Khai thông “mạch máu” cho sản xuất nông nghiệp

Thứ Hai, 10/04/2023 | 15:46

Trong sản xuất nông nghiệp (SXNN), hạ tầng thủy lợi (HTTL) được ví như “mạch máu” nuôi sống con tôm, cây lúa và nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác. Song, trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng cực đoan, HTTL của tỉnh gần như đã “kiệt sức”. Nếu như HTTL không được tăng cường đầu tư, nâng cấp sẽ khó tiếp tục gánh vác nổi trọng trách là “nguồn sống” trong SXNN.

Hệ thống kênh thủy lợi vùng sản xuất phía Nam Quốc Lộ 1A bị bồi lắng nhanh gây khó khăn cho lấy nước nuôi tôm.

PHÁT TRIỂN THIẾU BỀN VỮNG

Trong Quy hoạch tổng thể Bạc Liêu từ nay đến năm 2030, SXNN được xác định là trụ cột hàng đầu. Trong đó, nuôi trồng thủy sản (NTTS) là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, với mức tăng trưởng bình quân đạt 6,28%/năm. Trong những năm qua, SXNN đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ; tái cơ cấu nông nghiệp được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt, mang lại nhiều kết quả quan trọng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là nuôi tôm được đẩy mạnh, từng bước tạo nên những tiền đề để xây dựng Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.

Thế nhưng, một trong những thách thức mà SXNN của tỉnh đã và đang phải đối mặt chính là HTTL đầu tư chưa hoàn chỉnh, khả năng ứng phó với BĐKH rất hạn chế. Kéo theo đó là nguy cơ ô nhiễm môi trường, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên và phát triển không bền vững. Trong đó, nguồn nước trở thành vấn đề nóng bỏng và bức xúc nhất đối với người sản xuất. Tài nguyên này đã bị lạm dụng và khai thác đến mức cạn kiệt mà nguyên nhân chính là sự yếu kém về HTTL. Vì vậy dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm bị giảm sút khá nhiều, đặc biệt là những năm gần đây, hạn hán kéo dài do BĐKH gây ra càng đẩy SXNN vào cảnh khó khăn.

Vào mùa khô thì tình trạng nắng hạn kéo dài, không có nguồn nước ngọt bổ sung, mực nước nội đồng hạ thấp gây ra hiện tượng xâm nhập mặn sâu vào trong nội đồng. Còn vào mùa mưa thì ngập úng cục bộ gây nhiều thiệt hại cho nông dân. Trong khi đó, tình trạng nhiễm mặn của nước ngầm đã tác động xấu đến SXNN càng tạo thêm nhiều áp lực trong việc giải quyết tốt bài toán nguồn nước phục vụ cho sản xuất.

Nguyên nhân chính của những khó khăn, hạn chế này là do nhiều công trình thủy lợi đang bị xuống cấp nên đã làm giảm đi khả năng ngăn mặn, trữ ngọt và cấp thoát nước theo yêu cầu. Trong khi việc lấy nước mặn phục vụ cho NTTS đã làm gia tăng xâm nhập mặn. Ngoài ra, nguồn nước thải, chất thải trong sinh hoạt, sản xuất và NTTS thải trực tiếp ra các kênh rạch cũng làm gia tăng mức độ ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng hơn.

Đặc biệt, HTTL trong ứng phó với BĐKH và nước biển dâng luôn gặp khó. Qua khảo sát thực trạng các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh cho thấy, có nhiều công trình cần được quan tâm đầu tư và nâng cấp, sửa chữa ngay. Như hệ thống cống số 5 trên địa bàn TP. Bạc Liêu với chức năng vừa ngăn mặn nhưng cũng vừa cung cấp mặn cho NTTS và ngăn triều cường, bảo vệ sản xuất, dân sinh khu vực ô thủy lợi ranh Sóc Trăng - kênh 30/4. Vậy mà, chỉ có 2/7 cống có cửa van điều tiết, còn lại đã bị hư hỏng, xuống cấp không hoạt động. Với việc có đến 5 cống bị hư không có cửa van liệu có đảm nhiệm được chức năng ngăn mặn?!

Nông dân đắp đập chống ngập vùng chuyên sản xuất lúa ở huyện Vĩnh Lợi do hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh.

HẠ TẦNG THỦY LỢI YẾU VÀ THIẾU

Qua thống kê hiện trạng HTTL trên địa bàn tỉnh cho thấy, toàn tỉnh có 105 cống đầu mối và được phân chia thành 6 hệ thống với những chức năng khác nhau gắn với từng tiểu vùng sản xuất. Hệ thống cống số 1 nằm dọc Quốc lộ 1A (QL1A) đến Hưng Thành (huyện Vĩnh Lợi) là hệ thống cống có tính chất liên tỉnh, liên huyện thuộc Tiểu dự án ngọt hóa Bán đảo Cà Mau. Nhiệm vụ chính của hệ thống này là kiểm soát mặn (ngăn mặn, cung cấp nước mặn), tiêu úng, xổ phèn, hút ngọt, tiêu ô nhiễm phục vụ cho khu vực chuyển đổi phía Bắc QL1A, gồm 9 cống (từ cống Láng Trâm đến cống Giá Rai). Đồng thời, ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, xổ phèn, tiêu ô nhiễm phục vụ cho vùng giữ ngọt ổn định của tỉnh gồm 15 cống (từ cống Láng Tròn đến cống Nhà Thờ), với tổng diện tích phụ trách 157.180ha đất tự nhiên. Trong đó, phục vụ SXNN trên 66.960ha và vùng chuyên tôm cùng với sản xuất mô hình tôm - lúa 63.228ha.

Xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Nam Quốc lộ 1A.

Có thể nói, nguyên nhân HTTL của tỉnh phát triển kém là do trước đây được quy hoạch thiên về phục vụ SXNN với cây lúa là chính. Do vậy, khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang NTTS, hệ thống này đã bộc lộ các khuyết điểm của mình và khó đảm trách được chức năng vừa giữ ngọt cho cây lúa, nhưng phải vừa cấp mặn cho con tôm. Sự tranh chấp mặn, ngọt ở các vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc QL1A luôn là một bài toán khó, nhất là tình trạng nông dân chờ mặn để nuôi tôm, nhưng nếu điều tiết nước mặn về phục vụ cho con tôm mà cây lúa đang trong giai đoạn sinh trưởng hoặc gần thu hoạch thì coi như chết lúa?!

Cùng với khó khăn trong vận hành thủy lợi ở vùng sản xuất phía Bắc QL1A, thủy lợi ở vùng sản xuất phía Nam QL1A cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và phần lớn hệ thống kênh thủy lợi đều rất mau bị bồi lắng nhanh do phù sa. Cứ từ 2 - 3 năm, ngành Nông nghiệp và các địa phương ven biển phải đầu tư nạo vét kênh thủy lợi một lần; trong khi đó, ở vùng sản xuất phía Bắc QL1A từ 4 - 5 năm mới tiến hành nạo vét.

Điều đáng nói, tuy Bạc Liêu đã tăng cường đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho công tác thủy lợi, nhưng tiến độ đầu tư vẫn không theo kịp tốc độ bồi lắng của hệ thống kênh. Cùng với đó, hệ thống kênh cấp III vượt cấp và kênh cấp III hiện nay chưa hoàn thiện, chỉ đạt 85% so với quy hoạch và chưa đồng bộ với hệ thống kênh cấp I, cấp II.

Để từng bước hóa giải các thách thức do hạn chế và khó khăn về HTTL, đồng thời thực hiện tốt Đề án hiện đại hóa HTTL phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu cần huy động nhiều nguồn lực phát triển HTTL đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, bảo đảm chủ động phục vụ SXNN, dân sinh trong điều kiện nguồn nước không xuất hiện cực đoan, đáp ứng yêu cầu phục vụ SXNN theo hướng đa dạng, bền vững tại các tiểu vùng sinh thái. Cũng như hoàn thiện HTTL hiện đại, thông minh, bảo đảm chủ động phục vụ chuyển đổi, đa dạng hóa SXNN và dân sinh tại các tiểu vùng sinh thái, từng bước tự động hóa vận hành, chủ động phòng chống thiên tai như: hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập úng, thích ứng với BĐKH…

LƯ TRUNG

* Kế hoạch xây dựng và hoàn thiện hệ thống thủy lợi đến năm 2025 và tầm nhìn 2045

- Đến năm 2025: Cải tạo các cửa cống lấy nước hiện có, bảo đảm kiểm soát mặn, chủ động vận hành lấy nước ngọt, nước mặn và tiêu thoát nước.

- Đến năm 2030 và tầm nhìn 2045: Rà soát lại hệ thống đê bao, bờ bao nội đồng hiện có đảm bảo chủ động ngăn triều, chống xâm nhập mặn. Củng cố hệ thống đê bao, bờ bao hiện có phù hợp với định hướng phát triển sản xuất theo chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Đến năm 2030: Xây dựng bổ sung các bờ bao, các cống đầu kênh và trạm bơm điện; nạo vét kênh, rạch bảo đảm vận hành đúng chức năng thiết kế, chủ động tích trữ nước, dẫn nước tưới, tiêu.

* Thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý vận hành

- Đến năm 2025: Thực hiện quan trắc, dự báo nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước tại các tiểu vùng sinh thái; giám sát, dự báo chất lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi.

- Đến năm 2025: Lắp đặt các hệ thống quan trắc, khí tượng - thủy văn chuyên dụng, giám sát nguồn nước phục vụ quản lý, khai thác và vận hành công trình thủy lợi.

- Đến năm 2030: Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập úng, chất lượng nước để phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, khai thác, vận hành công trình thủy lợi.

- Đến năm 2030 - 2045: Xây dựng, rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành các HTTL; xây dựng hệ thống giám sát vận hành, từng bước tiến tới tự động hóa công tác quản lý, vận hành.

- Đến năm 2025: Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Xây dựng chương trình khoa học - công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ phục vụ hiện đại hóa hệ thống công trình thủy lợi.

* Giám đốc Sở NN&PTNT - Lưu Hoàng Ly: Đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho Dự án WB11 - tỉnh Bạc Liêu

Để phục vụ tốt cho SXNN, NTTS và ứng phó với BĐKH, UBND tỉnh Bạc Liêu đề xuất với Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB) cho Bạc Liêu thực hiện Dự án chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Dự án WB11 - tỉnh Bạc Liêu).

Mục tiêu tổng quát của dự án này là tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH và tạo sinh kế cho người dân vùng sản xuất phía Bắc QL1A và cả vùng sản xuất phía Nam QL1A phù hợp với định hướng chuyển đổi nông nghiệp bền vững và nhu cầu thay đổi của thị trường gồm: khả năng thích ứng của người dân, sinh kế và tài sản. Cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và tính bền vững trước những thách thức ngày càng gia tăng của BĐKH.

Đặc biệt, về nguồn nước sẽ kiểm soát tốt triều cường và nguồn nước mặn dọc theo vùng ven biển, hỗ trợ cấp nước ngọt từ phía Bắc QL1A để giúp các hoạt động NTTS được linh hoạt và bền vững. Đồng thời, chuyển dần các mô hình trồng trọt sử dụng nước kém hiệu quả sang các mô hình tiết kiệm nước và “thuận thiên” theo Nghị quyết 120 của Chính phủ, góp phần thích ứng với BĐKH và nâng cao thu nhập, tạo nhiều sinh kế và phát triển bền vững hơn như: rừng ngập mặn kết hợp nuôi tôm, sản xuất lúa - tôm và các hoạt động NTTS khác…

Dự kiến, thời gian đề xuất và phê duyệt dự án trong vòng 2 năm và thời gian thực hiện dự án từ 2025 - 2028, với tổng vốn đầu tư cho dự án hơn 1.000 tỷ đồng.

* Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu - Lê Việt Xô: Cần ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn cho đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thủy lợi

Đối với TP. Bạc Liêu, SXNN được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, vì gắn chặt với phát triển thương mại, dịch vụ và cả các mô hình du lịch sinh thái của cộng đồng.

Vì vậy, TP. Bạc Liêu rất quan tâm đầu tư và tập trung chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đúng định hướng, chuyển từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, chuyên canh rau màu và cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, đang tích cực xây dựng các mô hình sản xuất và nông nghiệp đô thị ứng phó với BĐKH. Trong đó, lĩnh vực NTTS có tốc độ tăng trưởng khá nhanh với bình quân 6,28%/năm gắn với nhiều mô hình đạt hiệu quả cao, nhất là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, giá trị NTTS trên 1 tỷ đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, SXNN cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự yếu kém và hạn chế về HTTL phục vụ cho sản xuất. Vùng chuyên màu hay gặp úng vào mùa mưa, bị ảnh hưởng triều cường, xâm nhập mặn và hệ thống kênh cấp nước phục vụ cho nuôi tôm bị bồi lắng rất nhanh. Hiện nay, các công trình HTTL rất cần vốn để nạo vét, duy tu sửa chữa và nâng cấp, nhưng do nguồn vốn cấp trên hỗ trợ còn hạn chế nên mỗi năm chỉ đầu tư được một số công trình cấp thiết.

Vì vậy, TP. Bạc Liêu kiến nghị HĐND, UBND tỉnh xem xét và cần ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn cho thành phố đầu tư xây dựng, phát triển HTTL nói riêng và xây dựng các công trình, dự án thủy lợi khác, nhằm giúp TP. Bạc Liêu nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH, phòng chống thiên tai, quản lý, khai thác tốt nguồn tài nguyên nước gắn với bảo vệ môi trường nông thôn và phát triển bền vững.

Đó là cải tạo, nâng cấp, tu bổ và xây dựng mới các công trình thủy lợi, hệ thống đê sông, đê biển, hạn chế tác động của triều cường gây ngập lụt và xâm nhập mặn do nước biển dâng. Đầu tư xây dựng mạng lưới cảnh báo, dự báo thiên tai, khí tượng - thủy văn, theo dõi chặt chẽ quá trình BĐKH, nước biển dâng tại khu vực ven biển gắn với xây dựng các kịch bản, phương án tổ chức ứng phó kịp thời…

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.