Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Khai thác đất mặt ruộng - lợi bất cập hại
Những hệ lụy của việc khai thác đất mặt ruộng đã được ngành chuyên môn, các nhà khoa học khuyến cáo rất nhiều. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguồn lợi lớn trước mắt từ việc bán đất mặt ruộng nên nhiều nông dân vẫn “phớt lờ” và tiến hành khai thác đất.
Khai thác đất mặt ruộng ở huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: C.L
Nhiều hệ lụy
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong những ngày qua, tại một số cánh đồng ở huyện Phước Long, Vĩnh Lợi, Hòa Bình… lại xảy ra tình trạng người dân khai thác đất mặt ruộng để bán. Trung bình mỗi lớp đất mặt ruộng sẽ bị lấy từ 5 - 10cm, nếu ruộng cao hơn sẽ lấy sâu hơn.
Một số nông dân lý giải, do ruộng gò cao nên chuột phá hại mùa màng, đồng thời không giữ được nước nên việc sản xuất lúa gặp khó. Vì vậy việc bán lớp đất mặt không chỉ giúp trồng lúa thuận lợi, tránh trường hợp bị cỏ dại và đỡ tốn kém chi phí bơm nước mà chủ ruộng còn có thêm thu nhập. Theo ông N.V.K (huyện Phước Long): “Ruộng tôi có điểm gò cao hơn mặt bằng chung gần 20cm, mỗi năm lõm lúa đất gò này khá èo ọt, phải dặm phân dày hơn mới phát triển tươi tốt. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nên năm nay tôi thuê người hạ độ cao, một phần đất lấy được dùng để đắp nền nhà, một phần thì bán cho những hộ có nhu cầu sử dụng đất mặt ruộng để trồng cây kiểng, đắp nền nhà, lấp ao…”.
Song, trên thực tế, tại những nơi bị đào lớp đất mặt thì năng suất những vụ lúa tiếp theo thường không cao, lúa dễ bị đổ ngã do nền đất mềm, phải dùng nhiều phân bón nên chi phí cuối vụ thường tăng hơn nhiều so với trước. Theo ngành chức năng, đất mặt ruộng là tài nguyên, muốn khai thác phải làm thủ tục và đóng thuế. Hiện tượng khai thác này gây nhiều lãng phí, tác động xấu đến mùa màng sau này. Bởi lấy đất mặt cũng đồng nghĩa lấy đi “cốt”, lấy độ phì nhiêu, màu mỡ được tích tụ qua nhiều năm trên đất. Từ đó sẽ phát sinh việc xì phèn. Ngoài ra, những thửa đất bị lấy đất mặt sau này canh tác không tốt, ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp và phải mất nhiều năm đất mới cải tạo, phục hồi nguyên trạng.
“Việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch và khai thác đất mặt ruộng là rất nguy hại. Vì đất mặt ruộng có lượng dinh dưỡng chỉ sâu khoảng 20cm. Nếu nông dân đào và lấy tầng đất này đi sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và làm cho năng suất, chất lượng lúa có thể bị giảm. Đặc biệt là nếu đào xuống tầng dưới, đụng đến tầng sinh phèn đối với những đất có phèn thì có thể gây ngộ độc cho cây lúa (ngộ độc phèn) ở vụ sau”, ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết.
Cần kịp thời chấn chỉnh
Nhằm chấn chỉnh việc này, UBND các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có quy định về quản lý, xử lý vấn đề thai thác đất mặt ruộng. Đồng thời, tổ chức họp dân tuyên truyền, vận động để bà con hiểu được các hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh đất mặt, đất ruộng là hành vi vi phạm pháp luật. Nội dung tuyên truyền theo các điều, khoản của Luật Khoáng sản và Nghị định của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Theo đó, đất mặt trên đồng ruộng là tài nguyên khoáng sản, không được tự ý vận chuyển đi nơi khác nhằm vào các mục đích cho tặng hay kinh doanh.Tùy theo khối lượng khoáng sản được khai thác, được tính bằng mét khối theo quy định nêu trên sẽ bị phạt tiền với mức thấp nhất là 1 triệu đồng đến mức cao nhất là 50 triệu đồng và áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung.
Để cải tạo lại mặt đất ruộng, người dân có thể dùng nhiều cách mà vẫn đảm bảo hiệu quả sản xuất lúa. Thứ nhất, cào riêng lớp mặt đất để sang một bên, sau đó đào lấy tầng đất phía dưới, có thể sử dụng cho mục đích khác, sau đó làm bằng phẳng mặt ruộng như hiện trạng ban đầu. Thứ hai, nông dân có thể lấy 1/3 lớp đất mặt, giúp hạ thấp độ cao mặt đất ruộng theo nhu cầu cải tạo ruộng lúa, đồng thời vẫn còn giữ lại một phần chất hữu cơ trong đất. Thứ ba, trong điều kiện đất không bằng phẳng thì có thể tập trung lấy đất ở những nơi gò cao, mục đích tạo cho mặt bằng tốt hơn. Việc này tuy cực và tốn nhiều thời gian, tuy nhiên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến năng suất cho vụ lúa tiếp theo.
Có thể thấy, tình trạng khai thác trái phép này không những gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, tác động xấu đến môi trường sinh thái mà còn để lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với sản xuất nông nghiệp. Thiết nghĩ, ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật cho người dân hiểu rõ để thực hiện đúng theo quy định, khuyến cáo. Đồng thời, cần phối hợp quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác đất trái phép và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Song Nguyên
- Kêu gọi cứu trợ nạn nhân động đất tại Myanmar và Thái Lan
- Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thông qua đề án Hợp nhất Báo Bạc Liêu và Đài Phát thanh- Truyền hình Bạc Liêu, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
- Phục vụ 18 chuyến xe thư viện lưu động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc
- Huyện Phước Long: Tổ chức Giải đua ghe Ngo mini mừng tết Chôl-chnăm-thmây