Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Ngành Nông nghiệp: Tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng
Ngành Nông nghiệp tỉnh đang từng bước tổ chức lại sản xuất, đổi mới và nhân rộng các mô hình có hiệu quả, thúc đẩy phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đồng thời thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Cán bộ kỹ thuật Công ty Việt - Úc Bạc Liêu trình diễn cấy chíp vào tôm nuôi để theo dõi quá trình sinh trưởng của tôm.
XÂY DỰNG CÁC VÙNG SẢN XUẤT PHÙ HỢP
Thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, Bạc Liêu sẽ xây dựng và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao, lúa đặc sản địa phương sản xuất hàng hóa tập trung và vùng nuôi trồng thủy sản đa canh. Trong đó, vùng chuyên canh lúa có quy mô 58.910ha, vùng sản xuất lúa trên đất tôm - lúa tập trung chủ yếu ở Tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A với quy mô 41.541ha và diện tích sản xuất lúa một vụ 1.906ha ở vùng phía Nam Quốc lộ 1A của tỉnh. Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với diện tích canh tác 137.571ha, trong đó nuôi tôm 133.551ha. Tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực như lúa gạo chất lượng cao và đặc sản; rau, quả công nghệ cao; tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể; gia súc, gia cầm; muối thực phẩm. Xây dựng các vùng sản xuất hữu cơ phù hợp với các sản phẩm chủ lực và tại các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Trên lĩnh vực liên kết chuỗi giá trị, toàn tỉnh hiện có 42 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, tổng công suất thiết kế 192.200 tấn/năm; 49 nhà máy xay xát và lau bóng gạo xuất khẩu, tổng công suất xay 3.376 tấn/ngày và lau bóng 96 tấn/ngày. Các công ty đầu tư nhà máy chế biến gắn với việc xây dựng “cánh đồng lớn”, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình VietGAP. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 2 nhà máy chế biến muối, công suất chế biến 36.750 tấn/năm; 65 cơ sở mua bán, kinh doanh và chế biến lâm sản.
Để thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, Bạc Liêu xác định tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để phát triển và cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại các lĩnh vực, gắn kết chặt chẽ với ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tạo chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả, sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Song song đó, chuyển đổi cây trồng - vật nuôi, thủy sản phù hợp theo hướng sản xuất hàng hóa; điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất nông - lâm - thủy sản. Theo đó, trồng trọt sử dụng linh hoạt, có hiệu quả diện tích đất trồng lúa, chuyển đổi sang lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Nông dân tham quan mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ xử lý đáy ao trong nuôi tôm.
CƠ GIỚI HÓA TRONG NÔNG NGHIỆP
Ngành Nông nghiệp đang từng bước cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Hiện toàn tỉnh có 3.751 máy cày các loại, 87 máy gieo sạ, 257 máy gặt, 24.546 bình phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ, 24.000 máy bơm nước phục vụ sản xuất lúa, 48.565 máy bơm nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, 47 trạm bơm điện, 59 máy chế biến thức ăn gia súc, 36 máy ấp trứng gia cầm, 408 máy chế biến thức ăn thủy sản, 877 máy phát điện, 12 cơ sở sản xuất thiết bị quạt nước, bơm nước phục vụ nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, 4 cơ sở đóng mới, cải hoán và sửa chữa tàu cá, 12 xưởng cơ khí chuyên sửa máy tàu và một số cơ sở sửa chữa, đóng ghe thuyền nhỏ... Đối với sản xuất lúa, mức độ cơ giới hóa 100% khâu làm đất, bơm nước, 10% khâu gieo sạ, 95% khâu phun thuốc bảo vệ thực vật, 95% khâu thu hoạch lúa, 95% sản lượng lúa được sấy. Đối với nuôi trồng thủy sản, thực hiện cơ giới hóa 100% khâu xây dựng và cải tạo ao đầm, sục khí, bơm nước phục vụ sản xuất; các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh đã có hệ thống điện lưới phục vụ sinh hoạt và bảo vệ sản xuất; từng bước thực hiện công nghiệp hóa khâu giết mổ gia súc, gia cầm tạo ra thực phẩm sạch cung cấp cho người tiêu dùng. Mức độ tổn thất trong nông nghiệp đối với sản xuất lúa khoảng 8 - 10%, các cây trồng khác khoảng 20%, đối với khai thác hải sản khoảng 20% và nuôi trồng thủy sản 15% sản lượng.
Nông dân xã Phong Thạnh Đông (TX. Giá Rai) ứng dụng công nghệ phun nước tự động vào canh tác rau màu. Ảnh: M.Đ
Chuyển dịch từ phát triển số lượng làm mục tiêu sang nâng cao chất lượng, sản xuất có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có năng suất và giá trị gia tăng cao, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, hỗ trợ phát triển HTX, phát triển thủy sản, hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Ngoài ra còn có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất và cơ cấu lao động... Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, công nghệ sinh học... Ngành Nông nghiệp cũng tăng cường huy động và khai thác nguồn lực đầu tư từ xã hội cho nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ.
Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Ngành Nông nghiệp Bạc Liêu đang chú trọng đẩy mạnh hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững; hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp, các mô hình kinh tế tuần hoàn, kết nối thị trường, tiêu thụ nông sản. Đồng thời, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng sản xuất sinh thái, hữu cơ, gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở địa bàn nông thôn…”.
MINH CHÂU
- Tỉnh đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh -Trường đại học Bạc Liêu: Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh - sinh viên
- Bộ Công thương tổ chức Hội nghị đôn đốc các dự án điện theo Chỉ thị 01/CT-TTg
- TX. Giá Rai triển khai kế hoạch mừng Đảng - mừng Xuân năm 2025
- Sở Tài chính tổng kết công tác năm 2024
- Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Đông Hải