Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Hiệu quả từ mô hình thí điểm xây dựng ấp thông minh ở huyện Phước Long
Với mục tiêu tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh đã đầu tư thí điểm mô hình ấp thông minh và chọn Bình Tốt A (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) để triển khai. Qua 2 năm thực hiện, mô hình ấp thông minh đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững cho người dân trên địa bàn.
Cán bộ kỹ thuật kiểm tra Trạm dự báo thời tiết tổng hợp, bẫy côn trùng và gắn với trạm bơm ở ấp thông minh - Bình Tốt A (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long).
NHỮNG KẾT QUẢ ĐÁNG KHÍCH LỆ
Để tiến đến xây dựng NTM thông minh, Bình Tốt A được tỉnh chọn thí điểm mô hình ấp thông minh. Theo đó, mô hình được đầu tư các thiết bị công nghệ như: 50 đèn năng lượng mặt trời, 50 đèn led tiết kiệm năng lượng chiếu sáng điều khiển từ xa; tủ điều khiển trạm bơm thông minh, camera giám sát mực nước tại mỗi trạm; 1 trạm thời tiết tổng hợp và bẫy côn trùng để dự báo tình hình sâu bệnh; 2 máy in tem truy xuất nguồn gốc phục vụ triển khai giải pháp quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc cho 2 cơ sở sản xuất - kinh doanh (SX-KD); 60 thiết bị điều khiển thông minh cho 60 hộ dân; 4 điểm wifi công cộng tốc độ cao; 4 cụm hệ thống camera an ninh.
Qua 2 năm triển khai, mô hình ấp thông minh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Việc sử dụng thiết bị công nghệ và phần mềm được hỗ trợ đầu tư từ mô hình đều đóng góp tích cực vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững cho người dân, cơ sở SX-KD và xã hội tại địa phương.
Đặc biệt, hỗ trợ cán bộ, công chức, người dân, cơ sở SX-KD địa phương kết nối, nhận, trao đổi thông tin nhanh chóng trong liên hệ công việc, giá cả thị trường, tin tức; điều khiển các thiết bị từ xa, hạn chế tối đa tai nạn về điện, tiết kiệm thời gian, sức lao động, chi phí năng lượng; đảm bảo an ninh trật tự, tài sản; hạn chế tổn thất thiệt hại trong sản xuất lúa cho nông dân; nâng cao giá trị sản phẩm và tạo cơ hội cho sản phẩm của địa phương tiếp cận các thị trường có yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc…
Mô hình này nhằm từng bước đưa các giải pháp nông thôn thông minh trong quản trị, vận hành dịch vụ thông qua việc đầu tư và chuyển giao các giải pháp phần mềm điều hành, dự báo, trao đổi, tương tác thông tin giữa chính quyền với người dân. Đồng thời, sử dụng tiện ích dịch vụ nông thôn kèm theo và thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động SX-KD khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, mô hình ấp thông minh cũng góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ấp Bình Tốt A, là cơ sở để hình thành nền tảng công nghệ số phục vụ triển khai các giải pháp dịch vụ nông thôn thông minh, ứng dụng khoa học - công nghệ và kỹ thuật số, vận dụng phương pháp tổ chức điều hành, quản lý sáng tạo, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, ổn định chính trị tại địa phương…
Trạm bơm ở ấp thông minh - Bình Tốt A. Ảnh: M.Đ
NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN ĐỔI THAY
Mô hình thí điểm tại ấp Bình Tốt A đã giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ số, công nghệ số… để phục vụ cho nhu cầu đời sống hằng ngày. Cụ thể là các điểm wifi công cộng tốc độ cao đã hỗ trợ người dân truy cập, sử dụng được các dịch vụ thông qua mạng Internet trên nền tảng số, như: tra cứu các thông tin thị trường vật tư nông nghiệp, nông sản; sử dụng dịch vụ mua sắm trực tuyến; truy cập thông tin, tin tức trên các báo, đài, góp phần tăng cường kết nối thông tin, linh hoạt trong công việc, nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Song song đó, các thiết bị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như bẫy sâu rầy, trạm bơm nước điều khiển và giám sát từ xa đã giúp người dân thuận tiện hơn trong sản xuất cũng như điều chỉnh hoạt động của trạm bơm kịp thời hơn.
Bên cạnh đó, máy in tem phục vụ triển khai giải pháp quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc, tạo cơ hội cho sản phẩm của địa phương tiếp cận các thị trường có yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc.
Trong lĩnh vực an ninh trật tự, những thiết bị được đầu tư đã phát huy hiệu quả và kịp thời ngăn ngừa, truy bắt tội phạm. Ông Phạm Thanh Nhiều (ấp Bình Tốt A) cho biết: “Từ khi lắp đặt hệ thống camera và cổng an ninh thông minh, tình hình an ninh trật tự tại địa phương ổn định, không còn tình trạng trộm cướp xảy ra”.
Ông Đặng Minh Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Hiệu quả từ mô hình ấp thông minh ở huyện Phước Long, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh sẽ đề xuất nhân rộng trong thời gian tới ở các địa phương khác. Cụ thể là tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư triển khai thực hiện mô hình ấp thông minh trên địa bàn TP. Bạc Liêu và TX. Giá Rai.
MINH ĐẠT
Theo ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh: Mô hình ấp thông minh tại Bình Tốt A là cơ sở để hình thành nền tảng công nghệ số phục vụ triển khai các giải pháp dịch vụ nông thôn thông minh, ứng dụng khoa học - công nghệ và kỹ thuật số, vận dụng phương pháp tổ chức điều hành, quản lý để hướng tới NTM thông minh. Đề nghị UBND huyện Phước Long giúp xã Vĩnh Phú Tây quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng các hạng mục của mô hình đã hỗ trợ để phát huy những điểm tích cực. Để khi nhắc đến chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hay NTM thông minh thì huyện Phước Long là đơn vị tiên phong, là điểm sáng, tiếp tục nhân rộng mô hình sang các địa phương khác.
- Phát hiện, thu giữ gần 2.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu
- Tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng và hoạt động chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp”
- LĐLĐ tỉnh: Hỗ trợ hơn 3.300 đoàn viên khó khăn trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Hội LHPN tỉnh: Trao vốn cho hội viên và thăm mô hình kinh tế tại huyện Đông Hải
- Huyện Đông Hải: Thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024