Hướng đến xanh hóa trong sản xuất nông nghiệp

Thứ Hai, 27/02/2023 | 15:29

Với diện tích gieo trồng lúa trên 189.150ha và các loại rau màu, cây ăn trái khác đã mở ra nhiều cơ hội cho phát triển ngành trồng trọt của Bạc Liêu. Song, đi kèm với đó là nhiều thách thức cho phát triển bền vững, đòi hỏi cần có những mô hình “xanh hóa” trong sản xuất nông nghiệp.

Mô hình trồng dưa lưới cho hiệu quả cao ở xã Long Thạnh (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: M.Đ

CẢNH BÁO Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

Đối với sản xuất nông nghiệp và trong lĩnh vực trồng trọt nói riêng, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phòng trừ sâu bệnh, dịch hại, bảo vệ mùa vụ là một biện pháp quan trọng và chủ yếu hàng đầu. Đồng thời, đây cũng là hình thức gắn với tập quán canh tác lâu đời của nông dân theo kiểu “có phun, có xịt” mới an tâm và gần như nông dân đều chủ động phun, xịt trước khi xảy ra dịch bệnh gây hại. Do vậy, nhu cầu sử dụng thuốc BVTV và phân bón phục vụ cho vụ mùa là rất lớn. Thêm vào đó, với các hình thức thâm canh, tăng vụ đã làm cho dịch hại phát sinh gây hại nhiều thêm, dẫn đến tình trạng nông dân lạm dụng nhiều phân bón, thuốc BVTV ở mức độ cao hơn.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, chỉ tính riêng diện tích sản xuất lúa, hàng năm nông dân Bạc Liêu sử dụng trên 57.700 tấn phân bón và khoảng 1.059 tấn thuốc BVTV để phòng trừ dịch hại, bảo vệ mùa màng. Dư lượng phân bón và thuốc BVTV thải ra môi trường đất và nước cũng từ đó mà rất lớn. Trong khi đó, lượng rác thải từ chai lọ, bao gói phân bón và thuốc BVTV sau sử dụng thải ra ngoài môi trường trên 143 tấn/năm. Điều đó đã tạo ra hàng loạt áp lực cho môi trường sản xuất và tạo nên những nguy cơ gây hại cao làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái và cả sự phát triển bền vững trong tương lai, nhất là những loại bao bì nhựa khó phân hủy trong môi trường tự nhiên.

Ngoài ra, trong bao gói phân bón và thuốc BVTV sau khi sử dụng vẫn còn lưu lại một lượng nhất định, nếu vứt bỏ không đúng nơi quy định thì sẽ hòa tan vào nước, thẩm thấu vào đất, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe con người.

Năm 2022, ngành Tài nguyên - Môi trường đã tiến hành lấy mẫu đất để phân tích hàm lượng các chất ô nhiễm tồn lưu và kim loại nặng có trong đất. Trong đó, có 5 mẫu là đất nuôi trồng thủy sản, 7 mẫu là đất trồng lúa và hoa màu. Qua phân tích, phát hiện asen (một trong những chất độc gây ung thư) ở một số nơi đã vượt quy chuẩn, trong đó có vùng chuyên sản xuất lúa của huyện Vĩnh Lợi.

Từ thực trạng trên cho thấy, việc có ngay các giải pháp ứng phó và xây dựng nên những mô hình tăng trưởng xanh, hay phát triển nông nghiệp hữu cơ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển bền vững hiện nay.

HƯỚNG ĐẾN “NÔNG NGHIỆP SẠCH”

So với những địa phương khác, kinh tế chủ lực của huyện Vĩnh Lợi chỉ dựa vào cây lúa nên cũng đứng trước nhiều áp lực cho chính quá trình sản xuất tạo ra. Xuất phát từ điều kiện đặc thù này, trong những năm qua Vĩnh Lợi đã quan tâm chỉ đạo và có nhiều ưu tiên đầu tư cho phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nhằm nâng cao giá trị và đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 885 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030, huyện Vĩnh Lợi đã chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh và quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở các nội dung được lồng ghép tại Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án phát triển hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025...

Đến nay, các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện chủ yếu phát triển theo hướng an toàn, sạch, hữu cơ ở quy mô nhỏ, theo nhu cầu thị trường như: Mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ở xã Long Thạnh, mô hình trồng rau sạch trong nhà màng ở xã Vĩnh Hưng A, mô hình trồng táo trong nhà lưới ở thị trấn Châu Hưng, mô hình trồng hẹ an toàn ở xã Hưng Thành, mô hình trồng ổi ở xã Hưng Hội...

Theo ông Tô Thanh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi, để phát triển thành công mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trở thành các vùng sản xuất với quy mô lớn được chứng nhận đạt các quy chuẩn, liên kết chuỗi chặt chẽ, thích nghi tốt với thị trường tiêu thụ và hướng đến mục tiêu “xanh hóa” sản xuất cho phát triển bền vững, cần tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng sản xuất cho các đối tượng sản xuất chủ lực để có điều kiện thúc đẩy nhanh tiến trình sản xuất theo hướng sạch, hướng hữu cơ gắn với ứng dụng công nghệ cao. Đối với sản xuất lúa, tập trung đầu tư hoàn chỉnh các ô đê bao khép kín gắn với trạm bơm điện và phát triển hợp tác xã. Đối với vùng nuôi tôm, tăng cường đầu tư lưới điện, hệ thống thủy lợi gắn với kêu gọi doanh nghiệp liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến trình số hóa trong sản xuất nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực. Hiện nay, huyện đang tập trung hỗ trợ để số hóa được vùng sản xuất, cơ sở sản xuất và sớm hoàn thành số hóa cho toàn bộ vùng sản xuất. Đây là điều kiện quan trọng để quản lý, kiểm soát và định hướng phát triển các mô hình sản xuất theo hướng phù hợp với nhu cầu của thị trường…

KIM TRUNG

* Ông Trần Văn Na - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: Tăng cường đầu tư cho thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV

Thời gian qua, việc xử lý đối với bao gói thuốc BVTV còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí thuê xử lý là tương đối lớn và trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị nào đủ điều kiện để thu gom, xử lý.

Bên cạnh đó, một số nông dân nhận thức về tác hại của bao gói thuốc BVTV sau sử dụng còn hạn chế, chưa chú ý công tác thu gom nên chưa trở thành phong trào trong cộng đồng. Công tác phối hợp hoạt động về môi trường, thu gom và tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng giữa các cơ quan chuyên môn với các cơ quan có liên quan và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương không thường xuyên, chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu quả chưa cao. Chưa có cơ chế, chế tài quản lý hiệu quả đối với các tổ chức, cá nhân không thu gom bao gói thuốc BVTV theo quy định…

Vì vậy, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đề nghị các tổ chức đoàn thể và các ngành chức năng huyện, xã cần tuyên truyền vận động người dân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp tiếp tục thực hiện tốt việc thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Các ngành đề xuất và tăng cường kinh phí thu gom và tiêu hủy cho các địa phương. Có chính sách hỗ trợ đồng bộ từ Trung ương đến địa phương cho các cơ sở dịch vụ bảo vệ môi trường, cũng như các dịch vụ thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện thủy nông nội đồng để nông dân ứng dụng, thực hiện các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp như: “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp... Từ đó, sẽ giảm việc sử dụng thuốc BVTV, giảm lượng rác thải bao gói thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp. Cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước có ý thức về việc sản xuất và thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

Song song đó, ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước nghiên cứu và chuyển giao quy trình sản xuất các cây chủ lực theo công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm, thu gom, vận chuyển và tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trong sản xuất nông nghiệp…

K.T (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.