Liên kết sản xuất tôm vùng chuyển đổi: Còn nhiều thách thức

Thứ Hai, 25/11/2024 | 16:20

Vùng chuyển đổi có ưu thế hơn các vùng chuyên canh khi cùng một vụ có thể sản xuất cùng lúc lúa và tôm. Đây là diện tích sản xuất được đánh giá cao về chất lượng sản phẩm khi người dân ít sử dụng hóa chất, môi trường đất và nước được đảm bảo.

Bấp bênh đầu ra tôm xen canh

Bạc Liêu sở hữu diện tích hơn 40.000ha lúa trên đất tôm - đây được xem là lợi thế lớn của vùng chuyển đổi của tỉnh khi chất lượng tôm, lúa tại đây được đánh giá cao, đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn, đủ điều kiện xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian qua diện tích lúa được thực hiện bao tiêu tại vùng chiếm rất cao, hơn 80% diện tích sản xuất. Ông Trần Thanh Ngân (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) cho biết: “Lúa thì ngay đầu vụ đã có thương lái xuống liên hệ ký kết bao tiêu cũng như cung ứng vật tư cho quá trình canh tác. Ngược lại, về đầu ra cho con tôm thì bà con vẫn phải “tự bơi” trong khi giá cứ rớt thê thảm”. Đây là thực tế chung ở hầu hết các vùng luân canh tôm - lúa trên địa bàn tỉnh hiện nay. Lâu nay, diện tích tôm - lúa luôn được ngành chuyên môn đánh giá rất cao về hiệu quả sản xuất cũng như kinh tế. Bởi đây là mô hình có tính hỗ trợ lẫn nhau, tạo ra sản phẩm sạch và ổn định môi trường, đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu. Với phương thức canh tác này, cây lúa sẽ hạn chế độc tố cho môi trường nuôi tôm, giúp tôm sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế một phần dịch bệnh trên tôm. Thân và rễ lúa sau thu hoạch sẽ là nguồn thức ăn tự nhiên giúp tôm lớn nhanh. Ngược lại, sau mỗi vụ nuôi tôm, chất thải từ tôm bồi lắng sẽ tạo độ màu mỡ cho đất, giảm được lượng phân bón cho lúa, giảm thuốc bảo vệ thực vật nên không tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh.

Đoàn công tác của Tỉnh ủy thăm mô hình luân canh tôm - lúa trên địa bàn huyện Hồng Dân. Ảnh: C.L

Cần những giải pháp dài hơi

Việc con tôm không tìm được đối tác liên kết tiêu thụ theo bà con vùng chuyển đổi cũng có nhiều nguyên nhân. Tôm nuôi theo hình thức xen canh thường có kích cỡ không đồng đều, sản lượng cũng không ổn định, thu hoạch gói gọn chỉ vài ngày trong tháng và thường tập trung nhiều vào những tháng cuối năm. Sản phẩm tôm tại vùng chuyển đổi tuy được đánh giá cao về chất lượng nhưng giá bán lại thấp hơn các khu vực tôm công nghiệp từ 10.000 - 20.000 đồng/kg - đây là một thiệt thòi không nhỏ đối với nông dân. Dù không phải đầu tư nhiều kinh phí như nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, thế nhưng việc con tôm nuôi xen canh trong ruộng lúa “bị ngó lơ” đã phần nào nói lên sự bấp bênh của mô hình luân canh này.

Để thực hiện được mục tiêu mang lại lợi nhuận kép cho nông dân trong vùng chuyển đổi, đồng thời đánh thức tiềm năng, thế mạnh của “con tôm ôm gốc lúa” thiết nghĩ các địa phương trong vùng chuyển đổi cần có giải pháp cụ thể trong việc xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững cả hai thế mạnh của vùng là cây lúa và con tôm. Xem đây là mặt hàng chủ lực để đầu tư phát triển và tìm kiếm đối tác liên kết tiêu thụ. Có như vậy con tôm cùng cây lúa sẽ cùng nhau vươn xa, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Theo ông Đỗ Minh Thắng - Chủ tịch UBND TX. Giá Rai: “Không chỉ mở rộng liên kết cho cây lúa trong vùng chuyển đổi mà thị xã cũng đang kêu gọi doanh nghiệp vào bao tiêu tôm nuôi xen canh trong ruộng lúa. Bởi chất lượng tôm nuôi theo hình thức này đã được chứng minh là tôm sạch và rất phù hợp để chế biến, xuất khẩu. Đây sẽ là động lực để bà con vùng chuyển đổi xem con tôm, cây lúa là hai đối tượng nuôi, trồng không thể tách rời và cùng phát triển bền vững mô hình này”.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.