Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Liên kết tiêu thụ để nâng giá trị rau màu
Rau xanh là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế các loại rau vẫn có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm do quy trình canh tác không đảm bảo. Để phát triển bền vững rau an toàn, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng, các địa phương cần xây dựng những vườn chuyên canh rau màu sạch, an toàn.
Đồng chí Huỳnh Quốc Việt - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng lãnh đạo Thành ủy, TP. Bạc Liêu tham quan quy trình xử lý rau sau thu hoạch ở Hợp tác xã rau sạch Đoàn Kết. Ảnh: C.L
BẤP BÊNH NGHỀ TRỒNG RẪY
Nói đến vùng chuyên canh rau màu thì nhiều người dân Bạc Liêu nghĩ ngay đến các xã, phường vùng ven của TP. Bạc Liêu. Với nền đất pha cát tự nhiên được bồi lắng từ phù sa, nông dân lại có nhiều kinh nghiệm nên nơi đây từ lâu đã được ví như “vương quốc rau” của thành phố. Tại những nơi trồng đã hình thành nên các vùng chuyên canh tập trung với quy mô và diện tích khác nhau. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng rau như thủy lợi, điện, giao thông nông thôn được đầu tư khá tốt, hỗ trợ đắc lực cho phát triển sản xuất rau.
Song, theo đánh giá của nhiều nông dân, sản xuất rau ở TP. Bạc Liêu vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại những nghịch lý. Chất lượng rau chưa cao, chưa phát huy đúng thế mạnh, hiệu quả và thu nhập kinh tế còn thấp so với tiềm năng; sản xuất tự phát, manh mún dẫn đến chưa chủ động thị trường để tiêu thụ ổn định. Chị Nguyễn Ngọc Khuyên (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu), cho biết: “Năm nay gia đình tôi trúng mùa cải thìa với năng suất đạt gần 2,5 tấn/công, thế nhưng, thương lái chỉ thu mua 2.000 đồng/kg. Vì vậy dù được coi là trúng mùa nhưng không có lợi nhuận”.
Được biết, nuôi tôm và trồng màu là 2 nghề chính và cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình ở xã Hiệp Thành. Thời gian qua, việc nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, do đó nông dân chỉ trông chờ vào nguồn thu từ rau màu, tuy nhiên giá cả thường do thương lái, thị trường quyết định. Như mới đây, giá rau má được thương lái thu mua tại vườn từ hơn 12.000 đồng/kg rớt xuống còn 2.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhiều người đành dùng máy cắt cỏ để cắt bỏ lá, dưỡng gốc, chờ giá ở vụ sau, dù trước đó, nông dân phải bỏ ra hàng triệu đồng để chăm sóc, bón phân, tưới nước…
Theo các hộ dân trồng rau màu ở huyện Phước Long, trong năm 2024, giá rau màu luôn ở mức thấp, cứ cách khoảng 1 - 2 tháng lại có đợt giảm giá mạnh. Người dân trồng màu cũng không thể đoán được loại rau nào trồng thì sẽ có giá cao, giá thấp nên cứ tùy vào may rủi mà sản xuất. Trái ngược với giá rau, chi phí đầu tư mỗi năm mỗi tăng: giá điện tăng, nhân công tăng, thuốc bảo vệ thực vật tăng. Bên cạnh đó, lượng phân bón cho đất cũng càng tăng hơn... Nông dân chỉ mong sao các cấp chính quyền có hướng hỗ trợ nông dân trồng màu đầu tư quy trình sản xuất mới theo hướng sạch, an toàn và có kết nối đầu ra ổn định để bà con yên tâm sản xuất.
Nông dân xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) thu hoạch cải thìa.
CẦN PHÁT TRIỂN CHUỖI LIÊN KẾT
Về lâu dài, sản xuất rau màu cần phải được tổ chức thực hiện theo quy trình GAP để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường cũng như người tiêu dùng. Nhưng muốn sản phẩm rau màu có bước chuyển biến về chất, rất cần sự đồng hành của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, trong việc hướng dẫn nông dân ứng dụng kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn, các địa phương có thế mạnh về sản xuất rau màu cũng cần vào cuộc tích cực trong việc hình thành chuỗi liên kết trong khâu sản xuất - thu mua, phân phối - tiêu dùng, sơ chế, bảo quản cho các sản phẩm an toàn để khuyến khích nông dân tham gia chuỗi liên kết.
Tuy nhiên theo đánh giá của một số hộ dân chuyên canh rau màu theo hướng an toàn, việc giải quyết khâu tiêu thụ cho các sản phẩm rau màu nói chung và rau màu sản xuất theo hướng GAP nói riêng mới là vấn đề nan giải. Bởi, trồng rau màu theo hướng GAP đòi hỏi kỹ thuật cao tốn nhiều chi phí hơn, sản lượng đôi lúc không cao bằng cách trồng truyền thống… nhưng khi bán ra thị trường thì giá rau sản xuất theo quy trình GAP cũng chỉ ngang giá với rau trồng thông thường. Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề kỹ thuật trồng rau màu an toàn không khó với nông dân; sự ổn định đầu ra của sản phẩm để giảm bớt các rủi ro trong đầu tư mới là vấn đề cần quan tâm nhất. Vì vậy, nông dân cũng rất cần ngành Nông nghiệp giới thiệu, trợ giá và hướng dẫn tiếp cận các giống rau màu mới để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trong chuyến khảo sát các vùng trồng màu trên địa bàn TP. Bạc Liêu, đồng chí Huỳnh Quốc Việt - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã có dịp gặp và trao đổi với nông dân về những khó khăn, vất vả và cả những vướng mắc trong canh tác rau màu. “Để phát huy lợi thế và giá trị cho các loại rau màu, TP. Bạc Liêu cần sớm xem xét quy hoạch lại vùng trồng theo hướng tập trung, xây dựng hệ thống ô đê bao, trạm bơm khép kín để đảm bảo quá trình sản xuất của người dân được thuận lợi. Đồng thời, các hội, đoàn thể cũng cần nhập cuộc trong việc quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu, liên kết tìm đầu ra cho các mặt hàng rau màu. Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của HTX trong sản xuất rau màu sạch, an toàn, mở rộng thị trường để xem đây là một trong những mặt thế mạnh của địa phương để tập trung đầu tư, phát triển, tìm kiếm đối tác liên kết trong cả sản xuất lẫn tiêu thụ, có như vậy giá trị cây rau màu mới được nâng lên, bà con trồng màu mới ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt, chỉ đạo.
Chí Linh
- Liên kết tiêu thụ để nâng giá trị rau màu
- Phát triển kinh tế - xã hội: Chờ giải pháp đột phá
- Tinh gọn bộ máy chính trị: Chủ động, hiệu quả và đồng thuận
- Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ Đoàn đại biểu tỉnh Bạc Liêu dự Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam toàn quốc lần thứ IX
- Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị phát triển du lịch nông thôn tỉnh Bạc Liêu