Nâng cao giá trị cho hạt lúa Bạc Liêu

Thứ Hai, 16/09/2024 | 15:11

Với tổng diện tích gieo trồng trên 180.500ha và tổng sản lượng hơn 1 triệu tấn lúa/năm, cây lúa đã góp phần tạo thu nhập, việc làm cho hàng ngàn nông dân trong tỉnh. Song, lại có một nghịch lý tồn tại là dù với vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế cùng với con tôm và các loại nông sản khác nhưng đến nay, hạt lúa Bạc Liêu vẫn chưa được phát huy giá trị một cách xứng tầm.

Nông dân Bạc Liêu với giống lúa  BL10.

NHIỀU GIỐNG CHẤT LƯỢNG CAO

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thời gian qua, Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về chọn tạo giống lúa mới, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo thêm giá trị cho hạt lúa. Giống lúa BL9 là một trong những kết quả thành công từ hoạt động nghiên cứu, chọn lọc của Trung tâm đã được Cục Trồng trọt công nhận lưu hành. Đây là giống lúa chất lượng cao, thơm ngon, năng suất khá, thích nghi với điều kiện canh tác 2 - 3 vụ/năm và nhất là vùng sản xuất tôm - lúa của tỉnh. Đưa vào sản xuất tại các vùng sinh thái trong tỉnh, giống lúa BL9 ít nhiễm sâu bệnh, ít đổ ngã và đặc biệt là có khả năng chịu mặn, đánh dấu cho sự phát triển của thương hiệu lúa gạo Bạc Liêu thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt, giống BL9 rất thích hợp với mô hình canh tác tôm - lúa và đây cũng là mô hình tiềm năng để phát triển sản xuất lúa hàng hóa hữu cơ trong tương lai gần, nhất là trong điều kiện Bạc Liêu đang tích cực tham gia vào Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (BĐSCL) đến năm 2030”.

Ngoài giống lúa BL9, Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu cũng đang tập trung đánh giá giống lúa BL10 gởi khảo nghiệm quốc gia để xin công bố lưu hành. Đây là giống lúa có tiềm năng phát triển rất tốt cho vùng sản xuất 2 - 3 vụ lúa, với các đặc tính cơ bản như: Thời gian sinh trưởng ngắn, có khả năng đẻ nhánh mạnh, số hạt chắc/bông khá cao, thân lá to, gọn, cứng cây, ít đổ ngã, có tiềm năng cho năng suất từ 6,5 - 7,5 tấn/ha, thích nghi rộng, dễ canh tác...

Ngoài hai giống lúa chủ lực trên, nối tiếp công tác nghiên cứu chọn tạo giống lúa mới, Trung tâm đang tiếp tục lai tạo và chọn lọc thêm 11 giống lúa mới triển vọng với tiềm năng năng suất cao trong cả 3 vụ liên tục trong năm trên cùng chân đất. Có thể thấy, Bạc Liêu đã hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh cho phát triển cây lúa và đây là những tiền đề quan trọng để nâng cao giá trị, thương hiệu của hạt lúa mang tên Bạc Liêu.

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa trên cánh đồng từ Đề án 1 triệu héc-ta lúa.

Hướng đến xanh hóa trong sản xuất

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” mở ra nhiều cơ hội cho hạt lúa, nhưng vẫn còn đó những băn khoăn cho đầu ra của hạt lúa và cả việc giải bài toán liên kết trong bao tiêu lúa có phát thải thấp.

Phải khẳng định rằng, muốn sản xuất và tiêu thụ được nông sản có phát thải thấp là chuyện không đơn giản khi phần lớn nông dân hiện nay vẫn còn duy trì tập quán canh tác cũ, nhất là lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Tại một số mô hình thí điểm đầu tiên ở khu vực ĐBSCL, doanh nghiệp sẽ bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa trong 3 vụ triển khai thí điểm, gồm hè thu, thu đông năm 2024 và đông xuân 2024 - 2025, riêng vụ hè thu đã bao tiêu với mức giá 7.050 đồng/kg. Trong đó, hợp đồng ký kết quy định khi bắt đầu thu hoạch, hai bên lấy mẫu lúa đại diện từ cánh đồng liên kết để kiểm nghiệm. Sau khi có kết quả, nếu đạt tiêu chuẩn chất lượng và có chứng nhận giảm phát thải, doanh nghiệp sẽ cộng thêm 300 đồng/kg so với giá thu mua đã chốt, tức đạt mức 7.350 đồng/kg. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra từ một số hợp tác xã tham gia thí điểm cho thấy, mẫu sản phẩm không đạt yêu cầu để bán vào những thị trường cao cấp như châu Âu (thị trường có nhu cầu cao về sản phẩm xanh) do vướng chỉ tiêu dư lượng thuốc BVTV. Tuy nhiên, nếu so với tiêu chuẩn chất lượng của thị trường trong nước cũng như các nước Đông Nam Á, thì chất lượng sản phẩm vẫn đảm bảo yêu cầu.

Giới thiệu sản phẩm gạo ngon Bạc Liêu đạt chuẩn OCOP. Ảnh: K.T

Một khó khăn khác tác động tiêu cực đến việc thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp chính là đến nay Bạc Liêu vẫn chưa có quy hoạch cho vùng chuyên sản xuất lúa sạch. Khi cánh đồng chuyên sản xuất lúa sạch nằm sát với cánh đồng chuyên canh cây lúa với phương pháp canh tác thông thường thì chỉ cần nông dân sử dụng thuốc BVTV, cánh đồng lúa sạch nằm kề coi như “lãnh đủ”. Đó là chưa nói đến chuyện phải sử dụng chung nguồn nước tưới từ các kênh nội đồng. Từ bất cập này cho thấy, sản xuất và bán lúa theo phương pháp truyền thống lâu nay rất dễ, nhưng để tiêu thụ theo chuẩn lúa giảm phát thải thì sẽ rất khó và thị trường cho hạt lúa có phát thải thấp cũng chưa được định hình khi phần lớn các thương lái hiện nay vẫn chưa định giá xứng tầm cho hạt lúa sạch.

Một vấn đề khác là gần như nông dân vẫn “tự bơi” trong việc tìm đầu ra cho hạt lúa, ngay cả mô hình có liên kết tiêu thụ cũng chỉ mới thực hiện được trên 48% diện tích gieo trồng. Lý giải nguyên nhân, ông Nông Văn Thạch - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Ba Đình (huyện Hồng Dân) cho biết: “Một bất cập trong liên kết sản xuất với doanh nghiệp chính là họ bắt buộc nông dân phải sử dụng toàn bộ sản phẩm của họ cung cấp, trong khi các sản phẩm ấy không phù hợp với điều kiện kỹ thuật và đất đai. Mặt khác, diện tích bao tiêu chưa nhiều nên không dân không muốn tham gia liên kết với doanh nghiệp”. Thực trạng này cho thấy, một số doanh nghiệp đã lợi dụng liên kết sản xuất chỉ vì mục tiêu bán hàng và thanh lý hàng tồn kho thay vì giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu lúa gạo của Bạc Liêu đến nay vẫn bằng 0 dù mỗi năm cung cấp cho thị trường xuất khẩu lượng hàng hóa khoảng 400 triệu USD, do các công ty lương thực tính vào nguồn xuất của các tập toàn. Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, sau đại dịch COVID-19 cũng như trước bối cảnh BĐKH diễn ra nhanh, thói quen người tiêu dùng cũng thay đổi, trong đó, một số quốc gia đã có chính sách chú trọng sản phẩm nông nghiệp xanh. Ngoài vấn đề an ninh lương thực quốc gia, thì vấn đề an sinh xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường khiến nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng đến các sản phẩm nông nghiệp xanh, trong đó, gạo carbon thấp của Việt Nam được nhiều nước quan tâm. Do vậy, Bạc Liêu cần có ngay các giải pháp trong việc tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng cho cây lúa và hướng đến xanh hóa sản xuất. Đây cũng là nhu cầu tất yếu cho phát triển bền vững và phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu trong việc nâng cao giá trị, thương hiệu cho hạt gạo Bạc Liêu nói riêng và quốc gia nói chung.

KIM TRUNG

Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu - Nguyễn Phương Hùng: Sẽ tập trung nghiên cứu chọn tạo nhiều giống lúa mới

Để góp phần nâng cao giá trị hạt lúa và tích cực tham gia thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” thì giống lúa chất lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy, Trung tâm sẽ tập trung thực hiện tốt hơn công tác nghiên cứu chọn tạo nhiều giống lúa mới trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu sản xuất, tăng trưởng xanh và thích ứng với BĐKH.

Theo đó, sẽ tiếp tục nghiên cứu tạo ra giống lúa có chất lượng gạo ngon, năng suất cao, ít sâu bệnh hại, thích nghi điều kiện BĐKH, thích hợp canh tác tại các vùng sinh thái trong tỉnh. Cũng như, tập trung cho việc phục tráng và duy trì ổn định chất lượng các giống lúa trọng tâm. So sánh sơ khởi các giống lúa triển vọng gửi khảo nghiệm giống quốc gia để tiến hành công bố lưu hành. Phối hợp với các huyện, thị trong tỉnh thực hiện trồng thử nghiệm, trình diễn các giống lúa mới, tổ chức hội thảo đánh giá giống, khảo nghiệm tính thích nghi, nhân rộng giống lúa đã được công nhận lưu hành.

Để thực hiện được các mục tiêu này, Trung tâm rất cần UBND tỉnh quan tâm đặt hàng, phân bổ nguồn kinh phí cho đơn vị thực hiện công tác nghiên cứu chọn tạo, khảo kiểm nghiệm và xin công bố lưu hành giống mới. Sở NN& PTNT cần hỗ trợ Trung tâm tăng cường công tác đào tạo, hợp tác, tiếp nhận các công nghệ mới trong chọn giống nông nghiệp, đặc biệt là các ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến từ các đơn vị chuyên môn trong nước để nâng cao trình độ về nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu chọn tạo giống. Các sở, ban, ngành có liên quan tích cực hỗ trợ đơn vị thực hiện các nghiên cứu, quy trình, thủ tục hành chính trong công tác chọn tạo và phát triển giống mới. Các địa phương tích cực tiếp nhận, quảng bá, nhân rộng các kết quả nghiên cứu của Trung tâm đến với nông dân sản xuất tại địa phương mình, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần phát triển cây lúa theo hướng bền vững và mang lại nhiều giá trị.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh - Lê Hữu Ân: Nông dân nên mạnh dạn ứng dụng công nghệ sinh học trong canh tác lúa

Vụ hè thu 2024, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “Ứng dụng công nghệ sinh học trong canh tác lúa và xử lý rơm rạ”. Mục tiêu của mô hình này chính là giúp nông dân ứng dụng công nghệ sinh học vào thực tế sản xuất, giảm dần lượng phân bón vô cơ và thuốc BVTV hóa học. Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV vi sinh, hữu cơ để cân bằng hệ sinh thái và ít tác động đến môi trường. Đặc biệt là tạo ra sản phẩm an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng. Hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật canh tác mới, hiệu quả, các giải pháp canh tác ứng phó với BĐKH, phù hợp với điều kiện canh tác bất lợi. Quan trọng hơn cả là góp phần làm thay đổi dần về nhận thức và tập quán sản xuất của nông dân, giúp cải tiến quy trình, kỹ năng canh tác trong thâm canh sản xuất lúa đối với cán bộ quản lý kỹ thuật. Mặt khác, với tình hình BĐKH diễn biến phức tạp như hiện nay, việc áp dụng mô hình trên đồng ruộng ngoài lợi ích kinh tế còn góp phần làm giảm sự biến đổi của môi trường.

Có thể nói, kết quả mô hình “Ứng dụng công nghệ sinh học trong canh tác lúa và xử lý rơm rạ” đã nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa và cũng là một giải pháp tốt để nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Vì vậy, nông dân nên mạnh dạn ứng dụng công nghệ sinh học trong canh tác lúa, kết hợp với những tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển giao, nhất là những quy trình mang tính bền vững, quy trình sản xuất an toàn để nâng cao giá trị sản phẩm và thuận lợi trong liên kết chuỗi sản xuất. Chính quyền địa phương cần tuyên truyền, khuyến cáo nông dân tham gia để tiếp tục nhân rộng mô hình.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.