Nâng cao giá trị cho “lúa thơm, tôm sạch”

Thứ Tư, 09/02/2022 | 15:07

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo tinh thần Nghị quyết 09 của Chính phủ, Bạc Liêu đã tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi sản xuất, trong đó có phát triển mô hình lúa - tôm. Đây được xác định là mô hình sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nông dân làm giàu từ con tôm và cây lúa.

Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch tôm nuôi trên vùng chuyển đổi lúa - tôm. Ảnh: C.L

MÔ HÌNH SẢN XUẤT “THÔNG MINH”

Vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu có diện tích tự nhiên trên 157.220ha. Trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) khoảng 70.230ha (chiếm hơn 50% diện tích NTTS toàn tỉnh). Với đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và môi trường, tiểu vùng chuyển đổi này chủ yếu bố trí sản xuất theo mô hình tôm - lúa (tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng - lúa; tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng - lúa + tôm càng xanh); phần diện tích còn lại được bố trí nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến kết hợp.

Trong thời gian qua, Bạc Liêu đã quan tâm đầu tư và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như: xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học liên quan tới mô hình; triển khai tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo khoa học cho người sản xuất... nhằm mục đích góp phần cải thiện năng suất, hiệu quả kinh tế của mô hình. Đồng thời, phát huy vai trò của các doanh nghiệp, các tổ hợp tác, hợp tác xã thông qua liên kết hợp tác, nhằm nâng cao giá trị và đảm bảo về đầu ra.

Nông dân Nguyễn Văn Dũng (ấp Tà Suôl, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) cho biết: “Từ khi áp dụng đến nay, mô hình sản xuất lúa - tôm đã và đang trở thành nguồn thu nhập chính, cũng như giúp nông dân hóa giải các thách thức do biến đổi khí hậu gây ra. Nếu như trước đây thu nhập của nông dân chỉ trông chờ vào 1 vụ lúa/năm thì nay đã có thêm thu nhập từ con tôm. Con tôm, cây lúa đã giúp nông dân làm giàu, góp phần cho miền quê thay da đổi thịt và mô hình lúa - tôm thật sự là mô hình sản xuất thông minh trong điều kiện phải ứng phó, thích nghi với hạn mặn như hiện nay”.

Những lợi ích thiết thực mang lại từ mô hình lúa - tôm đã khuyến khích nông dân không ngừng mở rộng diện tích sản xuất. Nếu năm 2001, Bạc Liêu mới bắt đầu tổ chức sản xuất tôm - lúa với diện tích khoảng 5.850ha thì đến năm 2020 đã tăng lên 39.578ha. Đến năm 2021, diện tích của mô hình này tiếp phát triển và mở rộng, đạt trên 39.400ha, chiếm khoảng 33,58% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh (tốc độ tăng diện tích bình quân/năm là 5,26%).

Có thể nói, với việc áp dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới như: Sử dụng giống lúa chịu mặn, cải tiến thời vụ, sử dụng phân bón, thuốc vi sinh, sinh học trong canh tác lúa phục vụ cho vùng tôm - lúa, nhất là vùng mở rộng diện tích từ nuôi tôm kém hiệu quả sang luân canh 1 vụ tôm - 1 vụ lúa, mô hình đã cho hiệu quả cao và ít sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất. Ngoài ra, mô hình tôm - lúa cần tạo ra hệ sinh thái, môi trường an toàn, ổn định có lợi cho nuôi tôm và trồng lúa bền vững, cho ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và xuất khẩu. Hiện tổng thu nhập của mô hình đạt trên 90 triệu đồng/ha và cho lợi nhuận bình quân từ 40 - 60 triệu đồng/ha/năm.

Nông dân huyện Hồng Dân trúng vụ tôm càng xanh.

NHIỀU KHÓ KHĂN CẦN ĐƯỢC THÁO GỠ

Mô hình sản xuất lúa - tôm tuy có nhiều ưu điểm, nhưng thế mạnh này vẫn chưa phát huy hết giá trị và lợi thế, do còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm chưa được đầu tư đúng mức và không đồng bộ. Hàng loạt các yếu tố về môi sinh, môi trường nước có dấu hiệu ô nhiễm nặng, phần lớn nông dân được sử dụng hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ trồng lúa trước đây hoặc tự đào, xẻ kênh mương không theo quy trình thiết kế kỹ thuật, dẫn đến không đảm bảo yêu cầu cấp thoát nước cho vuông nuôi tôm.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh, thiết kế hệ thống canh tác tôm - lúa của hộ dân chưa phù hợp cho nuôi tôm vào mùa khô và trồng lúa vào mùa mưa, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay. Người dân chưa quan tâm đúng mức đến thiết kế hệ thống công trình canh tác, hệ thống mương bao bị thẩm lậu cao, làm mực nước trên trảng thấp. Việc cải tạo, rửa mặn phèn để canh tác lúa vào mùa mưa chưa đảm bảo yêu cầu, nhất là lượng mưa ít, nguồn nước ngọt trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp thấp. Đặc biệt là hệ thống công trình nuôi chưa đảm bảo (cho cả sản xuất tôm vào mùa khô và lúa vào mùa mưa), hệ thống bờ bao ao/ruộng nuôi xây dựng chưa đạt yêu cầu về kỹ thuật (không giữ được nước do thẩm lậu hoặc ngập tràn khi có mưa), mương bao hẹp (2 - 3m). Do đó, khi ngừng điều tiết nước hoặc khi mực nước ngoài kênh xuống thấp thì ao/ruộng nuôi bị mất nước rất nhanh…

Song song đó, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng tôm chưa chặt chẽ, còn nhiều hạn chế. Nông dân thả tôm nhiều lần trong vụ, không cách ly được với mầm bệnh (trung bình 4,1 lần/vụ), có hộ thả bổ sung hàng tháng, tổng mật độ thả lần đầu và bổ sung (không tính thu tỉa) dày với 16,3 con/m2 và đa phần các hộ mua giống về thả thẳng, không qua ao ương, ao vèo. Trong khi đó, tôm giống là yếu tố đầu tiên quyết định hiệu quả vụ nuôi. Bởi thực trạng hiện nay là người nuôi vẫn chưa quan tâm đến chất lượng con giống, mặc dù đã được ngành chức năng luôn khuyến cáo nhưng thực tế hàng năm một lượng lớn tôm giống không rõ nguồn gốc, chất lượng vẫn được đưa vào thị trường tiêu thụ…

Tất cả những khó khăn và thách thức này cần được ngành quản lý quan tâm giải quyết thông qua các giải pháp, định hướng chiến lược để mô hình sản xuất lúa - tôm tạo nên những “cú hích” mới, không ngừng tăng năng suất, giá trị và trở thành 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia với thương hiệu cạnh tranh là “lúa thơm - tôm sạch”.

KIM TRUNG

Để khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh từ mô hình sản xuất lúa - tôm, Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm - lúa vùng phía Bắc Quốc lộ 1A đến năm 2025.

Mục tiêu chung cho kế hoạch này là xây dựng, hình thành và lan tỏa mô hình sản xuất tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm - lúa, sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và lợi ích kinh tế, góp phần phát triển ngành tôm Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm, lúa Bạc Liêu, xứng đáng là 2 sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, diện tích tôm - lúa đạt 41.000ha, năng suất 0,5 tấn/ha/năm, đạt sản lượng 20.500 tấn; đối với lúa, năng suất đạt 4,64 tấn/ha, sản lượng phấn đấu 190.240 tấn. Đồng thời, đưa kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn vùng phía Bắc Quốc lộ 1A đạt 400 triệu USD vào năm 2020 và đạt 500 triệu USD vào năm 2025 (chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh).

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề Bạc Liêu ký kết với Liên minh HTX tỉnh, Trung tâm Khuyến nông, Hội Nghề cá xây dựng chuỗi giá trị tôm - lúa cho tỉnh Bạc Liêu vào đầu năm 2021. Ảnh: L.D

Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Chung tay giải quyết những nút thắt và điểm nghẽn để sản xuất bền vững

Nhằm giúp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất “thuận thiên”, tháng 11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 và đây là nghị quyết hết sức quan trọng đối với vùng đất giàu tiềm năng nhưng còn không ít khó khăn này.

Từ khi Nghị quyết 120 ra đời đến nay đã hơn 4 năm, thời gian tuy chưa dài nhưng đã thật sự tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách; Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, nguồn lực, quy hoạch kết nối liên vùng; Đảng bộ, chính quyền các tỉnh vùng ĐBSCL nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn thách thức; các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển đã tích cực tham gia và hỗ trợ hiệu quả; nhất là đại đa số người dân đã đồng tình, ủng hộ và chủ động tham gia, mang lại hiệu ứng rất tốt.

Có thể nói, Nghị quyết đã mang lại luồng sinh khí mới, tạo sự quan tâm sâu rộng cũng như tạo nên tiếng nói chung cho sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.

Hội thảo “Phát triển mô hình lúa thơm - tôm sạch” được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp khó lường, đây là một diễn đàn hay và rất bổ ích, tạo điều kiện cho nông dân được trao đổi, thảo luận cùng các diễn giả, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã… Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đánh giá đúng những hạn chế, tồn tại của mô hình trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đối với vùng ĐBSCL nói chung và Bạc Liêu nói riêng. Đồng thời, cùng chung tay giải quyết, đề ra giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế của mô hình này, nhằm tháo gỡ những nút thắt hay điểm nghẽn trong quản lý, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; phổ biến cách làm hay, triển khai nhân rộng những mô hình sản xuất có hiệu quả. Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như: xây dựng mô hình trình diễn, các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học liên quan tới mô hình tôm - lúa, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo hướng dẫn người sản xuất... với mục đích là góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường của mô hình này và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Giai đoạn 2012 - 2021, năng suất tôm trong mô hình tôm - lúa trung bình đạt 291kg/ha (thấp nhất 230kg/ha và cao nhất 350kg). Riêng trong năm 2021, đã triển khai diện tích sản xuất lúa trên đất tôm - lúa 11.800ha (hỗ trợ nông dân từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa), năng suất lúa bình quân ước đạt 6,09 tấn/ha, được nhiều công ty, doanh nghiệp bao tiêu với giá thu mua trung bình 8.000 đồng/kg, chi phí vụ lúa từ 18 - 20 triệu đồng, lợi nhuận thu được từ 28 - 30 triệu đồng/ha.

Với việc áp dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới, mô hình tôm - lúa đã tạo ra hệ sinh thái, môi trường an toàn, ổn định có lợi cho nuôi tôm và trồng lúa bền vững, cho ra sản phẩm an toàn đáp ứng cho người tiêu dùng và xuất khẩu hiện nay. Như vậy, có thể nói mô hình sản xuất tôm - lúa được xác định là mô hình sản xuất bền vững, hiệu quả, là mô hình "thông minh" tạo ra các sản phẩm sạch, phù hợp với Quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), giúp nông dân áp dụng các biện pháp canh tác, phòng chống dịch hại tổng hợp, ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Từ đó nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa, khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.