Khởi động Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải

Thứ Sáu, 22/11/2024 | 16:37

Để ngành sản xuất lúa gạo của tỉnh phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản xuất lúa và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh và sản xuất theo chuỗi giá trị, ngành Nông nghiệp Bạc Liêu vừa triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030”.

2 giai đoạn thực hiện

Kế hoạch tham gia thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 tại tỉnh Bạc Liêu (gọi tắt là Đề án) vừa được UBND tỉnh phê duyệt đặt mục tiêu: đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ triển khai 28.000ha gieo trồng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp; đến năm 2030 là 46.000ha. Địa bàn triển khai tại 5 huyện, thị trọng điểm trồng lúa như: huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân và TX. Giá Rai.

Trong giai đoạn 1 (từ năm 2024 - 2025), ngành Nông nghiệp sẽ tập trung rà soát, chọn vùng tham gia thực hiện Đề án, xây dựng kế hoạch đăng ký, triển khai thực hiện theo từng năm. Trong đó, chú trọng hoàn thiện các tiêu chí về quy hoạch và cơ sở hạ tầng; canh tác bền vững và tăng trưởng xanh; tổ chức sản xuất; doanh nghiệp tham gia liên kết. Trong giai đoạn 2 (từ năm 2026 - 2030), ngành sẽ tập trung vào các hoạt động mở rộng diện tích, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện ứng dụng hệ thống Đo đạc - Báo cáo - Thẩm định, đồng thời duy trì sản xuất bền vững ở những vùng đã đạt các mục tiêu của Đề án giai đoạn 2024 - 2025.

Mô hình sản xuất lúa giảm phân bón hóa học hướng đến giảm phát thải theo Chương trình 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao. Ảnh: M.Đ

Để đề án triển khai đạt hiệu quả

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng có tác động sâu sắc đến hoạt động sản xuất, Đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng với người nông dân vùng ĐBSCL và ngành hàng lúa gạo bởi mục tiêu quan trọng nhất của Đề án là tạo ra sinh kế và định hướng phát triển bền vững cho người nông dân trồng lúa - chủ thể, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đối với Bạc Liêu, một tỉnh thuần nông, hằng năm có tổng sản lượng lúa gần 1,2 triệu tấn, đóng góp cho mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và phục vụ cho xuất khẩu. Tỉnh cũng xác định “Nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo” là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, từ đó quan tâm lãnh đạo, tập trung nguồn lực đầu tư, tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện đại theo chuỗi giá trị, liên kết bao tiêu sản phẩm; ưu tiên các nguồn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Huỳnh Hữu Trí nhấn mạnh: Để thực hiện thành công Đề án, cần sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương có liên quan căn cứ theo kế hoạch, nhiệm vụ được phân công. Trong đó, Sở NN&PTNT là đơn vị chủ công trong thực hiện Đề án.

Cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT cần kịp thời báo cáo với UBND tỉnh để tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy sự thành công của Đề án, góp phần hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa gắn với tăng trưởng xanh. Từ đó nâng cao thu nhập của người trồng lúa, thúc đẩy chuỗi liên kết lúa gạo theo hướng bền vững. Về phía các doanh nghiệp cần có những đầu tư, hợp tác liên kết trong thời gian tới, giúp nông dân thuận lợi nhất trong việc tiếp cận các nguồn vật tư đầu vào chất lượng với giá cả hợp lý; đồng thời áp dụng các tiến bộ kỹ thuật giúp giảm giá thành và nâng cao hiệu quả trong sản xuất…

Minh Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.