Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Kỳ vọng vào một đề án
Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao (gọi tắt là Đề án) gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2023 - 2030 có tổng đầu tư dự kiến trên 40 tỷ đồng. Nông dân là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ, với chính sách đề xuất 30% chi phí mua giống lúa xác nhận ở định mức lượng giống sử dụng 80kg/ha trong 4 vụ đầu liên tiếp...
Nông dân huyện Hồng Dân thải rơm rạ trực tiếp xuống kênh nội đồng. Ảnh: K.T
Đề án này đã làm nức lòng nông dân trồng lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và nông dân Bạc Liêu nói riêng. Với mục tiêu chính là chuyển đổi sản xuất lúa theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh, qua đó nâng cao giá trị, sức cạnh tranh, bảo vệ môi trường, giúp nông dân làm giàu từ hạt lúa…, Đề án sẽ giải quyết tốt những “nút thắt” trong sản xuất lúa lâu nay.
Được biết, Đề án tập trung ở những vấn đề chính: tăng giá trị sản xuất lúa từ giảm phát thải khí nhà kính, làm nguyên liệu phát triển năng lượng xanh, tổ chức sắp xếp lại sản xuất và đảm bảo công bằng xã hội, quan tâm đến hộ nghèo, phụ nữ và bình đẳng giới. Có thể nói, đây cũng là vấn đề vốn trở thành nỗi trăn trở của người trồng lúa lâu nay. Trong đó, bài toán ô nhiễm môi trường từ sản xuất nông nghiệp đến nay vẫn chưa có những giải pháp hữu hiệu. Chẳng hạn như các địa phương ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A, sau vụ lúa vẫn còn tình trạng đốt đồng hay thải rơm rạ trực tiếp xuống các kênh nội đồng thay vì tái sử dụng các phế phẩm này phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như: dùng rơm làm nguyên liệu trồng nấm, làm thức ăn cho gia súc, ủ phân để trồng màu…
Theo chuyên gia nông nghiệp cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - Cao Thăng Bình: Trồng lúa là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất trong ngành Nông nghiệp, với lượng phát thải trên 49 triệu tấn CO2/năm. Song, hóa giải thách thức này hoàn toàn có thể thực hiện được bằng việc thúc đẩy canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thay thế đất trồng lúa kém hiệu quả bằng hệ thống canh tác thông minh và quản lý rơm rạ sau thu hoạch.
Đối chiếu với Bạc Liêu thì tỉnh đã và đang áp dụng các hình thức canh tác thông minh và đây là cơ sở tiền đề để tham gia Đề án này. Bởi một trong những yêu cầu mang tính bắt buộc đối với sản xuất lúa chất lượng cao chính là nông dân sử dụng nguyên liệu đầu vào phải giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và giống cấp xác nhận… Đồng thời, từ việc áp dụng các hình thức canh tác thông minh này hướng đến xây dựng quy trình sản xuất lúa tuần hoàn, khép kín. Trên thực tế, mô hình sản xuất lúa - tôm của Bạc Liêu đã được chứng minh điều này khi rơm rạ sau mùa vụ trở thành thức ăn tự nhiên cho con tôm và chất thải của con tôm sau thu hoạch trở thành phân cho cây lúa phát triển.
Qua đó cho thấy, việc nông dân kỳ vọng vào Đề án này không chỉ hứa hẹn xây dựng nên những mô hình sản xuất bền vững, ứng phó với BĐKH, nâng cao giá trị, tạo sinh kế cho nông dân, mà còn góp phần vào thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH của Liên Hiệp Quốc (COP26) năm 2021.
HAI LÚA
- Huyện Phước Long: Họp mặt kỷ niệm 50 Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Họp thành viên UBND tỉnh: Thông qua 12 dự thảo văn bản
- Bạc Liêu tham gia họp mặt Khối binh vận tại TP. Hồ Chí Minh
- Khai mạc Lễ hội Quan âm Nam Hải năm 2025
- Khai mạc Giải bóng bàn các CLB tỉnh Bạc Liêu mở rộng năm 2025 tranh Cúp Báo Bạc Liêu