Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Linh hoạt điều tiết nước phục vụ sản xuất
Gần vào giữa tuần tháng 4 hàng năm là thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh bước vào cao điểm. Năm nay, do xuất hiện nhiều cơn mưa sớm đầu mùa kèm với lượng nước ngọt từ thượng nguồn đổ về khá dồi dào nên nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn được đảm bảo, xâm nhập mặn hiện ở mức thấp so với các năm trước. Tuy nhiên, theo dự báo của ngành chức năng, tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn vẫn còn diễn biến phức tạp, do vậy nông dân cần chủ động tích nước ngọt để đảm bảo cho sản xuất và sinh hoạt.
Vận hành cống Âu thuyền Ninh Quới giúp kiểm soát mặn, ngọt phục vụ sản xuất. Ảnh: C.L
Thừa ngọt, thiếu mặn
Mùa khô năm 2021 - 2022, tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), xâm nhập mặn bắt đầu ảnh hưởng từ ngày 19/1/2022 tại một số cửa sông, sớm hơn 15 ngày so với trung bình nhiều năm (TBNN), muộn hơn khoảng một tháng so với mùa khô năm 2015 - 2016 và tương đương mùa khô 2020 - 2021. Mức độ xâm nhập mặn nhìn chung cao hơn TBNN nhưng thấp hơn so với các năm 2016, 2020...
Riêng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, tình trạng xâm nhập mặn được ghi nhận vào ngày 14/2, độ mặn đo được tại khu vực ngã 3 Ninh Quới là vào khoảng 9‰. Vào thời điểm đó, trên các cánh đồng, trà lúa đông xuân chỉ mới được gieo sạ khoảng hơn 20 ngày. Để chủ động kiểm soát nguồn nước, không cho mặn lấn sâu vào nội đồng làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của bà con, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Ban quản lý, vận hành cống Âu thuyền Ninh Quới để điều tiết nguồn nước. Đồng thời, khuyến cáo bà con về tình hình mặn có nguy cơ xâm nhập để chủ động đề phòng trong sản xuất.
Ông Phan Văn Hùng - phụ trách vận hành Âu thuyền Ninh Quới, thông tin: “Ngay khi có thông số về độ mặn xâm nhập vào vùng sản xuất, chúng tôi đã thông tin đến Sở NN&PTNT để sở kịp thời nắm thông tin và tiến hành vận hành cống Âu thuyền để điều tiết nước, không cho mặn lấn sâu vào nội đồng. Đồng thời, cử cán bộ thường xuyên quan trắc, đo độ mặn cả phía trong và phía ngoài âu thuyền để có phương án ứng phó phù hợp nhất”.
Bên cạnh các giải pháp ứng phó và điều tiết nước của Ban quản lý, vận hành cống Âu thuyền Ninh Quới và các địa phương thì việc xuất hiện các cơn mưa trái mùa trong những ngày gần đây cũng giúp pha loãng các khối nước mặn xâm nhập vào các điểm giáp ranh mặn, ngọt. Anh Nguyễn Văn Phận (ấp 17, xã Phong Tân, TX. Giá Rai) chia sẻ: “Mọi năm khu vực này là nơi thường xuyên xảy ra khô hạn và xâm nhập mặn. Tuy nhiên, nhờ các cấp chính quyền địa phương chủ động các phương án ứng phó như xây các đập tạm, khuyến khích người dân xuống giống sớm ở những nơi đủ điều kiện để né mặn nên năm nay lúa khu vực này phát triển rất tốt”.
Nếu như mưa xuất hiện sớm và nước ngọt thượng nguồn đổ về dồi dào là tín hiệu vui đối với bà con vùng ngọt ổn định, thì bà con ở các vùng chuyển đổi tôm - lúa lại khá lo lắng. Bởi, đây là thời điểm bà con thả giống vụ tôm đầu tiên trong năm, việc “thừa nước ngọt, thiếu nước mặn” khiến cho tôm nuôi không thích ứng tốt với điều kiện tự nhiên trên đồng ruộng. Mặt khác, khi độ mặn xuống thấp, dù tôm thả nuôi đạt đầu con nhưng tôm sẽ chậm lớn, hoặc chết non. Đây là tình trạng chung của nhiều bà con ở vùng chuyển đổi sản xuất của hai huyện: Phước Long - Hồng Dân.
Kiểm tra độ mặn ở khu vực cống Âu thuyền Ninh Quới.
Chủ động điều tiết
Theo khuyến cáo của Tổng cục Thủy lợi, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp từ nay đến cuối năm 2022, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn, chất lượng nước…, do các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cung cấp để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó, phù hợp với tình hình của địa phương.
Để chủ động nguồn nước, điều tiết kịp thời cho các vùng sản xuất, hiện các huyện đã và đang xây dựng các phương án phòng chống úng, ngập, đề phòng ngập úng cục bộ do mưa trái mùa. Tăng cường việc nạo vét kênh mương, đắp đập thời vụ ngăn mặn và trữ nước ngọt chống hạn, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân. Tổ chức vận hành tốt các công trình thủy lợi và bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Xác định vùng nuôi thủy sản nước mặn ổn định, có ranh giới mặn ngọt rõ ràng để chủ động phương án điều tiết nước phù hợp. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền để nâng cao ý thức và hành động của người dân trong việc tích trữ, sử dụng nước tưới tiết kiệm và hiệu quả, cũng như phối hợp với ngành chức năng để quản lý, vận hành, khai thác tốt các công trình thủy lợi.
Ông Nguyễn Văn Thới - Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho biết: “Ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng các kịch bản ứng phóng với từng loại hình thời tiết và từng mùa vụ. Hiện nay, huyện đang tập trung để giúp bà con vùng sản xuất lúa thu hoạch dứt điểm trà lúa đông xuân, hạn chế thấp nhất những điều kiện bất lợi do thời tiết gây ra. Đồng thời, phối hợp với Sở NN&PTNT để điều mặn về các vùng chuyển đổi trên địa bàn huyện nhằm giúp bà con xuống giống vụ tôm trên đất lúa kịp thời vụ”.
Theo nhận định của ngành Khí tượng thủy văn tại các địa phương vùng ĐBSCL, trong tháng 3 và tháng 4/2022, vùng ĐBSCL có khả năng xuất hiện những đợt xâm nhập mặn tăng cao. Năm nay, nguồn nước phục vụ cho sản xuất trồng trọt vụ hè thu 2022 được các ngành chuyên môn đánh giá là khá thuận lợi nhờ lưu lượng dòng chảy từ sông Mekong về hạ nguồn ở các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL được duy trì ở mức cao và tổng lượng mưa trong các tháng 4 và tháng 5/2022 cao hơn TBNN từ 20 - 40%. Tuy nhiên, các tháng 6, 7, 8 theo dự báo tổng lượng mưa thấp hơn so với TBNN, cả trên thượng nguồn sông Cửu Long, do vậy lượng nước mưa không bổ sung nhiều cho nguồn nước, cần có biện pháp chủ động tích nước ngọt.
Chí Linh
Trà lúa đông xuân xanh tốt nhờ chủ động các phương án điều tiết nước.
Theo Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ NN&PTNT, tổng lượng dòng chảy trên dòng chính sông Mekong về ĐBSCL từ đầu mùa khô năm 2021 - 2022 đến nay đạt bình quân 60,1 tỷ mét khối, cao hơn 2,9 tỷ mét khối so với cùng kỳ của TBNN, cao hơn 25,6 tỷ mét khối so với mùa khô năm 2019 - 2020 và thấp hơn 1,1 tỷ mét khối so với mùa khô 2020 - 2021.
- Thăm và tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng tại huyện Phước Long
- Chiếu phim lịch sử mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân
- Hội đồng thẩm định Trung ương: Thống nhất đề nghị Thủ tướng công nhận huyện Phước Long đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024
- Hải đoàn 42: Tổng kết 10 năm thực hiện việc học tập và làm theo Bác