Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Huyện Vĩnh Lợi: Tập trung sản xuất lúa chất lượng cao và giảm phát thải
Vĩnh Lợi là huyện nông nghiệp, trong đó sản xuất lúa là lĩnh vực chủ lực cho phát triển nông nghiệp và phát triển kinh tế địa phương. Thực hiện “Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải”, huyện hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng lúa, bảo vệ môi trường và giảm phát thải vì sự phát triển bền vững của địa phương.
ƯU TIÊN ĐẦU TƯ CƠ SỞ HẠ TẦNG
Huyện Vĩnh Lợi có hơn 17.000ha đất trồng lúa. Nhiều năm qua, huyện đã đầu tư nguồn vốn cho các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh như: Hệ thống điện, đường, kênh mương, ô đê bao, trạm bơm điện… Đến nay, toàn huyện cơ bản có ô đê bao khép kín để ứng phó tình trạng ngập úng cục bộ trong mùa mưa. Trong đó, đã đầu tư hoàn chỉnh 8 ô đê bao khép kín gắn với trạm bơm điện tập trung cho hơn 1.100ha sản xuất lúa.
Biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra khó lường và ảnh hưởng đến sản xuất, vì vậy phương hướng của huyện là tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng cho sản xuất lúa trong thời gian tới để thực hiện chiến lược phát triển sản xuất lúa đạt hiệu quả bền vững. Cụ thể là huyện từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ. Đồng thời mở rộng, đầu tư mới các ô đê bao khép kín gắn với trạm bơm điện tập trung và giao thông.
Bên cạnh đó, huyện cũng tạo điều kiện và hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp phát triển, giúp tăng cường sự liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu là xây dựng những cánh đồng lớn, tập trung sản xuất lúa, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Cánh đồng lúa chất lượng cao ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: M.Đ
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
Huyện Vĩnh Lợi sẽ ưu tiên đầu tư cho các khu vực bức xúc và đầu tư các hợp tác xã hoạt động hiệu quả để lan tỏa, nhân rộng ra các xã, thị trấn trong toàn huyện. Theo tính toán, trên địa bàn huyện có 12.700ha tham gia Đề án 1 triệu héc-ta gồm 8 vùng sản xuất phân bố trên 8 xã, thị trấn trên vùng sản xuất 2 - 3 vụ lúa/năm cần đầu tư các hạng mục công trình đường giao thông. Hiện đường giao thông trong vùng sản xuất lúa chưa đồng bộ nên chưa thuận lợi cho vận chuyển vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và thu hoạch, tiêu thụ lúa hàng hóa. Với 22 tuyến đường có tổng chiều dài là 85km (đường bê-tông, chiều rộng mặt đường là 3m) được đầu tư mới sẽ giải quyết căn bản cho giao thông vận tải đường bộ được đồng bộ với hệ thống giao thông đường bộ hiện trạng, tạo điều kiện rất thuận lợi trong sản xuất lúa cho vùng dự án.
Cùng với phát triển giao thông, huyện cũng tập trung liên kết sản xuất, phát triển hợp tác xã, mã số vùng trồng và chuyển đổi số trong nông nghiệp. Huyện xác định đây là vấn đề khó, cần nhiều thời gian, đặc biệt khó nhất là cần sự thay đổi trong tư duy canh tác của nông dân. Nhưng huyện đang thực hiện quyết liệt và đã mang lại hiệu quả rất khả quan. Trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn, bài bản hơn các nội dung này trong sản xuất lúa. Chỉ khi liên kết sản xuất lúa thật sự tốt gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới đảm bảo cho lĩnh vực sản xuất lúa phát triển bền vững và thích nghi với sự phát triển chung của khu vực.
Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh ở huyện Vĩnh Lợi là bước đi quan trọng nhằm nâng cao giá trị sản xuất lúa, đồng thời bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương, ngành chức năng và người dân. Cần có sự đầu tư về nguồn lực, đào tạo và các cơ chế hỗ trợ hiệu quả, giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành lúa. Ông Trần Anh Thi - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi, cho biết: “Thế mạnh của huyện Vĩnh Lợi là sản xuất lúa. Vì vậy, huyện sẽ tiếp tục duy trì và phát triển vùng chuyên canh lúa thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung đầu tư vào hạ tầng cơ sở như: điện, đường, kênh mương, ô đê bao, trạm bơm điện với mục tiêu nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Song song đó, huyện khuyến khích sự phát triển của các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp để thúc đẩy liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ lúa”.
Có thể nói, việc triển khai thực hiện “Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải” là một hướng đi đúng đắn của huyện Vĩnh Lợi trong phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
MINH CHÂU
- Quán triệt, học tập các Quy định của Bộ Chính trị và các Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Về thăm xã không còn hộ nghèo - Vĩnh Mỹ B (huyện Hòa Bình)
- TP. Bạc Liêu: Nhiều hoạt động thiết thực mừng Đảng - mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025
- Khởi tố đối tượng giao cấu với người dưới 13 tuổi
- Bạc Liêu chung tay cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” EC