Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Liên kết sản xuất: Tăng lợi nhuận cho nông dân
Một trong những hiệu quả mang lại của liên kết sản xuất chính là hình thành các vùng nguyên liệu tập trung với quy mô lớn và các chuỗi cung ứng thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn. Từ đó giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp hình thành các chuỗi giá trị nông sản đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Thành lập Tổ hợp tác, Hợp tác xã
Thực hiện chủ trương liên kết sản xuất, từng bước hình thành các vùng chuyên canh, cánh đồng lớn, chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như tôm, lúa và muối… chất lượng cao, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 4 hợp tác xã (HTX). Điển hình là HTX Phước Sang (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu). Được nâng lên từ Tổ hợp tác (THT) liên kết bà con nông dân trồng màu trong ấp để chia sẻ kỹ thuật cho nhau, HTX Phước Sang hướng đến mục tiêu hình thành mạng lưới sản xuất rau, màu hữu cơ trong nhà lưới và cung ứng nguồn rau, củ quả vào các siêu thị... Ông Sơn Ngọc Xuân - Giám đốc HTX Phước Sang, cho biết: “Chúng tôi thấy liên kết sản xuất có hiệu quả cao và cần mở rộng để thu hút nhiều nông dân hơn, vì vậy quyết tâm thành lập HTX từ THT. Đồng thời, việc nâng THT lên thành HTX để có vai trò pháp nhân trong việc ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các thành viên. Bên cạnh đó, HTX còn hưởng được nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước”.
HTX Thanh Sơn (huyện Hòa Bình) có 175 thành viên, sản xuất trên diện tích 250ha. Vụ lúa đông xuân vừa qua, HTX được tỉnh đầu tư hỗ trợ 50% lượng giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật cho 60ha, tổng trị giá hỗ trợ là 162 triệu đồng. Đồng thời được hỗ trợ các máy bay nông nghiệp không người lái. Ông Trần Văn Ngỗ - Giám đốc HTX Thanh Sơn phấn khởi: “Chúng tôi rất vui mừng được tỉnh quan tâm với nhiều chính sách hỗ trợ cho HTX. Từ đó, các thành viên trong HTX giảm chi phí đầu tư và tăng thêm thu nhập trong sản xuất”.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu). Ảnh: M.Đ
Hình thành chuỗi giá trị
Liên kết sản xuất là một hướng đi tất yếu của sản xuất nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh phải ứng phó với biến đổi khí hậu như hiện nay. Thông qua việc thành lập các THT, HTX, nông dân có thể giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa, giảm giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập. Ngoài ra, từ các HTX đã hình thành các hiệp hội như hiệp hội nuôi tôm công nghệ cao, lúa chất lượng cao, lúa - tôm, lúa hữu cơ, muối… Từ đó, xây dựng nên các chuỗi giá trị các mặt hàng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Ông Nông Văn Thạch - Giám đốc HTX Ba Đình, huyện Hồng Dân cho rằng: “Đợt dịch vừa qua cho thấy, việc liên kết sản xuất hình thành chuỗi sản phẩm để tiêu thụ hàng hóa cho nông dân rất quan trọng. Để đáp ứng nhu cầu cung ứng cho thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu thì cần xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn nhằm hình thành chuỗi hàng hóa đủ lớn”. HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu, ngoài nuôi Artemia, còn bắt tay nuôi tôm công nghệ cao. Theo ông Cao Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu thì việc hình thành các chuỗi giá trị ngành tôm sẽ đảm bảo sản lượng tôm đủ lớn để cung cấp cho thị trường xuất khẩu với các đơn hàng lớn.
Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với nông dân cần phải được tổ chức một cách chặt chẽ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp. Vì trên thực tế thời gian qua, việc liên kết sản xuất đôi khi còn lỏng lẻo, chưa có sự gắn kết trách nhiệm giữa các bên nên hiệu quả mang lại chưa cao, nhất là khi có sự biến động lớn của thị trường thì vẫn còn tình trạng nông dân và doanh nghiệp tự ý phá vỡ giao kèo trước đó.
Theo Sở NN&PTNN, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung phát triển các cánh đồng lớn nhằm nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiệu quả và liên kết bao tiêu tôm, lúa gạo và muối. Xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm tôm, lúa, gạo và muối chất lượng cao mang thương hiệu Bạc Liêu. Đẩy mạnh thực hiện các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Liên doanh liên kết các HTX nông sản để thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Gắn kết nông dân với thị trường và doanh nghiệp, đẩy mạnh thực hiện chương trình hợp tác với các tỉnh, thành trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông - lâm - thủy sản.
Minh Châu
- Bạc Liêu và Cà Mau góp ý Đề án hợp nhất 2 tỉnh
- Thăm và tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng tại huyện Phước Long
- Chiếu phim lịch sử mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân
- Hội đồng thẩm định Trung ương: Thống nhất đề nghị Thủ tướng công nhận huyện Phước Long đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024