Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Huyện Đông Hải: Nhân rộng và phát huy các mô hình sản xuất hiệu quả
Năm qua, huyện Đông Hải đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, toàn diện. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Nông dân huyện Đông Hải thu hoạch tôm nuôi theo mô hình siêu thâm canh. Ảnh: K.T
MANG LẠI LỢI NHUẬN CAO
Một trong những thành tựu đáng ghi nhận chính là nhiều mô hình sản xuất được triển khai như: mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, mô hình liên kết “4 nhà” trong nuôi tôm quảng canh cải tiến - kết hợp (QCCT-KH) ít thay nước sử dụng chế phẩm vi sinh, giữ vững nghề khai thác lưới rê, nghề câu, dịch vụ hậu cần nghề cá… được bà con áp dụng hiệu quả. Các mô hình và cách làm này đã góp phần tạo đà để kinh tế nông nghiệp phát triển và là điều kiện để thực hiện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, hệ thống thủy lợi…, đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào cao trong khi đầu ra giá thu không ổn định, có lúc sụt giảm đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người dân. Song, với sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, sự điều hành có hiệu quả của UBND huyện, sự hỗ trợ của các địa phương, nhất là sự nỗ lực của nông dân nên một số mô hình sản xuất tiếp tục phát huy. Điển hình là mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh đạt hiệu quả cao cho lợi nhuận bình quân từ 600 - 800 triệu đồng/ha/vụ của một số hộ như: Trịnh Văn Mau, Nguyễn Văn Thế, Phạm Minh Tuấn, Lê Văn Đua (xã Long Điền Đông); Nguyễn Chí Linh, Đặng Văn Hường, Lê Văn Vui, Bùi Nghĩa Hiệp (xã Điền Hải); Trần Trường Giang, Huỳnh Văn Nhuần, Phạm Hoài Phong (xã Long Điền Đông A)…
Cùng với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, mô hình nuôi tôm QCCT-KH tiếp tục phát triển bền vững. Hiện mô hình này được thực hiện trên diện tích 35.355ha, chiếm 89,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) của huyện, với hình thức nuôi thu tỉa thả bù, ghép các loại thủy sản tôm, cua, cá, phát triển sản xuất gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm sạch theo chuỗi giá trị. Đồng thời, huyện cũng tiếp tục thực hiện nhân rộng mô hình QCCT-KH ít thay nước sử dụng chế phẩm vi sinh, năng suất thu hoạch bình quân 700 - 900kg/ha/năm, lợi nhuận bình quân từ 50 - 70 triệu đồng/ha/năm. Qua đánh giá, một số hộ nuôi hiệu quả cao đạt lợi nhuận từ 80 - 100 triệu đồng/ha/năm...
VẪN CÒN KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC
Có thể nói, đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên là nhờ vào công tác tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ khoa học, tập huấn kỹ thuật nuôi, xây dựng mô hình được đẩy mạnh giúp nông dân nắm bắt kịp thời và áp dụng kỹ thuật vào thực tế sản xuất đạt hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình sản xuất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương là nguồn thu nhập chính cho người dân, giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn ở địa phương…
Song, việc phát triển các mô hình trên cũng đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Thời tiết thay đổi bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm môi trường ao nuôi thay đổi gây bất lợi cho sức khỏe tôm nuôi; giá cả các loại vật tư nông nghiệp luôn tăng ở mức cao, tình trạng thuốc, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản... không nằm trong danh mục cho phép vẫn bán trên thị trường và được người nuôi sử dụng, chưa kiểm soát kịp thời.
Cùng với đó, hệ thống các công trình thủy lợi, thủy nông nội đồng mặc dù hằng năm luôn được các ngành chức năng quan tâm nạo vét thường xuyên, nhưng do là huyện ven biển nên tốc độ kênh mương thường bồi lắng nhanh, ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ cho sản xuất của hộ dân.
Đối với mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh, tình hình dịch bệnh EHP (bệnh vi bào tử trùng) xảy ra trên tôm, khiến tôm nuôi chậm phát triển, ảnh hưởng đến tình hình tôm nuôi trên địa bàn huyện. Việc bảo vệ môi trường của hộ một số nuôi chưa đảm bảo, một số hộ nuôi xây dựng mô hình xử lý nước thải, chất thải để đối phó với các ngành chức năng khi kiểm tra; một số hộ còn xả thải trực tiếp ra bên ngoài môi trường gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Riêng mô hình nuôi tôm QCCT-KH, do công trình nuôi ở một số hộ chưa được thiết kế vững chắc, cải tạo vuông nuôi chưa theo quy chuẩn, cộng thêm thời tiết thay đổi bất thường ảnh hưởng môi trường ao nuôi và một số hộ dân thả giống trôi nổi kém chất lượng chưa qua kiểm dịch nên tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh; vẫn còn số ít hộ dân sử dụng chế phẩm vi sinh chưa đúng theo quy trình hướng dẫn trong quản lý môi trường ao nuôi; diện tích ao nuôi lớn nên khi tôm bệnh thường gặp khó khăn trong quá trình xử lý. Đa phần người nuôi chưa mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hình thức nuôi tự phát, nhỏ lẻ chưa có sự liên kết, phối hợp trong quá trình nuôi…
VÀ GIẢI PHÁP
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong NTTS và nhân rộng các mô hình này, huyện Đông Hải sẽ tăng cường công tác ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu giống, đa dạng mô hình cây, con chủ lực có giá trị kinh tế cao, có thế mạnh, phù hợp từng địa phương. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và kế hoạch về thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc quy hoạch, đầu tư để các xã phía Đông phát triển thành vùng sản xuất tập trung về nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh; các xã phía Tây là vùng nuôi tôm QCCT-KH theo hướng bền vững chất lượng cao. Khuyến khích các hộ có điều kiện, kinh nghiệm về nuôi tôm siêu thâm canh tiếp tục giữ vững ổn định diện tích nuôi. Tuyên truyền, vận động các hộ tham gia xây dựng hợp tác xã về nuôi tôm siêu thâm canh, từng bước hình thành vùng nuôi tôm theo chuẩn xuất khẩu. Tiếp tục nhân rộng mô hình QCCT-KH ít thay nước sử dụng chế phẩm vi sinh theo tổ hơp tác, hợp tác xã gắn với liên kết theo chuỗi giá trị góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác phối hợp với ngành chức năng tỉnh, quản lý nhà nước về chất lượng giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, công tác kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Tiếp tục quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, vật tư phục vụ NTTS, phối hợp tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong NTTS, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
HỒ TUẤN
- Sức sống mới ở những vùng căn cứ cách mạng
- Thế hệ sinh năm 1975: Trưởng thành cùng quê hương Bạc Liêu
- Đại thắng mùa Xuân 1975: Minh chứng thuyết phục về sức mạnh đoàn kết dân tộc
- Bạc Liêu - Cà Mau chiếm gần 30% tiềm năng điện gió ven bờ cả nước
- Bàn giao 101 máy quét Căn cước và thiết bị sinh trắc học cho các cơ sở y tế