Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Giá lúa tăng - mừng nhưng vẫn lo
Ngay sau khi Ấn Độ ra thông báo cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo trắng không thuộc giống basmati, giá gạo xuất khẩu của các quốc gia có lợi thế về nông nghiệp, trong đó có Việt Nam, liên tục tăng theo từng ngày. Nhưng có một thực tế là cùng lúc này, lượng lúa trong dân hầu như đã cạn. Nông dân lại chịu thiệt khi giá cao rơi vào thời điểm hết lúa!
Cánh đồng lúa hè thu của nông dân xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) đang phát triển xanh tốt. Ảnh: C.L
KHÔNG CÒN LÚA ĐỂ BÁN
Những ngày qua, câu chuyện về giá lúa gạo trở thành chủ đề nóng được nhiều nông dân bàn tán rôm rả. Thế mới thấy, nông dân mình giờ đây không chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà còn rất nhạy bén trong việc nắm bắt thông tin thị trường. Chính vì vậy, dù giá lúa đang trên đà tăng khá cao, nhưng nhiều nông dân vẫn tỏ ra thận trọng trong khâu quản lý chi phí đầu vào để tránh tình trạng “vung tay quá trán”, đeo theo giá lúa mà “lạm dụng” các loại phân, thuốc với mong muốn tăng sản lượng, bán được giá.
Hiện nay, giá lúa bật tăng khi mà trà lúa hè thu của nông dân trong tỉnh còn khoảng 1 tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch. Trong khi đó, với đặc thù canh tác lâu nay, nông dân thường bán lúa tươi ngay tại đồng sau khi thu hoạch, nên dù giá lúa tăng từ 500 - 1.200/kg nhưng nông dân đã không còn lúa để bán. Nông dân Trần Hoàng Nam (xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Qua thông tin từ báo đài, thấy giá lúa tăng cao nông dân mình mừng, bàn tán là vậy, chứ dân vùng này còn lúa đâu mà bán. Cùng lắm nhà nào còn nhiều cũng hơn chục giạ là cùng. Thấy giá lúa giờ vậy chứ tới khi thu hoạch còn gần tháng nữa không biết có bán được giá đó không, vì tình hình mưa gió thất thường như hiện nay cũng khó nói trước lắm”.
Không chỉ người nông dân hết lúa, mà hiện nay các thương lái, hàng xáo cũng đang “đau đầu” lùng sục khắp nơi để mua lúa. Không mua đủ số lượng từ nguồn lúa dự trữ trong dân, nhiều thương lái đổ dồn sang bỏ cọc “lúa đứng”. Tùy theo các loại giống đang canh tác mà bà con nhận được tiền đặt cọc mua lúa với giá từ 6.500 - 7.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều thương lái chậm chân còn không tìm được ruộng để bỏ cọc thu mua lúa vì nông dân đã sớm nhận cọc từ hơn 1 tháng trước. Một cò lúa ở xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) cho biết: “Mấy ngày nay cánh hàng xáo ở mấy tỉnh trên gọi điện nhờ tôi tìm ruộng bỏ cọc trước để thu mua lúa vụ hè thu này mà tôi có làm được đâu. Vì hiện nay, bà con vùng này không bán cho tổ hợp tác, hợp tác xã thì cũng đã có thương lái bên ngoài họ vô bỏ cọc xong hết rồi. Giờ muốn tìm hộ nào còn chưa nhận cọc thì rất khó. Không biết cuối vụ giá lúa như thế nào chứ như bây giờ tôi cũng mừng cho nông dân mình”.
VẪN NHIỀU ÂU LO
Mặc dù giá lúa gạo đang tăng nhưng trước ảnh hưởng và diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu, nông dân vẫn canh cánh nỗi lo “được giá - mất mùa”. Bởi, theo nhiều nông dân, vụ lúa hè thu là vụ khá bấp bênh và khó đoán. Từ đầu đến gần cuối vụ mưa thuận gió hòa, bông lúa đầy hạt, thương lái chạy đôn chạy đáo để gặp nông dân xin được đặt cọc trước, thế nhưng chỉ cần đến kỳ thu hoạch mà gặp lúc mưa dầm, dông lốc, lúa ngã đổ, nằm bẹp trên đồng, thương lái thấy cảnh đó cũng “bỏ của chạy lấy người”. Thế là nông dân đành phải chịu thiệt! Đây không phải chuyện một hay vài nông dân “bi quan” mà thực tế này đã diễn ra khá phổ biến trong thời gian dài. Ông Lê Minh Lung (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) bộc bạch: “Với vụ lúa hè thu, nông dân là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Bởi thu hoạch xong mà muốn trữ lại chờ giá tăng thì không có chỗ để chứa, trong khi điều kiện phơi sấy lại không đảm bảo. Nhận cọc trước thì khi giá lúa giảm mình cũng bị ép bán thấp xuống chứ không thì “cò”, thương lái người ta bỏ cọc. Tiền cọc lúa 1 công khoảng 300.000 đồng thôi nên giá mà giảm là thương lái chấp nhận… bỏ chạy! Người dân lúc đó phải bán tháo, bán đổ chứ để giữ lại là hỏng, mốc. Trong khi đó, nhận cọc rồi mà đến khi thu hoạch nông dân không chấp nhận bán như giá thỏa thuận thì phải bồi thường cho thương lái gấp đôi”.
Việc giá lúa tăng cao nhưng nông dân không còn lúa để bán lâu nay vẫn diễn ra như một điệp khúc buồn. Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, nắm bắt cơ hội giá lúa gạo hiện nay, các doanh nghiệp (DN) nên ký thêm các hợp đồng “tương lai” để xuất khẩu gạo trong năm tới với giá “tương lai” để đảm bảo chắn chắn đầu ra hạt gạo với giá cả hợp lý. “Tôi nghĩ các DN nên ký thêm các hợp đồng với đối tác trong năm tới theo kiểu các nước trên thế giới đang bán cà phê, bắp theo giá tương lai. Bán theo giá tương lai, các DN chắc chắn có đầu ra. Các DN khi có đầu ra thì ngồi lại với chính quyền địa phương thuyết phục nông dân khoanh vùng trồng lúa theo đúng quy trình, chất lượng đã ký. Đây là lúc DN và nông dân cần hợp tác chặt chẽ để tăng uy tín, chất lượng gạo Việt Nam”, Giáo sư Võ Tòng Xuân nói.
CHÍ LINH
Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam tăng lên 558 USD/tấn, tăng 145 USD (35%) so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo giá gạo 5% tấm của Việt Nam có thể tăng lên 600 USD trong tháng tới. Thậm chí, các doanh nghiệp nên tính đến kịch bản giá gạo có thể tái lập mức 1.000 USD/tấn của năm 2008 trong thời gian tới.
- Huyện Phước Long: Họp mặt kỷ niệm 50 Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Họp thành viên UBND tỉnh: Thông qua 12 dự thảo văn bản
- Bạc Liêu tham gia họp mặt Khối binh vận tại TP. Hồ Chí Minh
- Khai mạc Lễ hội Quan âm Nam Hải năm 2025
- Khai mạc Giải bóng bàn các CLB tỉnh Bạc Liêu mở rộng năm 2025 tranh Cúp Báo Bạc Liêu