Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa: Dẹp bỏ nỗi lo “được mùa, mất giá”
Việc liên kết chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản không chỉ giúp gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, mà còn góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định, tăng thu nhập cho người nông dân. Cùng với đó, các doanh nghiệp khi tham gia liên kết tiêu thụ cũng chủ động được nguồn nguyên liệu lớn để đáp ứng chế biến, xuất khẩu.
Liên hiệp HTX Lúa thơm - Tôm sạch Bạc Liêu ký hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.
DOANH NGHIỆP THAM GIA LIÊN KẾT
Thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, ngành Nông nghiệp kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp tục liên kết và bao tiêu lúa cho nông dân, nhằm hạn chế tình trạng thương lái ép giá lúa khi nông dân thu hoạch rộ. Trong năm qua, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu và Công ty Quốc Tế Gia đã ký kết bao tiêu 3.500ha lúa ST24, ST25 cho nông dân. Riêng Công ty Quốc Tế Gia còn đồng hành cùng nông dân trong phát triển cánh đồng lớn và bao tiêu toàn bộ lúa hàng hóa đối với những hộ có ký kết hợp đồng với phía công ty. Đây thật sự là một tín hiệu đáng mừng đối với bà con nông dân trong tỉnh.
HTX Vĩnh Cường (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình) cũng được xem là đơn vị thành công điển hình của địa phương trong việc thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. HTX tổ chức sản xuất khép kín cho thành viên và các hộ dân trong, ngoài tỉnh trên diện tích hơn 7.000ha đất trồng lúa. Việc liên kết từ cung cấp các dịch vụ cung ứng nguyên vật liệu đầu vào đến khâu thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm đã giúp nông dân có nhiều thuận lợi hơn trong sản xuất và tiêu thụ lúa.
Việc thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho nông dân và đẩy mạnh phát triển sản xuất - kinh doanh cho các HTX. Từ đó, hình thành các chuỗi sản xuất, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho nông sản và thu nhập cho người sản xuất.
Doanh nghiệp bao tiêu lúa cho nông dân huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: M.Đ
NÂNG CAO HIỆU QUẢ LIÊN KẾT
Từ đầu năm đến nay, hưởng ứng chủ trương của ngành Nông nghiệp, các doanh nghiệp, HTX đã thực hiện liên kết bao tiêu với tổng diện tích 70.623ha lúa, sản lượng bao tiêu hơn 464.000 tấn. Trong đó, vụ lúa mùa bao tiêu 204.189 tấn, vụ đông xuân bao tiêu 259.851 tấn. Các doanh nghiệp thực hiện tốt việc liên kết sản xuất và bao tiêu lúa cho nông dân gồm Công ty TNHH MTV Vina Toàn Phát, Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp - thủy sản Bạc Liêu, HTX Vĩnh Cường, HTX Thanh Sơn, HTX Nông nghiệp xanh...
Để việc liên kết ngày càng phát huy hiệu quả, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất, lựa chọn giải pháp canh tác phù hợp, nhất là các mô hình ổn định và bền vững. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh tổ chức liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp với các tổ chức hợp tác nông dân từ cung ứng con giống, vật tư sản xuất đến thu mua chế biến, góp phần giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, hiệu quả.
Theo các chuyên gia, liên kết trong sản xuất chính là tương lai của nông nghiệp hiện đại. Tuy vậy, để đạt hiệu quả tối đa, doanh nghiệp và nông dân cần phải có sự chia sẻ với nhau, cùng nêu cao trách nhiệm trên tinh thần hợp tác và tương trợ. Song song đó, chính quyền cũng cần có sự tác động, can thiệp để hợp đồng giữa người nông dân, HTX và doanh nghiệp có tính liên kết bền vững, góp phần thay đổi tư duy sản xuất, tiêu thụ của người nông dân. Nông dân không chỉ liên kết sản xuất, thành lập các HTX mà các HTX từng bước liên kết thành lập các liên hiệp HTX trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả liên kết chuỗi. Các HTX sẽ được tạo điều kiện tham gia các chuỗi giá trị sản xuất phát triển bền vững, mở ra điều kiện mới, sức mạnh mới trong quan hệ với các đối tác trên thị trường trong thời kỳ hội nhập.
Liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất lúa đã trở thành phương thức sản xuất phổ biến trên địa bàn tỉnh. Việc liên kết phần nào giải quyết được nỗi lo của nông dân về điệp khúc “được mùa, mất giá”. Đồng thời, thông qua áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của hạt lúa.
MINH CHÂU
Ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh:
Liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu. Để mở rộng liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ, Bạc Liêu sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn vốn Trung ương để đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng cho vùng sản xuất lúa, nhất là hệ thống điều tiết nước phục vụ sản xuất hợp lý cho từng tiểu vùng. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn nhằm khuyến khích nông dân đầu tư máy móc công nghệ tiên tiến để các HTX từng bước cơ giới hóa và hiện đại hóa trong nông nghiệp, giúp các HTX tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nhất là Quỹ hỗ trợ phát triển HTX…