Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Lan tỏa những mô hình khuyến nông hiệu quả
Nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KH-KT) mới cho người dân, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai đầu tư nhiều mô hình trình diễn, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi và lan tỏa những phương thức sản xuất mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Nông dân xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) cấy dặm lúa ST24.
ĐẦU TƯ CÁC MÔ HÌNH
Ngay từ đầu năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tranh thủ nguồn kinh phí khuyến nông quốc gia đầu tư 2 dự án trên địa bàn tỉnh. Đó là Dự án xây dựng mô hình ứng dụng máy sạ khóm trong sản xuất lúa và Dự án xây dựng mô hình nuôi tôm sú - lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm (giai đoạn 2).
Cụ thể, Dự án xây dựng mô hình ứng dụng máy sạ khóm có quy mô sản xuất 50ha với 44 hộ dân ở huyện Phước Long và Vĩnh Lợi tham gia. Đối với dự án này, nông dân được hỗ trợ 50% lúa giống và một số loại vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là được đầu tư bộ máy sạ theo khóm. Mô hình triển khai hỗ trợ ở vụ hè thu, năng suất đạt từ 6 - 6,3 tấn/ha, tăng hơn 320kg/ha so với ruộng ngoài mô hình. Hiệu quả kinh tế mô hình cho lợi nhuận cao hơn gần 4,9 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng.
Còn Dự án xây dựng mô hình nuôi tôm sú - lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm (giai đoạn 2) có quy mô sản xuất 38ha với 38 hộ dân là thành viên hợp tác xã (HTX) Hưng Thịnh (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) tham gia. Theo đó, các hộ dân được hỗ trợ 50% tôm giống, lúa giống và một số loại vật tư phục vụ sản xuất lúa - tôm. Kết quả vụ nuôi tôm sú, năng suất đạt trung bình 530kg/ha/hộ, cá biệt có một số hộ đạt 650kg/ha, cao hơn so với các hộ ngoài mô hình từ 100 - 150kg/ha. Ngoài ra, ngành chức năng còn hỗ trợ hoàn tất các thủ tục cấp mã số vùng nuôi cho các thành viên trong HTX Hưng Thịnh. Về vụ lúa, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ lúa giống ST25, hiện lúa phát triển rất tốt.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ máy thu gom rơm cho HTX Toàn Thắng (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi).
Ngoài 2 mô hình này, ngành Nông nghiệp còn đầu tư một số mô hình khác và cũng đạt hiệu quả cao. Điển hình như mô hình Xây dựng tổ chức cộng đồng canh tác lúa thông minh theo hướng hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn liên kết bao tiêu sản phẩm (quy mô 300ha với 271 hộ dân tham gia). Mô hình này được trình diễn ở 3 điểm thuộc 3 huyện (Phước Long, Hòa Bình và Vĩnh Lợi). Kết quả vụ đông xuân, giống lúa Đài thơm 8 và OM18 cho năng suất từ 6,5 - 9 tấn/ha, lợi nhuận 20 - 27 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng truyền thống từ 2 - 4,7 triệu đồng/ha.
Hay các mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân như: Mô hình canh tác tôm - lúa theo hướng tôm sạch, lúa an toàn gắn với liên kết chuỗi giá trị; mô hình cộng đồng nuôi tôm bền vững theo hình thức quảng canh cải tiến kết hợp cua - cá; mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh tôm - lúa theo hướng xanh…
Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch tôm càng xanh từ mô hình lúa thơm, tôm sạch.
GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ
Thực tế cho thấy, thời gian qua các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp được ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai với quy mô khá lớn, mang tính cộng đồng cao, bên cạnh việc xây dựng các cánh đồng lớn, sản xuất các giống lúa ST24, ST25, nuôi tôm theo hướng hàng hóa và thực hiện liên kết chuỗi, bao tiêu sản phẩm. Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng nông sản, tăng lợi nhuận cho nông dân. Thông qua việc triển khai các mô hình đã giúp lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có bước cải tiến, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Lê Hữu Ân - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh khẳng định các mô hình trên đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên cùng một đơn vị diện tích. Đặc biệt, thông qua các mô hình đã giúp cải tiến phương thức nuôi tôm thân thiện với môi trường để giảm rủi ro từ dịch bệnh và tăng năng suất tôm nuôi; cải tiến phương thức canh tác lúa trên đất nuôi tôm để từng bước sản xuất lúa an toàn, đạt chất lượng tốt; cải tiến phương thức sản xuất theo hình thức cộng đồng thông qua thành lập tổ hợp tác, HTX để tạo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Để các mô hình được lan tỏa hiệu quả trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong khuyến nông để giúp nông dân nâng cao kinh nghiệm sản xuất, nâng cao chuyên môn, tiếp cận với tiến bộ KH-KT mới. Từ đó có các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, chủ động phòng ngừa bệnh dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên cùng một đơn vị diện tích. Đặc biệt là khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, HTX để giải quyết việc làm, tạo nghề mới, tăng thu nhập cho nông dân tại địa phương.
MINH CHÂU
- Báo Bạc Liêu triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Tổng kết Tết Quân - dân năm 2025 tại xã Định Thành
- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tặng quà tết cho người nghèo huyện Đông Hải
- Hội thảo tổng kết mô hình trồng thử nghiệm một số giống bắp mới cho năng suất cao
- Tổ chức chuyên đề “Ứng dụng phương pháp giáo dục STEM/STEAM trong cơ sở giáo dục mầm non”