Hỗ trợ các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP

Thứ Hai, 07/11/2022 | 15:30

Để Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ngày càng phát triển và đạt hiệu quả, tỉnh cần nhiều chính sách hỗ trợ các chủ thể quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Về vấn đề này, Báo Bạc Liêu đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Minh Pháp - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh.

PV: Xin ông cho biết những kết quả đạt được sau những năm Bạc Liêu triển khai thực hiện Chương trình OCOP?

Ông Đặng Minh Pháp: Qua 4 năm triển khai Chương trình OCOP, Bạc Liêu đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Đến nay, toàn tỉnh có 91 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP đạt từ 3 - 4 sao. Hiện Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tiếp tục hỗ trợ các chủ thể về quy trình, hồ sơ đánh giá 19 sản phẩm mới để công nhận sản phẩm OCOP và 9 sản phẩm OCOP tái công nhận.

PV: Những bài học kinh nghiệm nào đã được rút ra trong thực hiện chương trình này, thưa ông?

Ông Đặng Minh Pháp: Nhiều bài học kinh nghiệm đã được đúc kết từ công tác chỉ đạo, đến tổ chức triển khai trong quá trình thực hiện Chương trình. Cụ thể là các huyện, thị, thành phố đã quan tâm chỉ đạo các xã quyết liệt vào cuộc triển khai, bình chọn sản phẩm chủ lực tại địa phương để đăng ký sản phẩm OCOP. Một số địa phương mạnh dạn triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo để tạo được sự quan tâm, hưởng ứng và lan tỏa mạnh mẽ đến các chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ dân ở nông thôn…

Tuy nhiên, để Chương trình phát triển mạnh mẽ hơn nữa, thời gian tới, các địa phương cần tích cực khuyến khích sự tham gia của các chủ thể, thông qua việc chú trọng công tác truyền thông, đặc biệt là thông qua các câu chuyện thành công, điển hình từ thực tiễn. Đồng thời, cần thay đổi tư duy của cán bộ, cơ quan quản lý Chương trình OCOP trong quá trình triển khai nhằm tạo động lực, nhiệt huyết cho các chủ thể về sản phẩm, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hướng dẫn các chủ thể phát triển sản phẩm dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương như các đặc sản, sản phẩm làng nghề... Đặc biệt là xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc, xây dựng hình ảnh sản phẩm, nâng cao hàm lượng về giá trị văn hóa đối với mỗi sản phẩm. Tập trung các giải pháp nâng cao năng lực, sự chủ động của các chủ thể theo hướng hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa…

PV: Trong xây dựng sản phẩm OCOP, quan trọng nhất là đầu ra tiêu thụ. Vậy tỉnh có những giải pháp nào để kết nối, tạo liên kết chuỗi sản phẩm, hỗ trợ về đầu ra cho các chủ thể?

Ông Đặng Minh Pháp: Chương trình OCOP đã đề ra nhiều giải pháp về kết nối, thúc đẩy cung - cầu sản phẩm trong thời gian tới. Đó là sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể xây dựng sản phẩm đặc sắc, thông qua câu chuyện sản phẩm, biến sản phẩm thành quà tặng đặc trưng của địa phương. Bên cạnh đó là tập trung nâng cao năng lực của các chủ thể, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm với vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là những chủ thể đóng vai trò thúc đẩy sự chủ động và kết nối giữa sản xuất và thị trường, khắc phục dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ và manh mún.

Song song đó, xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm, thúc đẩy tiêu dùng đối với sản phẩm thông qua các hội chợ, diễn đàn, sự kiện quảng bá…

Ngoài ra, Chương trình sẽ xây dựng các điểm, các cửa hàng giới thiệu, mua bán các sản phẩm OCOP trong tỉnh để giúp các chủ thể quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm. Đặc biệt là đưa các sản phẩm OCOP mở rộng thị trường đến với người tiêu dùng ngoài tỉnh và hướng đến xuất khẩu…

PV: Xin cảm ơn ông!

MINH ĐẠT (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.