Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Huyện Hòa Bình: Hỗ trợ người dân phát triển sản phẩm OCOP
Để phát triển sản phẩm OCOP, huyện Hòa Bình đã và đang tích cực hỗ trợ các hộ sản xuất hoàn thiện những thủ tục cần thiết, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để được xếp hạng, công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Máy hấp tôm khô của cơ sở Mỹ Liên (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình). Ảnh: C.L
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Hòa Bình đã tạo điều kiện cho chủ thể tham gia tập huấn gắn với hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh và đăng ký tham gia chương trình. Theo đó, huyện đã hỗ trợ 2 mô hình phát triển, nâng hạng sản phẩm OCOP cho 2 cơ sở sản xuất về máy móc, thiết bị để phát triển, nâng hạng sản phẩm. Ngoài ra, huyện còn tư vấn cho chủ thể một số nội dung để hoàn chỉnh sản phẩm tham gia chương trình OCOP như đăng ký kinh doanh, tem truy xuất nguồn gốc, thiết kế bao bì sản phẩm đúng theo quy định…
Do là huyện nông nghiệp nên Hòa Bình có khá nhiều sản phẩm có thể xây dựng thành sản phẩm OCOP. Hiện huyện đang đẩy mạnh hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện các sản phẩm có tiềm năng như: tôm khô, cá khô và nhiều sản phẩm chế biến từ tôm đạt chuẩn tham gia đánh giá, phân hạng. Đồng thời, tập trung hỗ trợ các chủ thể thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ, kiểu dáng, nhãn hiệu, tích cực khuyến khích cải tiến mẫu mã, bao bì... để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Hải Liên - chủ cơ sở sản xuất tôm khô, cá khô Mỹ Liên (ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình), chia sẻ: “Trước đây dây chuyền máy móc của cơ sở khá cũ kỹ và phần nhiều các khâu sản xuất đều dùng sức người là chính. Nhưng từ khi được huyện tạo điều kiện cho cơ sở chúng tôi mua máy hấp, máy sấy phục vụ quy trình sản xuất thì sản phẩm làm ra không chỉ nhanh mà còn có màu sắc, chất lượng tốt hơn trước rất nhiều. Nhờ vậy mà đến nay cơ sở đã có 8 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP”.
Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường và nâng cao lợi nhuận cho chủ thể, huyện còn hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện tối đa cho các chủ thể tham gia xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm…; hỗ trợ giới thiệu, bán sản phẩm OCOP liên kết với hoạt động du lịch trong tỉnh. Đặc biệt là tập trung nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Ông Trần Tuân - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hòa Bình, cho biết: “Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đưa Chương trình OCOP vào chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện thường xuyên, lâu dài gắn với xây dựng NTM nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”.
CHÍ LINH