Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Huyện Vĩnh Lợi: Phát triển nông nghiệp toàn diện đa giá trị
Trong quy hoạch tổng thể đến năm 2030, huyện Vĩnh Lợi được xác định là vùng sản xuất trọng điểm về cây lúa. Phát huy thế mạnh này, Vĩnh Lợi đã và đang tích cực tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất bền vững và mang lại nhiều giá trị gia tăng.
ĐẦU TƯ HẠ TẦNG PHỤC VỤ SẢN XUẤT
Vĩnh Lợi là huyện thuần nông với nền sản xuất nông nghiệp chủ lực là canh tác lúa, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và trồng rau màu. Trong đó, sản xuất lúa là lĩnh vực chủ lực có lợi thế tuyệt đối cả về quy mô và điều kiện để phát triển. Với diện tích canh tác trên 17.000ha, hằng năm huyện duy trì ổn định diện tích gieo trồng khoảng 40.000ha, tổng sản lượng khoảng 250.000 tấn lúa chất lượng cao, lúa thơm và lúa đặc sản. Nhìn chung, tốc độ phát triển và giá trị kinh tế tăng rất nhanh nhờ vào sử dụng giống chất lượng cao, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, cơ giới và liên kết trong sản xuất, bao tiêu lúa thương phẩm. Hiện có khoảng 40% diện tích sử dụng giống lúa đặc sản, lúa thơm (ST24, ST25, RVT, Tài nguyên…) và trên 50% sử dụng giống lúa chất lượng cao (Đài thơm 8, OM18, OM5451, Hương Châu 6…).
Nông dân huyện Vĩnh Lợi thu hoạch lúa. Ảnh: H.L
Phát huy giá trị mang lại từ cây lúa, Vĩnh Lợi tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất như: ô đê bao, trạm bơm tập trung, cống, giao thông, cụm công nghiệp… gắn liền với phát triển hợp tác xã để đáp ứng đồng thời 3 thách thức của thời đại là biến đổi khí hậu, bảo vệ sản xuất và cạnh tranh của thị trường, với mục tiêu lâu dài là giảm dần chi phí sản xuất, ổn định về năng suất, giá trị lúa gạo không ngừng được nâng lên cả về chất lượng và thương hiệu.
Bên cạnh đó là phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cho tiến trình chuyển đổi số trong nông nghiệp mà trước hết là số hóa, cấp mã số vùng trồng cho cây lúa, khuyến khích xây dựng các vùng trồng đạt chuẩn theo nhu cầu của thị trường và truy xuất nguồn gốc. Mục tiêu là mỗi người sản xuất lúa phải chủ động tiếp cận, thực hành và ứng dụng hiệu quả vào sản xuất lúa nhằm không ngừng phát huy giá trị gia tăng mang lại từ cây lúa.
SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Cùng với phát huy thế mạnh từ cây lúa, với mục tiêu tạo ra nhiều giá trị gia tăng và xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, hiện đại gắn với nâng cao thu nhập cho nông dân, huyện Vĩnh Lợi đang tập trung phát triển du lịch nông nghiệp. Để khai thác giá trị từ sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, huyện đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh về vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, tăng cường giáo dục, tuyên truyền để thống nhất quan điểm xem du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân. Trọng tâm là đổi mới tư duy và hành động với phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân cùng đồng hành phát triển du lịch”.
Ngoài ra, huyện cũng lựa chọn, quy hoạch những khu vực có lợi thế, có khung cảnh thiên nhiên thoáng mát, có vườn cây ăn trái để phát triển du lịch sinh thái, du lịch miền quê. Khai thác và phát huy có hiệu quả các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, nhất là các sản phẩm đã được thị trường chấp nhận. Tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của huyện, đa dạng hóa, hoàn thiện và nâng cao chất lượng phục vụ trong hệ thống khách sạn, cơ sở lưu trú, dịch vụ vui chơi - giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đầu tư, nâng cấp các cơ sở dịch vụ du lịch theo hướng cao cấp, đạt chuẩn quốc gia và quốc tế. Xây dựng các đề án cụ thể để rà soát, đánh giá các tài nguyên du lịch nhằm tạo cơ sở tập trung nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo xây dựng các chiến lược đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Động viên sự tham gia của người dân, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động du lịch, hướng đến xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương nhằm thu hút khách tham quan, trải nghiệm và phát triển mạnh các sản phẩm OCOP của địa phương.
HOÀNG NHẪN