Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Nhiều thách thức trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường
Là thế mạnh kinh tế chủ yếu của tỉnh, góp phần tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn, tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp cũng tạo ra hàng loạt sức ép và thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường.
Nông dân huyện Vĩnh Lợi bón phân cho cây lúa. Ảnh: T.A
THÁCH THỨC TỪ NUÔI TÔM
Một trong những thế mạnh kinh tế chủ lực của tỉnh chính là phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Năm 2021, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đã vượt lên con số 142.910ha, trong đó có hơn 20.000ha nuôi tôm công nghiệp. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh tăng khá nhanh và diện tích này sẽ tăng cao khi Bạc Liêu tập trung xây dựng tỉnh trở thành “thủ phủ” tôm của cả nước.
Từ thực trạng trên cho thấy, môi trường đang đứng trước nhiều áp lực, vì nuôi tôm công nghiệp sẽ thải một khối lượng lớn chất thải, nước thải ra môi trường. Chẳng hạn, đến ngày thu hoạch, toàn bộ lượng nước trong các ao nuôi tôm đều thải ra ngoài môi trường mang theo các chất gây ô nhiễm môi trường nước trong vùng. Thông thường, các ao nuôi tôm công nghiệp có chiều sâu mực nước từ 1,3 - 1,5m. Như vậy, với hơn 20.000ha nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp ở những khu vực ven biển, mỗi vụ sẽ phát sinh khoảng 2,6 tỷ m3 nước thải ra môi trường. Trong khi đó, nước thải sau vụ nuôi tôm chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh như: Vibrio, Aeromonas, E.coli, Pseudomonas, Proteus, Staphylococcus... cùng nhiều loại nấm và nguyên sinh động vật không được xử lý triệt để thải thẳng ra nguồn nước tiếp nhận gây ô nhiễm nguồn nước, lan tràn dịch bệnh và gây nên thất mùa.
Ngoài ra, vào thời điểm kết thúc vụ nuôi, một khối lượng lớn bùn không qua xử lý cũng được thải ra ngoài. Lượng bùn đáy này chứa một lượng lớn các chất ô nhiễm, thức ăn dư thừa, các sản phẩm bài tiết của vật nuôi thường thải ra ngoài môi trường không theo quy hoạch hay thường dùng để bồi đắp các đê bao ao nuôi. Các chất thải trong lượng bùn này sau đó sẽ theo nước mưa đi vào môi trường nước, gây ô nhiễm môi trường nước tự nhiên hay cả nước trong các ao nuôi…
Xử lý môi trường ao nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Đông Hải.
LẠM DỤNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT
Cùng với phát triển con tôm, lĩnh vực trồng trọt cũng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất, nhất là cây lúa với tổng diện tích gieo trồng năm 2021 trên 191.000ha. Trong những năm qua, trồng trọt dần chuyển theo hướng chất lượng cao, ứng dụng công nghệ sinh học, cơ giới hóa và mang lại năng suất, chất lượng cao. Thế nhưng, ngành Trồng trọt cũng tạo ra nhiều áp lực cho môi trường, đặc biệt là việc lạm dụng các loại hóa chất, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, ở nước ta hiệu suất sử dụng phân bón chỉ đạt trung bình 45 - 50% với phân đạm, 25 - 35% với lân, 60% với kali, phần còn lại bị thất thoát và sử dụng lãng phí. Việc lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng, phân bón không đúng quy trình đã tác động đến các vi sinh vật, các thiên địch có ích trong môi trường, dẫn đến hậu quả gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái và làm cho đất bị chua hóa, mất khả năng sản xuất.
Đối với tỉnh Bạc Liêu, số lượng phân bón, thuốc BVTV sử dụng hàng năm trên địa bàn tỉnh khá cao. Như lượng phân bón sử dụng năm 2017 là 68.037 tấn, năm 2018: 74.842 tấn, năm 2019: 66.812 tấn. Lượng thuốc BVTV sử dụng năm 2017 là 1.104 tấn, năm 2018: 2.313 tấn, năm 2019: 2.397 tấn…
Điều đáng quan tâm là sau khi sử dụng các loại thuốc BVTV sẽ làm phát sinh các loại chất thải nguy hại như vỏ bao bì chứa các loại hóa chất BVTV và thường được nông dân vứt bỏ ngay tại đồng ruộng, vườn cây là nguồn gây tác động tiềm tàng cho môi trường đất và nước.
Bên cạnh đó, sau mỗi mùa thu hoạch lúa, người dân thường đốt bỏ rơm rạ ngay trên đồng ruộng. Hoạt động này đã gây ra hiện tượng khói mù cho các vùng lân cận. Việc đốt rơm rạ ngoài trời là quá trình đốt không kiểm soát, trong đó sản phẩm chủ yếu là các chất khí: CO2, CO, NOx, bụi mịn… Điều này đã và đang gây ra các ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người và môi trường.
Với những thách thức được đặt ra như hiện nay, các ngành và các cấp ủy đảng, địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững trong tương lai. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác phối - kết hợp với ngành Tài nguyên - Môi trường trong việc xây dựng các mô hình, kịch bản ứng phó, nhằm làm tốt công tác quản lý và bảo vệ môi trường.
TÚ ANH
Theo điều tra và thống kê của ngành Tài nguyên - Môi trường, các hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũng thải ra môi trường một số lượng lớn chất thải, nước thải.
Theo báo cáo tổng hợp nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất mô hình quản lý chất thải rắn nông thôn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”, kết quả ước tính tổng khối lượng chất thải rắn chăn nuôi trên địa bàn nông thôn tỉnh Bạc Liêu trên 3.989 tấn/ngày sẽ gây áp lực lớn đối với tài nguyên và môi trường nước.
Trong khi đó, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ số hộ chăn nuôi có xử lý nước thải bằng công nghệ biogas, số còn lại thải trực tiếp thẳng ra ao, hồ, kênh, rạch... Nước thải chăn nuôi thải ra môi trường gây phú dưỡng hóa, nguồn nước ô nhiễm hữu cơ cao. Chất thải chăn nuôi có chứa nhiều vi khuẩn, ký sinh gây bệnh khi đi vào nguồn nước sẽ gây ra nguy cơ lan tràn dịch bệnh.
Các loại khí thải gây mùi hôi cũng là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi đáng quan tâm. Các chất khí này là sản phẩm của quá trình phân giải kỵ khí các hợp chất hữu cơ có nguồn gốc từ protein, lipid và carbonhydrat. Mùi hôi chuồng trại chăn nuôi là nguồn gây ô nhiễm mùi không khí xung quanh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân xung quanh…