Nâng cao vai trò, vị thế của kinh tế tập thể

Thứ Hai, 28/03/2022 | 18:16

Kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và thực hiện liên kết chuỗi sản xuất hàng hóa. Do đó, để tạo động lực cho KTTT phát triển trong giai đoạn mới thì những rào cản, thách thức cần sớm được tháo gỡ.

Lãnh đạo huyện Hòa Bình kiểm tra tình hình sản xuất lúa của HTX Vĩnh Cường.

NHẬN DIỆN NHỮNG KHÓ KHĂN

Thực tế những năm qua cho thấy, lĩnh vực KTTT trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển đáng kể cả về chất và lượng, khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, đồng thời khẳng định những tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai. Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình HTX kém hiệu quả sang mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khu vực KTTT với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển của tỉnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, khu vực KTTT vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế, chưa thật sự trở thành trụ đỡ của nền kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà. Việc tuyên truyền thực hiện Luật HTX năm 2012 từ HTX đến các thành viên, hộ kinh doanh còn gặp khó khăn. Hiện nay, vẫn còn nhiều HTX yếu kém hoặc duy trì hoạt động ở mức trung bình, mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp một số dịch vụ thiết yếu cho thành viên, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, điều hành của các HTX còn hạn chế; phát triển HTX được gắn với tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới, do yêu cầu đạt các tiêu chí để về đích nông thôn mới. Ông Trần Văn Ngỗ - Giám đốc HTX Thanh Sơn (huyện Hòa Bình), chia sẻ: “Cái khó nhất hiện nay của các HTX hay tổ hợp tác (THT) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ về vốn mà còn cả vấn đề tìm đầu ra và đầu vào cho các xã viên. Nếu giải quyết được 2 vấn đề này, thì không chỉ giúp xã viên giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cuối vụ, có đầu ra ổn định mà còn là động lực để người dân thêm tin tưởng và chịu ngồi lại cùng nhau bàn cách làm kinh tế”.

Việc tháo gỡ các khó khăn nội tại hiện có của HTX là điều cần thiết để đưa sản xuất của ngành Nông nghiệp ngày càng có hiệu quả, gia tăng và ổn định thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như tác động của dịch COVID-19 đang đòi hỏi các HTX cần có nhiều thay đổi để thích ứng, phù hợp với tình hình, bắt nhịp với thời cuộc.

Xã viên HTX 8/3 (huyện Phước Long) thu hoạch rau màu. Ảnh: C.L

CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Theo chia sẻ của các HTX dịch vụ nông nghiệp, trong những lúc khó khăn thì vai trò của chính quyền địa phương trong việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho HTX là rất quan trọng. Nhằm giúp các HTX từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm, các ngành chuyên môn nên có kế hoạch lập bản đồ nông hóa thổ nhưỡng để hướng đến việc xây dựng quy trình sản xuất sạch, giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm và cũng để các HTX biết được vùng đất mình đang quản lý thích hợp với những loại cây trồng, vật nuôi gì để có phương án sản xuất phù hợp. Song song đó, các hội, đoàn thể cần lấy HTX làm trung tâm để triển khai các phong trào hoạt động, từ đó nâng cao vai trò và vị thế của HTX trong cộng đồng. Trong quá trình hoạt động, các HTX nên xem các xã viên là khách hàng và phải phục vụ khách hàng một cách tận tình, chu đáo. Bởi, thực tế đã chứng minh, chính các xã viên mới là người trực tiếp sử dụng các dịch vụ của HTX và là người chi trả các khoản chi phí trong chuỗi các hoạt động của HTX.

Mặt khác, việc chuyển đổi số hóa, dùng ứng dụng trên điện thoại hay kinh doanh trực tuyến là điều rất cần thiết để thích ứng với tình hình mới. Thực tế có rất nhiều HTX trong thời gian qua đã cố gắng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng nông nghiệp thông minh… để vượt qua những tác động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và giúp ổn định, tăng doanh thu cho HTX. Bên cạnh đó, nhờ việc phát triển đồng bộ các giải pháp gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, ứng dụng các hệ thống giám sát minh bạch đến các sàn thương mại điện tử, bước đầu đã giúp nông dân của HTX mở rộng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao tương tác giữa người nông dân với người tiêu dùng.

Ông Trương Thanh Tuyền - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Quyết Tiến (huyện Phước Long), cho biết: “Trong đợt dịch bùng phát năm trước, nhờ sử dụng các trang mạng, trang thương mại điện tử mà HTX đã giải quyết được vấn đề đầu ra cho trái bắp nếp của các xã viên. Tôi nhận thấy đây là một hướng đi mới, phù hợp với xu thế hiện nay nên đang tiếp tục khuyến khích các xã viên áp dụng và bản thân HTX cũng có phương án triển khai cụ thể hoạt động này”.

Nhấn mạnh đến vai trò của việc áp dụng công nghệ truy xuất thông minh trong hoạt động của HTX, Tiến sĩ Trần Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp - phát triển nông thôn II (Bộ NN&PTNT) cho rằng, việc áp dụng này có vai trò rất quan trọng trong việc giúp minh bạch hóa quy trình sản xuất, cung cấp thông tin sản phẩm cho thị trường một cách chính xác nhất, đồng thời đảm bảo yêu cầu về đầu ra cho doanh nghiệp. Cũng theo Tiến sĩ Minh Hải, trong bối cảnh mới của kinh tế - xã hội cũng như thị trường trong nước và thế giới, các HTX cần phải chủ động thích ứng bằng nhiều giải pháp. Thứ nhất là cần đầu tư cho nguồn nhân lực; thứ hai, nâng cao tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, tích hợp đa giá trị, thực hiện kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Đổi mới tư duy trong kinh doanh, liên kết và cần tiếp tục mở rộng quy mô của HTX thông qua nhiều giải pháp khác nhau, từ tăng thành viên đến việc kết hợp với các HTX khác trong cùng lĩnh vực để mở rộng kinh doanh và hợp tác trong các hệ sinh thái. Trong quá trình chuyển đổi, phát triển, các HTX cũng cần thay đổi tư duy trong liên kết với các doanh nghiệp đầu ra; phải tăng tính cam kết, chia sẻ giữa HTX và các doanh nghiệp đầu vào, đầu ra. Đặc biệt, rất cần những hợp tác cụ thể, không chỉ là câu chuyện bán hàng mà còn là sự hỗ trợ, tương tác của hai bên trong việc xử lý vốn, xử lý công nghệ,…

CHÍ LINH

--------------------------------------

Phát biểu ý kiến tại hội nghị “Chia sẻ kinh nghiệm chỉ đạo, quản lý và hỗ trợ phát triển KTTT giai đoạn 2022 - 2025, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Lê Thị Ái Nam chỉ đạo: Để lĩnh vực KTTT và HTX trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới hoạt động đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả, bản thân các HTX, THT phải chủ động đổi mới phương thức hoạt động đúng theo tinh thần Luật HTX năm 2012; quan tâm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là năng lực xây dựng kế hoạch, quản lý tài chính, quản trị, điều hành, tổ chức sản xuất của lãnh đạo HTX; HTX phải lấy lợi ích của xã viên làm trung tâm. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa lợi ích của HTX với các xã viên; quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm và từng bước phải xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm trên thị trường. Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX, THT tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để mua sắm máy móc, trang thiết bị và cần phát huy hiệu quả các sản phẩm OCOP…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.