Nâng tầm tư duy “thuận thiên” để nông nghiệp phát triển bền vững

Thứ Hai, 16/05/2022 | 16:40

Suốt hàng thế kỷ, trong hành trình xuôi về phương Nam, sông Mê-kông - một trong những con sông hùng vĩ - luôn cần mẫn chuyên chở phù sa về bồi lắng, định hình và tạo nên một Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) rộng lớn, trù phú. Từ vùng đất hoang hóa, sình lầy nhưng bằng ý chí và nghị lực, bản lĩnh của những người “mang gươm đi mở cõi” đã biến nơi đây trở thành vựa lúa, vựa trái cây, vựa tôm, cá lớn nhất nước. Tuy vậy, những năm gần đây, tình trạng cực đoan của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động không nhỏ đến sinh kế của hàng triệu người dân, buộc đồng bằng châu thổ Cửu Long phải chủ động “thuận thiên” để vững vàng trên đường phát triển.

Bài 3: Linh hoạt, thông minh để sống chung với biến đổi khí hậu

>> Bài 1: Bài học từ những mùa hạn, mặn

>> Bài 2: Giải bài toán mặn - ngọt

Là vùng đất giàu tiềm năng nhưng cũng chịu nhiều tổn thương nhất, ĐBSCL được Đảng và Nhà nước dành nhiều nguồn lực đầu tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà chủ đạo là canh tác lúa. Dẫu vậy, người nông dân đất Chín Rồng vẫn chưa thể đổi đời trên mảnh đất của mình. Là vùng trũng của khu vực về hạ tầng, hơn bao giờ hết Bạc Liêu nhất thiết phải nâng tầm tư duy về nền nông nghiệp thời đại 4.0 để sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà phát triển “thuận thiên” trong điều kiện khắc nghiệt.

Nông dân xã Phong Tân (TX. Giá Rai) trồng giống lúa Đài thơm 8 với tính năng chịu mặn trong vụ đông xuân 2022.

CẦN LOẠI BỎ TƯ DUY SẢN XUẤT CŨ

Khi nền kinh tế của các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL liên tiếp gánh chịu tác động tiêu cực do dịch bệnh COVID-19 thì lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là “trụ đỡ” cho nền kinh tế. Tuy nhiên, có một nghịch lý đã và đang tồn tại lâu nay là nông dân đồng bằng khó làm giàu với con tôm, cây lúa. Điều này xuất phát từ tư duy, phương pháp sản xuất truyền thống đã không còn phù hợp thời, nhất là trong bối cảnh nông nghiệp liên tục chịu tác động nặng nề bởi BĐKH.

Khi người nông dân còn có tâm lý lấy “lượng” bù cho “chất” - nghĩa là khi bắt tay vào sản xuất đều hy vọng đạt năng suất nhiều nhất để thu được lợi nhuận cao nhất thì chính họ đã thua ngay từ khi bắt đầu vào vụ. Bởi điều cốt lõi làm nên giá trị thật sự của nông sản chính là chất lượng và thị trường thế giới thì đang chuyển hướng mạnh mẽ trong việc sử dụng hàng hóa chất lượng cao.

Dù được ngành chức năng khuyến cáo, song nông dân tại một vài địa phương trong tỉnh vẫn còn tiến hành sản xuất 3 vụ lúa/năm. Đồng ruộng gần như bị vắt kiệt sức, đất không được nghỉ ngơi để tái tạo dưỡng chất cho cây lúa đã dẫn đến những vụ mùa kém hiệu quả, năng suất  thấp. Hơn nữa, sự uy hiếp của thời tiết bất lợi (mưa trái mùa, giông lốc), dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn khiến sản xuất nông nghiệp ngày nay vốn khó khăn lại chồng chất khó khăn.

Bên cạnh đó, tư duy sản xuất theo phong trào đã ăn sâu vào nhận thức của một bộ phận nông dân Bạc Liêu. Rõ nhất là những năm gần đây, khi heo tăng giá thì nhà nhà liền đổ tiền làm chuồng và tìm mua con giống về nuôi; khi cây tràm có giá, nhiều nông dân của huyện Hồng Dân, Phước Long liền đồng loạt phá vườn trồng tràm... Không chỉ vậy, nông dân Bạc Liêu với thói quen canh tác cây trồng, vật nuôi quen thuộc, tập trung quá nhiều cho con tôm, cây lúa dẫn đến sự mất cân bằng về sản lượng nông sản, cũng như chưa tạo ra những mô hình mới, thích ứng với BĐKH nhưng có giá trị kinh tế cao và bền vững hơn tôm - lúa.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Minh Hoan phân tích: “Lâu nay, không ít nông dân có thói quen “bám theo đuôi thị trường” - thấy cây, con gì được giá thì đua nhau trồng, nuôi dẫn đến dư thừa, giá rớt. Đó là một thực tế nhưng chúng ta không thể đổ lỗi hết cho nông dân. Khát vọng làm giàu luôn cháy bỏng trong mỗi gia đình làm nghề nông. Nông sản rớt giá, nông dân thua thiệt, chúng ta cần nhìn lại cách quản trị, điều hành kinh tế từ cấp nhà nước đến địa phương. Câu hỏi đặt ra trong bối cảnh hiện nay: hàng nông sản khó tìm đầu ra hay chúng ta chưa định hình rõ nét nền sản xuất nông nghiệp đáp ứng đúng theo nhu cầu thị trường?”.

Cán bộ ngành Nông nghiệp tỉnh kiểm tra độ mặn tại cống thủy lợi để khuyến cáo nông dân sản xuất thích ứng với BĐKH. Ảnh: C.L - H.T

“THUẬN THIÊN” CÓ CHỦ ĐỘNG, TÍNH TOÁN

Trải qua nhiều thập kỷ thực hiện sứ mệnh vẻ vang đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, giờ là lúc đất Chín Rồng tiếp tục vì cả nước, cùng cả nước tạo bước phát triển vượt bậc, bền vững và phồn vinh bằng cách nâng tầm tư duy sản xuất nông nghiệp, với sự dẫn lối của Nghị quyết 120 của Chính phủ về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH”.

Cũng như các địa phương trong vùng, Bạc Liêu xác định Nghị quyết 120 là Nghị quyết “vàng”, là nguồn cảm hứng và kim chỉ nam để phát huy tính sáng tạo, chủ động thích ứng một cách có hiệu quả nhất. Trong bối cảnh và thách thức mới do BĐKH, nước biển dâng, hạn, mặn diễn ra bất thường, yêu cầu cấp bách của ĐBSCL nói chung và Bạc Liêu nói riêng là chuyển tư duy chống đỡ sang chung sống hài hòa với BĐKH. Bên cạnh những giải pháp công trình vốn rất cần và đang được thực hiện với quy mô lớn thì các giải pháp phi công trình cũng không thể thiếu.

Có thể xem thực tiễn 2 trận hạn, mặn lịch sử năm 2016 - 2020 là “liều thuốc thử” để củng cố tư duy sản xuất nông nghiệp và năng lực dự báo BĐKH. Lấy con người làm trung tâm trong “thuận thiên”, trước hết phải bắt đầu thay đổi từ tư duy của người nông dân. Sản xuất lúa và con tôm vẫn là nông sản chủ lực, nhất là con tôm để hiện thực hóa khát vọng trở thành thủ phủ tôm mà Chính phủ đã kỳ vọng, nhưng song song đó cần thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng tốt với BĐKH. Điều này rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành quản lý trong việc nghiên cứu, thử nghiệm để tìm ra những mô hình mới, hiệu quả và có thể sống chung với hạn mặn. Thực tế cho thấy, những vụ mùa gần đây, nông dân tại một số tiểu vùng trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ bỏ các giống lúa truyền thống để chuyển sang trồng các giống có sức đề kháng cao với hạn, mặn. Đó là những tín hiệu vui trong bước chuyển về tư duy sản xuất của nhà nông. Bên cạnh đó, trong công tác dự báo, ngoài trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đội ngũ cán bộ làm công tác này cũng cần được đầu tư ngang tầm để tăng cường năng lực dự báo và chủ động ứng phó trước một bước.

Để ĐBSCL hiện thực hóa triết lý “chung sống với lũ, vượt lên đỉnh lũ” và tiếp tục tạo ra nhiều kỳ tích mới về lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái…, trong điều kiện khắc nghiệt, sản xuất nông nghiệp của khu vực nói chung và Bạc Liêu nói riêng không chống lại quy luật tự nhiên nhưng cũng không phó mặc cho tự nhiên, không thể mãi bị BĐKH chi phối và tìm cách khắc phục. Muốn gặt những mùa quả ngọt, ngành Nông nghiệp tỉnh nhà phải “thuận thiên” có chủ động, tính toán.

CHÍ LINH - HỮU THỌ

TS. Trần Hữu Hiệp - chuyên gia kinh tế về ĐBSCL: Áp dụng “3 chuyển dịch” trong sản xuất nông nghiệp

Để “thuận thiên” trong bối cảnh mới, sản xuất nông nghiệp cần áp dụng “3 chuyển dịch” là: dịch chuyển lịch thời vụ để “né hạn, mặn”; sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn, mặn; mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa kèm theo các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản để đảm bảo sự chuyển đổi thành công, tránh duy ý chí và hành chính hóa sản xuất.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.