Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Ngành Nông nghiệp Bạc Liêu với mục tiêu duy trì đà tăng trưởng
Tiếp nối thành công từ nỗ lực vượt khó trong năm 2022, bước sang năm 2023, ngoài việc duy trì đà tăng trưởng, ngành Nông nghiệp Bạc Liêu sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu, xây dựng chuỗi sản xuất, đặc biệt là các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Điều này đang mở ra thời kỳ mới cho ngành Nông nghiệp khi tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Mô hình tôm - lúa của nông dân huyện Hồng Dân.
PHÁT TRIỂN CÁC MÔ HÌNH CHỦ LỰC
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là chủ trương lớn của tỉnh, nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững. Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã thành công trong việc kêu gọi một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từ đó đổi mới tổ chức sản xuất và thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị; cải tạo quỹ đất nông nghiệp có giá trị kinh tế thấp, góp phần giải quyết việc làm, tạo nên diện mạo mới cho khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Một trong những mô hình kinh tế đã và đang khẳng định được “thương hiệu” trên đồng đất Bạc Liêu từ nhiều năm qua chính là mô hình luân canh tôm - lúa. Để mô hình này phát triển bền vững và hướng đến xây dựng thành công thương hiệu “lúa thơm - tôm sạch”, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật áp dụng vào canh tác cho người nông dân. Đồng thời, tìm kiếm đối tác, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra,… từ đó tạo sự chuyển biến rõ nét trong vùng luân canh, dần hình thành thói quen “làm chung, hưởng chung”, cộng đồng trách nhiệm trong người dân. Ông Trương Văn Út (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Nếu cứ mãi làm theo phương thức cũ với kiểu “làm nhiêu, ăn nhiêu” thì người nông dân khó có thể tự mình vươn lên. Do đó, việc được hỗ trợ liên kết, kéo giảm giá thành các mặt hàng đầu vào, ổn định đầu ra sẽ là “chìa khóa” giúp nông dân mở ra cánh cửa hội nhập và phát triển bền vững”.
Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đặt ra trong năm 2023, hiện ngành Nông nghiệp đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng - vật nuôi nhằm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm của ngành, lĩnh vực ở các địa phương, qua đó xây dựng giải pháp chỉ đạo cụ thể, hiệu quả. Cùng với các loại cây trồng thì thủy sản cũng đang là thế mạnh của ngành Nông nghiệp Bạc Liêu. Theo thống kê năm 2022, sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh là 343.410 tấn, đạt 102,33% kế hoạch, tăng 21,04% so với cùng kỳ. Hiện các địa phương có thế mạnh trong lĩnh vực này như: TP. Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải… đang khuyến khích phương thức thả nuôi công nghiệp, áp dụng khoa học - công nghệ và quy trình thực hành nuôi tốt (GAP), tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng; mở rộng áp dụng hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời triển khai mạnh kế hoạch phát triển nuôi tôm nhằm xây dựng Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành tôm của cả nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nông dân huyện Đông Hải thu hoạch tôm nuôi công nghiệp. Ảnh: C.L
ĐỔI MỚI TƯ DUY
Xu hướng chung hiện nay, để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đạt hiệu quả, việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến là nhu cầu tất yếu. Theo đánh giá, dư địa phát triển ngành Nông nghiệp của tỉnh còn rất lớn, tuy nhiên tình trạng sản xuất thô, manh mún, nghèo nàn trong chế biến đang làm giảm giá trị của nhiều ngành hàng nông sản. Trong khi đó, nếu được áp dụng công nghệ cao, năng suất cây trồng, vật nuôi có thể tăng gấp 3 - 4 lần.
Với mục tiêu xây dựng sản phẩm chất lượng, có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, nâng mức thu nhập cho người dân và tạo chuyển biến trong nông nghiệp - nông dân - nông thôn, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, đề án, kế hoạch, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, trồng trọt để chỉ đạo, triển khai thực hiện. Theo đó, ngành Nông nghiệp xác định mục tiêu cốt lõi là chuyển đổi tư duy và phương pháp sản xuất, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho nông dân. Nhờ đó, nông dân ngày càng có tư duy tiến bộ, mạnh dạn ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, biết liên kết giữa các hộ, nhóm hộ để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu và phù hợp với thị trường… Đặc biệt là các mô hình kinh tế tập thể, nông hộ tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương. Đơn cử như trên địa bàn huyện Phước Long, ngoài phát triển mô hình tôm - lúa ở vùng chuyển đổi, hiện nay huyện cũng đang khuyến khích và tạo điều kiện để nông dân phát triển mô hình đưa màu xuống ruộng, xây dựng vùng chuyên canh và hướng đến xây dựng thương hiệu, công nhận sản phẩm OCOP đối với các mặt hàng trên. Ông Trương Thanh Tuyền - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Quyết Tiến (huyện Phước Long) chia sẻ: “Nếu HTX vừa lo sản xuất, đầu ra, làm thương hiệu, tìm đối tác,… thì sẽ phát triển khá chậm vì cùng lúc phải lo nhiều thứ. Thế nhưng, khi có sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương thì mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ và hoạt động của HTX cũng thuận lợi hơn rất nhiều”.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2023 của ngành NN&PTNT Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu: “Ngành NN&PTNT cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình khí tượng - thủy văn để có kế hoạch chủ động trong sản xuất, đặc biệt là công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô. Xây dựng và thực hiện lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và lịch điều tiết nước, phối hợp vận hành cống Âu thuyền Ninh Quới phục vụ sản xuất có hiệu quả cao nhất”. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành NN&PTNT tiếp tục phát huy vai trò trụ cột của nền kinh tế; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa đô thị và nông thôn.
CHÍ LINH