Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Giá tôm giảm, người nuôi gặp khó
Tôm nguyên liệu, nhất là tôm thẻ giảm giá sâu, trong khi giá các mặt hàng vật tư, thuốc thú y thủy sản tăng nên người nuôi tôm không có lãi, thậm chí bị thua lỗ. Người nuôi tôm đang rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn, cần được các ngành chức năng tháo gỡ.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT kiểm tra mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Hòa Bình.
TÔM NGUYÊN LIỆU GIẢM GIÁ
Hiện tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg được thương lái thu mua tại ao với giá 80.000 đồng/kg, giảm hơn 20.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 2/2023. Trong khi tôm loại 30 con/kg, nếu tôm đập đá có giá dao động từ 119.000 - 120.000 đồng/kg, giảm 50.000 - 60.000 đồng/kg; tôm ôxy từ 124.000 - 125.000 đồng/kg, giảm 55.000 - 75.000 đồng/kg. Với giá tôm như hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm không có lãi, thậm chí bị lỗ nặng.
Nguyên nhân là do giá đầu vào tăng cao trong khi giá sản phẩm đầu ra lại sụt giảm nghiêm trọng. Điển hình như, chi phí cho thức ăn tôm chiếm 60%, 30% là vật tư thủy sản và 10% là tiền điện và nhân công; còn giá tôm nguyên liệu thì liên tiếp lao dốc. Với thực trạng này, các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm công nghiệp đều cảm thấy bất an. Vì để nuôi được con tôm lớn bán đã rất khó và tốn nhiều công sức, nhưng nay giá tôm xuống thấp khiến họ lâm vào tình cảnh khó khăn. Thời gian tới, nếu giá tôm không được cải thiện, nguy cơ “treo ao” đối với các hộ nuôi tôm công nghiệp là điều có thể xảy ra.
Trước thực trạng trên, ông Đặng Minh Ngọc - Giám đốc HTX Dịch vụ nuôi trồng thủy sản 30/4 (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình), cho biết: HTX có diện tích nuôi tôm là 90ha, với 26 thành viên. Trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp chiếm đến 70ha. Với giá tôm như hiện nay, sau khi trừ tất cả các khoản chi phí thì các thành viên HTX đều không có lãi, thậm chí có hộ bị lỗ nặng.
Giá tôm giảm nên nhiều hộ nuôi tôm thẻ ở TP. Bạc Liêu không có lãi. Ảnh: M.Đ
CÁC GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU RỦI RO
Trước tình hình nắng nóng gây bất lợi cho nuôi tôm và giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, Sở NN&PTNT đã đưa ra các giải pháp cho các huyện, thị mà trực tiếp là bà con nuôi tôm. Theo đó, các địa phương tăng cường bám sát địa bàn, hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi tôm để chủ động phòng bệnh cho tôm một cách hiệu quả, hạn chế rủi ro có thể xảy ra. Khuyến cáo người nuôi trước khi bắt đầu vụ nuôi mới, cần sên vét vuông nuôi, đảm bảo duy trì mực nước mương bao trên 1,2m, trên trảng 0,5m để ổn định các yếu tố môi trường, tránh sự phát triển của rong đáy, rong nhớt quá mức. Cần giữ nhiệt độ nước ổn định không vượt quá 32°C. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, người nuôi tôm cần tăng cường vitamin, khoáng chất... nhằm giúp con tôm chống chọi với nắng nóng. Thường xuyên kiểm tra mực nước trong vuông nuôi và kịp thời bổ sung khi thấy mực nước trong vuông không đảm bảo.
Để hạn chế mầm bệnh bên ngoài có thể xâm nhập vào vuông nuôi, cần theo dõi chất lượng nước ngoài kênh, trước khi lấy phải cho qua lọc mới đưa vào ao nuôi. Khuyến cáo người nuôi tôm nên bố trí ao lắng, ao chứa nước để chủ động trữ nước và cấp vào ao nuôi khi cần thiết. Khuyến cáo người nuôi tôm tăng cường theo dõi yếu tố môi trường, sức khỏe tôm nuôi, đặc biệt là đối với tôm nuôi giai đoạn từ 1 - 2 tháng tuổi. Kiểm tra, duy trì các yếu tố môi trường trong khoảng thích hợp nhiệt độ từ 26 - 32°C, pH từ 7,5 - 8,5… Thường xuyên theo dõi chất lượng nước của vuông nuôi, nếu màu nước xanh đọt chuối (tảo lục) và màu vàng nâu (tảo khuê) là nước tốt. Định kỳ bổ sung phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh. Có thể thả kết hợp một số loài cá ăn rong tảo để kiểm soát tốt rong tảo trong vuông nuôi. Bên cạnh đó, bà con nuôi cũng cần quan tâm đến quản lý và tạo thức ăn tự nhiên trong vuông nuôi bằng cách sử dụng chế phẩm vi sinh định kỳ 7 ngày/lần để làm sạch môi trường, đáy ao.
MINH ĐẠT
Biện pháp giảm chi phí nuôi tôm
Hiện giá tôm nguyên liệu giảm nên người nuôi tôm tìm mọi cách để giảm chi phí trong nuôi tôm. Dưới đây là 3 biện pháp giảm chi phí trong nuôi tôm được các kỹ sư nuôi trồng thủy sản khuyến cáo.
Kiểm soát thức ăn
Thức ăn là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chi phí sản xuất (chiếm khoảng 50 - 60%). Lượng thức ăn thất thoát vào trong nước và bùn đáy ao khoảng 20%. Lượng thức ăn dư thừa này phân hủy giúp tảo phát triển mạnh làm đáy ao dơ do thức ăn dư. Các chất này sẽ làm tiêu hao ôxy và sản sinh ra nhiều khí độc.
Do đó, có thể cho tôm ăn nhiều lần trong ngày nhưng giảm lượng thức ăn xuống còn khoảng 70%. Tôm sẽ ăn nhiều vào lúc mặt trời mọc và lặn. Vì vậy, bà con cần phải tăng lượng thức ăn vào ban ngày và giảm thức ăn vào ban đêm. Khi tôm đang lột xác, thời tiết nắng gắt, hoặc sự thay đổi đột ngột môi trường ao nuôi, bà con nên giảm lượng thức ăn...
Giảm mật độ tôm nuôi
Mật độ thả nuôi hợp lý kết hợp với đầu tư và trang thiết bị đầy đủ như quạt nước, ôxy đáy (nếu có) để đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan trong ao > 4 - 5mg/lít đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Tạo và duy trì hệ sinh thực hợp lý trong ao hết sức quan trọng, tạo ra nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, tạo ôxy trong ao, ngăn ngừa sự phát triển của tảo đáy và làm cho môi trường nước ít biển động, hạn chế tôm bị sốc, tạo điều kiện cho tôm tăng khả năng bắt mồi, phát triển nhanh.
Hạn chế sử dụng hóa chất
Thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học có chi phí tương đối cao, chiếm từ 20 - 30% trong nuôi tôm. Nên cần theo dõi chặt chẽ sự phát triển của ao nuôi tôm để sử dụng thuốc và hóa chất kịp thời, đúng liều, tạo ra môi trường ao nuôi an toàn và bền vững cho vụ nuôi tôm...
M.C (lược trích)
- Huyện Phước Long: Họp mặt kỷ niệm 50 Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Họp thành viên UBND tỉnh: Thông qua 12 dự thảo văn bản
- Bạc Liêu tham gia họp mặt Khối binh vận tại TP. Hồ Chí Minh
- Khai mạc Lễ hội Quan âm Nam Hải năm 2025
- Khai mạc Giải bóng bàn các CLB tỉnh Bạc Liêu mở rộng năm 2025 tranh Cúp Báo Bạc Liêu