Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Người dân xã Hưng Thành muốn quay trở lại sản xuất lúa – tôm
Địa bàn xã Hưng Thành (huyện Vĩnh Lợi) trước đây nằm trong vùng quy hoạch sản xuất lúa - tôm của tỉnh. Song, người dân nơi đây kiến nghị và được chính quyền các cấp cho sản xuất chuyên tôm. Tuy nhiên, sau quá trình nuôi tôm gặp nhiều khó khăn như dịch bệnh, giá tôm bấp bênh và vật tư nuôi trồng đắt đỏ, người dân Hưng Thành xin quay lại với mô hình lúa - tôm theo quy hoạch ban đầu.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Phạm Văn Mười (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với nông dân xã Hưng Thành về việc trồng lúa trong ao nuôi tôm.
NHIỀU NÔNG DÂN QUAY LẠI VỚI MÔ HÌNH LÚA - TÔM
Trước đây, xã Hưng Thành được quy hoạch để sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm, với hệ thống ô đê bao khép kín nhằm chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, vào thời điểm nghề nuôi tôm phát triển mạnh mẽ, nhiều hộ dân ở đây đã yêu cầu chuyển sang mô hình chuyên nuôi tôm, với hy vọng mang lại lợi nhuận cao hơn. Và rồi thực tế không như kỳ vọng, khi con tôm gặp dịch bệnh, giá cả biến động mạnh và chi phí sản xuất tăng cao khiến nhiều hộ dân không thể tiếp tục duy trì nuôi tôm.
Sau những thất bại liên tiếp, một số hộ dân trong xã đã quay lại với mô hình sản xuất lúa - tôm. Thực tiễn chứng minh, mô hình này không chỉ giúp người dân phục hồi sản xuất mà còn là giải pháp căn cơ và bền vững. Từ đó, nhiều hộ dân đã bắt đầu cải tạo ao nuôi tôm để trồng lúa. Ông Nguyễn Văn Phước (ấp Hoàng Quân 1) là một trong những nông dân tiên phong trong việc quay lại sản xuất lúa - tôm. Sau 3 năm thực hiện, gia đình ông Phước đã thu được những kết quả đáng khích lệ, lúa đạt năng suất khoảng 30 giạ/công. Ông Phước cho biết: “Chính sự quay lại sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm đã giúp gia đình tôi không chỉ đạt được hiệu quả về lúa mà còn đảm bảo cho vụ tôm nuôi thành công nhờ vụ lúa cải tạo môi trường trong ao nuôi”. Tương tự, ông Nguyễn Văn Lực (ấp Xẻo Nhào) có 2,7ha đất sản xuất. Do nuôi tôm đạt hiệu quả thấp nên ông đã cải tạo lại ao để trồng 7 công lúa. Giống lúa được ông đưa vào canh tác là Đài thơm 8, cho năng suất 30 giạ/công. Ông Lực nói: “Sang năm tôi sẽ mở rộng toàn bộ diện tích để sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm. Theo tôi, đây là mô hình sản xuất bền vững nhất”. Còn ông Nguyễn Chín Lến (ấp Hoàng Quân 3) bộc bạch: Thấy bà con trong ấp trồng vụ lúa sau nuôi tôm hiệu quả nên tôi cũng làm theo. Sau khi cấy lúa Một bụi đỏ, tôi thả gần 1.000 con tôm sú và mấy ký cá phi giống Đài Loan. Hiện nay, trọng lượng tôm đạt gần 30 con/kg, còn cá phi cũng có thể thu hoạch được. Tết này, gia đình tôi có tôm, cá bán để ăn tết.
Đoàn cán bộ Sở NN&PTNT và huyện Vĩnh Lợi kiểm tra thực tế sản xuất lúa trong ao tôm ở xã Hưng Thành. Ảnh: M.Đ
NGƯỜI DÂN QUYẾT TÂM
Sau nhiều năm chuyên nuôi tôm không thành công, người dân xã Hưng Thành có nguyện vọng quay lại sản xuất theo mô hình lúa - tôm. Hiện có 3 ấp: Hoàng Quân 1, Hoàng Quân 3 và Xẻo Nhào, người dân đã cấy lúa trên đất tôm.
Mới đây, Sở NN&PTNT đã tổ chức đoàn kiểm tra thực tế, làm việc với xã Hưng Thành và lắng nghe ý kiến người dân về việc trồng lúa trong ao tôm. Đại diện nông dân các ấp Hoàng Quân 1, Hoàng Quân 3 và Xẻo Nhào đã phản ánh những khó khăn của nông dân trong quá trình sản xuất tôm như dịch bệnh, giá tôm giảm mạnh, chi phí vật tư tăng cao. Vì vậy, nhiều hộ dân mong muốn tỉnh và huyện có chính sách hỗ trợ, đặc biệt là trong việc cung cấp giống lúa, cải tạo đất và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm.
Ông Nguyễn Văn Đượm - Chủ tịch UBND xã Hưng Thành, cho biết: Sau nhiều năm nuôi tôm không thành công, hiện người dân rất mong muốn quay lại với mô hình lúa - tôm. Thực tế cho thấy, việc cải tạo đất, rửa mặn và chăm sóc kỹ lưỡng đã giúp nhiều hộ đạt được hiệu quả trong sản xuất lúa. Mô hình này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và duy trì sự phát triển bền vững cho vùng đất này. Theo thống kê, đến nay có khoảng 600/1.900ha muốn quay lại sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm.
Ông Tô Thanh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi, khẳng định: Phòng Nông nghiệp huyện sẽ hỗ trợ tối đa cho nông dân trong việc quay lại sản xuất theo mô hình lúa - tôm. Song, rất cần sự đồng lòng của người dân, cũng như sự cho phép của chính quyền các cấp để mô hình sản xuất được lâu bền. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi đồng bộ, đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ rửa mặn trước khi cấy lúa.
Với sự đồng lòng của người dân và sự hỗ trợ của chính quyền, mô hình lúa - tôm ở xã Hưng Thành đang dần trở lại và phát triển mạnh mẽ. Các hộ dân không chỉ cải thiện được thu nhập mà còn có thể phát triển kinh tế một cách bền vững nhờ vào mô hình lúa - tôm.
MINH ĐẠT