là một trong những địa phương có diện tích canh tác rau màu khá lớn của tỉnh. Bên cạnh những thuận lợi về khí hậu, đất đai…, thì nông dân ở đây cũng gặp một số khó khăn, nhất là trong việc tìm đầu ra cho nông sản. Thấu hiểu được khó khăn ấy, thời gian qua, ngành Nông nghiệp cũng như các cấp hội, đoàn thể của huyện luôn quan tâm, phối hợp thực hiện hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và chuyển giao khoa học - kỹ thuật để giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất - kinh doanh… Từ các hoạt động giúp sức này, hiện nhiều nông sản của các địa phương đang từng bước chuyển hướng sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với sơ chế, chế biến, đóng gói bao bì tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 132 sản phẩm được công nhận OCOP (99 sản phẩm đạt 3 sao và 33 sản phẩm đạt 4 sao). Không chỉ chú trọng đến việc nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản thông qua Chương trình OCOP, thời gian qua, cũng giống như Phước Long, các địa phương trong tỉnh còn tích cực hỗ trợ nông dân tìm kiếm đối tác trong khâu cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch, sản xuất theo đơn đặt hàng... Có thể nói, việc đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân của địa phương, ngành Nông nghiệp có ý nghĩa rất lớn đối với các mô hình sản xuất của nông dân, nhất là những hộ nghèo, hộ thiếu vốn, ít kinh nghiệm. Sự hỗ trợ thiết thực ấy đã tạo điều kiện để nông dân phát huy tiềm năng sẵn có của từng vùng, mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng.

Bên cạnh việc hỗ trợ nông dân tìm kiếm đối tác trong khâu cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm..., xác định phát triển kinh tế tập thể trong thời kỳ mới là một giải pháp để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, tạo liên kết mạnh mẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, nông dân với nông dân, vì vậy các địa phương trong tỉnh đã có nhiều giải pháp thúc đẩy các hợp tác xã (HTX) phát triển. Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế tập thể, mà nòng cốt là các HTX đã tập trung đổi mới phương thức quản lý, tiết kiệm để chi phí, giảm giá thành sản phẩm, tăng cường công tác thị trường tìm kiếm đối tác, tạo việc làm và thu nhập cho thành viên và người lao động. Ông Huỳnh Trung Thủ - Giám đốc HTX rau màu 8/3 (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long), chia sẻ: “Không chỉ hỗ trợ kỹ thuật, vốn, huyện còn tích cực hỗ trợ HTX trong việc tìm kiếm đối tác, khách hàng… Nhờ đó mà hoạt động của HTX ngày một phát triển, thu nhập của xã viên cũng đảm bảo. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để bà con tích cực tham gia vào các phong trào tại địa phương, góp phần xây dựng xóm ấp ngày càng phát triển”.

Áp dụng công nghệ vào sản xuất

Với mục tiêu đưa nền nông nghiệp Bạc Liêu ngày càng khởi sắc, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tham mưu, phối hợp với các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện nhiều đề án và các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Những năm qua, ngoài chính sách hỗ trợ hằng năm của Trung ương, tỉnh còn bố trí hàng tỷ đồng từ nguồn ngân sách cho phát triển sản xuất nông nghiệp như: đầu tư hạ tầng thủy lợi, nạo vét kênh rạch, hỗ trợ cây, con giống, vật tư… Nhờ đó, đã có hàng trăm mô hình sản xuất mới, hiệu quả kinh tế cao được triển khai. Trong đó phải kể đến mô hình: nuôi chồn hương thương phẩm và sinh sản ở TX. Giá Rai; đưa màu xuống ruộng ở huyện Phước Long; lúa thơm - tôm sạch ở huyện Hồng Dân; phát triển chăn nuôi ở huyện Vĩnh Lợi…

Song song đó, tỉnh đã xây dựng được các mô hình phát triển sản xuất có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, đảm bảo sản xuất hàng hóa ổn định, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được quan tâm thực hiện; việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất ngày càng nhiều góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, nắm bắt lợi thế từ cuộc cách mạng 4.0, ngành Nông nghiệp cũng nhanh chóng bắt tay vào việc hỗ trợ nông dân trong việc tiếp cận các sản phẩm công nghệ phục vụ cho sản xuất như: máy bay phun thuốc, bẫy đèn thông minh cảnh báo sâu rầy trên ruộng lúa, cách xem chất lượng nguồn nước qua ứng dụng được kết nối trên điện thoại thông minh… Qua đó, giúp giảm sức lao động trên ruộng lúa, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Đồng thời, từng bước tạo thành thói quen cho nông dân trong việc tự tin áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Ông Đoàn Văn Dũng (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Nông dân giờ đây không chỉ biết đến cây cày, cây cuốc, bình xịt mà còn biết điều khiển máy bay để sạ lúa, phun thuốc, bón phân, biết sử dụng điện thoại thông minh để tìm hiểu giá cả thị trường các mặt hàng phân bón, giá nông sản… Nông dân mình hiện đại, nông thôn đã đổi mới hơn trước rất nhiều”.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.