Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Nâng tầm tư duy “thuận thiên” để nông nghiệp phát triển bền vững
Suốt hàng thế kỷ, trong hành trình xuôi về phương Nam, sông Mê-kông - một trong những con sông hùng vĩ - luôn cần mẫn chuyên chở phù sa về bồi lắng, định hình và tạo nên một Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) rộng lớn, trù phú. Từ vùng đất hoang hóa, sình lầy nhưng bằng ý chí và nghị lực, bản lĩnh của những người “mang gươm đi mở cõi” đã biến nơi đây trở thành vựa lúa, vựa trái cây, vựa tôm, cá lớn nhất nước. Tuy vậy, những năm gần đây, tình trạng cực đoan của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động không nhỏ đến sinh kế của hàng triệu người dân, buộc đồng bằng châu thổ Cửu Long phải chủ động “thuận thiên” để vững vàng trên đường phát triển.
Bài cuối: Liên kết vùng để biến nguy thành cơ
>> Bài 1: Bài học từ những mùa hạn, mặn
>> Bài 2: Giải bài toán mặn - ngọt
>> Bài 3: Linh hoạt, thông minh để sống chung với biến đổi khí hậu
BĐKH được dự báo sẽ diễn tiến ngày càng khó lường cộng với sự dịch chuyển của nền kinh tế thị trường từ sau đại dịch COVID-19, hướng phát triển thông minh của nông nghiệp vùng nói chung, Bạc Liêu nói riêng là phải đổi mới cách thức tổ chức theo hướng sản xuất hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao để tạo ra giá trị gia tăng lớn, đưa nông sản vươn ra “biển lớn”… Muốn vậy, giải pháp liên kết cần được các địa phương trong vùng nhìn nhận là vấn đề sống còn nếu muốn biến nguy thành cơ.
Đoàn công tác Bộ NN&PTNT và lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình luân canh tôm - lúa ở huyện Hồng Dân. Ảnh: C.L
PHÁ BỎ “RÀO CẢN” TRONG LIÊN KẾT
Nhìn tổng thể, các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL tuy có tiềm lực kinh tế và sở hữu những ngành, lĩnh vực thế mạnh khác nhau, nhưng khi đứng trước sự uy hiếp của BĐKH thì đều chịu tác động tiêu cực như nhau. Những vấn đề nội tại của sản xuất nông nghiệp, nhất là sau những tổn hại nặng nề do BĐKH gây ra càng khẳng định lợi ích cùng sự cấp thiết của việc liên kết vùng.
Chính vì vậy, muốn đưa nông nghiệp vùng nói chung, Bạc Liêu nói riêng phát triển bền vững theo nguyên tắc “thuận thiên” thì không còn cách nào khác là phải mở rộng không gian liên kết, phát triển. Trước hết, cần hiểu liên kết không phải là phép tính cộng về dân số, về diện tích, về nguồn lực hữu hình của 13 tỉnh, thành phố mà đó là độ mở, sự kết nối về tư duy, các nguồn lực vô hình, hữu hình của mỗi địa phương để kiếm tìm động lực mới, khởi tạo không gian phát triển mới. Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt, nhưng tư duy không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt.
Cùng nhau nhìn và hành động vì lợi ích chung của kinh tế toàn vùng, hơn lúc nào hết, các tỉnh, thành và kể cả Bạc Liêu cần sẵn sàng ngồi lại để tính bài toán liên kết chặt chẽ, hiệu quả đã qua để phá bỏ những “rào cản” vô hình như: quy hoạch địa phương, tư duy tự ứng phó với BĐKH… thì việc liên kết mới thật sự là đòn bẩy cho nền nông nghiệp đồng bằng, trong đó có Bạc Liêu cất cánh.
Những năm gần đây, Bạc Liêu đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, chú trọng yếu tố “thuận thiên” ở tất cả các tiểu vùng trong nội tỉnh nhằm mở ra cơ hội hợp tác cùng các địa phương trong vùng. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh đã triển khai những dự án quy mô có tính liên tỉnh như: Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Quốc Tế Gia - những doanh nghiệp đầu đàn về chế biến, xuất khẩu gạo đã giúp đánh thức tiềm năng lúa, gạo cho Bạc Liêu và nhiều địa phương. Tại Hội thảo phát triển mô hình lúa thơm - tôm sạch vùng Mê-kông, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều nhấn mạnh: “Hơn 4 năm từ khi có Nghị quyết 120 của Chính phủ về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH” đến nay, thời gian tuy chưa dài nhưng đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách; xây dựng, triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chuyên ngành phù hợp với điều kiện cụ thể, quy luật tự nhiên “thuận thiên”. Có thể nói, Nghị quyết đã mang lại luồng sinh khí mới, tạo nên tiếng nói chung cho sự phát triển bền vững của vùng, đây là cơ sở để chúng ta tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế biến nguy thành cơ”.
Lãnh đạo các địa phương ký kết ghi nhớ liên kết bao tiêu sản phẩm cho mô hình lúa thơm - tôm sạch vùng ĐBSCL. Ảnh: H.T
ĐI CÙNG NHAU ĐỂ ĐI XA
Vẫn chưa muộn để bắt tay liên kết, các địa phương nếu muốn đi xa chỉ còn cách đi cùng nhau. Một trong những hành động cần được liên kết thông suốt, liên tục là hỗ trợ thông tin dự báo về BĐKH, thiên tai để mỗi địa phương nâng cao sự cảnh giác và chủ động ứng phó trước một bước. Đã qua, vấn đề này chưa được kịp thời chia sẻ cho nhau, mà hậu quả nặng nề của 2 đợt hạn, mặn năm 2016 và 2020 là một bài học lớn.
Bên cạnh việc chia sẻ thông tin, cũng đã đến lúc các địa phương trong vùng cùng nhau tổ chức kênh hợp tác, liên lạc thường xuyên về các mặt hàng có thế mạnh của mình nhằm hình thành các chuỗi cung ứng - tiêu thụ hàng hóa, nông sản chứ không thể mạnh ai nấy làm, sản xuất manh mún như lâu nay. Cùng với đó là trao đổi, hợp tác trong triển khai thực hiện quy hoạch ĐBSCL, nhất là về phát triển hạ tầng, thương mại, logistics; trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch từ nông nghiệp, từ các mặt hàng nông sản địa phương, sản phẩm OCOP.
Đặc thù nông nghiệp của các địa phương trong vùng khá tương đồng nhưng cũng sở hữu những thế mạnh riêng. Do đó, các bên liên kết phải biết nghĩ đến cái chung bằng cách phát huy những thế mạnh riêng đó để hỗ trợ tạo ra sức mạnh mới trong các mô hình tổ chức sản xuất với quy mô lớn hơn, cho phép khai thác, tận dụng tốt những tiềm năng, thế mạnh của nhau. Có như vậy mới cùng mang lại hiệu quả sản xuất - kinh doanh cao hơn so với cách làm ăn riêng lẻ.
Đã có những tín hiệu đáng để kỳ vọng, những hành động quyết tâm trong thắt chặt liên kết vùng. Mới đây, Bạc Liêu cùng với 6 tỉnh, thành Nam sông Hậu đã cùng ngồi lại tìm hướng thống nhất về giao thông đi lại, liên kết tháo gỡ khó khăn, phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Riêng về nông nghiệp, lãnh đạo các địa phương đã nhất trí tăng cường hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối; phối hợp triển khai kế hoạch đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần tham gia các hoạt động thu hoạch, thu mua nông sản…
Cùng với tư duy “thuận thiên”, nhưng Bạc Liêu hay các địa phương trong vùng không thể tự một mình bước đi vững chắc trước những thách thức mang tính toàn vùng, liên vùng. Chỉ có sát vai cùng nhau mới là chìa khóa để vùng đất Chín Rồng, trong đó có Bạc Liêu hiện thực hóa khát vọng làm giàu từ nông nghiệp, phát triển nông nghiệp trở thành trụ đỡ lớn của nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Minh Hoan đánh giá: “Những nông sản của nông dân ĐBSCL sản xuất ra mới chỉ là “sản phẩm” trên đồng, trong vườn, dưới ao, chứ chưa tạo ra giá trị. Chỉ khi sản phẩm đến được thị trường một cách thông suốt, nhờ đáp ứng những chuẩn mực của thị trường với mức giá cạnh tranh, chi phí sản xuất tối ưu thì nông dân mới trở nên khá giả. Muốn có điều này cần sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Tính liên kết, hợp tác vừa tạo ra giá trị chung, vừa khơi gợi, thúc đẩy sự năng động, sáng tạo của từng địa phương, dần mở rộng không gian vượt ra địa giới vùng”.
HỮU THỌ - CHÍ LINH
- Hải đoàn 42: Tổng kết 10 năm thực hiện việc học tập và làm theo Bác
- Hơn 90 cán bộ Đoàn, Hội được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ năm 2025
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Đông Hải
- Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao ban công tác quý 1/2025
- Mở 3 lớp tập huấn cho cán bộ Hội Cựu chiến binh toàn tỉnh