Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Những mô hình canh tác nông nghiệp thông minh
Bạc Liêu đã và đang xây dựng nền nông nghiệp thông minh với các hoạt động sản xuất áp dụng công nghệ cao (cơ giới hóa, tự động hóa…); công nghệ sản xuất và bảo quản sản phẩm an toàn (phương pháp hữu cơ, theo GAP…); công nghệ quản lý, nhận diện sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thông tin để tối ưu hóa quy trình sản xuất. Trong đó, việc đưa công nghệ số vào nông nghiệp giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, kiểm soát rủi ro và ứng phó linh hoạt với biến đổi khí hậu.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra thực tế và nghiệm thu ứng dụng phần mềm thông minh trong quản lý và vận hành cống Nọc Nạng (TX. Giá Rai).
MÔ HÌNH CANH TÁC THÔNG MINH
Tại ấp thông minh Bình Tốt A (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long), từ khi xây dựng trạm dự báo thời tiết tổng hợp gắn với trạm bơm đã hỗ trợ nông dân tốt hơn trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, trạm dự báo tổng hợp có thể đo lường liên tục các chỉ số thời tiết, phát hiện các loại sâu bệnh. Các dữ liệu thu thập được lưu trữ trong phần mềm quản lý để phục vụ phân tích, đánh giá và đưa ra các thông tin dự báo thời tiết, các hiện tượng thời tiết cực đoan nhằm giúp nông dân chủ động trong công tác phòng, chống các loại sâu bệnh trên lúa. Ông Phan Trọng Nhu (ấp Bình Tốt A, xã Vĩnh Phú Tây) chia sẻ: “Từ khi lắp đặt trạm dự báo thời tiết tổng hợp, bẫy côn trùng và gắn với trạm bơm, nông dân chỉ với chiếc điện thoại thông minh là kiểm tra được các loại sâu bệnh, vận hành trạm bơm chỉ bằng một thao tác bấm nút”.
Cùng với đó là tưới nước tự động, phân tích độ ẩm đất, nhiệt độ, lượng mưa để tối ưu lượng nước tưới, tiết kiệm nước và tăng năng suất. Bón phân thông minh, dựa trên dữ liệu dinh dưỡng đất và giai đoạn sinh trưởng của cây để đề xuất lượng phân bón phù hợp, giảm lãng phí và ô nhiễm môi trường. Thông qua AI phân tích dữ liệu vệ tinh, trạm khí tượng để dự báo thời tiết chính xác, giúp nông dân chủ động điều chỉnh lịch canh tác, đồng thời đề xuất giống lúa phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Phun thuốc bảo vệ thực vật chính xác, tiết kiệm chi phí, hạn chế ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Giám sát sức khỏe ruộng lúa bằng hình ảnh kết hợp phân tích AI để phát hiện sớm bệnh hại như đạo ôn, bạc lá, rầy nâu. Thông qua quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), hướng đến nâng cao sức khỏe toàn diện của cây trồng. Ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; giám sát chặt chẽ các loại sinh vật có lợi và hại trên ruộng lúa.
Mô hình kết hợp canh tác lúa sinh thái cũng được xem là hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Ông Đoàn Thanh Tùng (ấp 18, xã Phong Thạnh A, TX. Giá Rai) là một trong những hộ nông dân tiên phong thực hiện mô hình luân canh tôm - lúa 2 giai đoạn theo hướng hữu cơ. Với trên 2ha, ông Tùng thả và thu hoạch tôm theo hình thức thu tỉa - thả bù theo con nước, giúp tối ưu sản lượng. Sau 6 tháng nuôi, tổng sản lượng đạt 520kg/ha. Tôm có cỡ trung bình 28 con/kg, giá bán dao động từ 160.000 - 170.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt hơn 70 triệu đồng/ha. Cộng với lợi nhuận từ lúa thì mô hình tôm - lúa của ông Tùng đạt 100 triệu đồng/ha…
Kiểm tra Trạm dự báo thời tiết tổng hợp, bẫy côn trùng ở ấp thông minh Bình Tốt A (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long). Ảnh: M.Đ
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG
Hiện nông dân trong tỉnh đã ứng dụng 100% cơ giới hóa cho các khâu sản xuất. Đồng thời, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất lúa, qua đó không chỉ tăng hiệu quả sản xuất mà còn giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 bẫy đèn thông minh, 105 thiết bị bay không người lái và 17.500 bình động cơ phun thuốc bảo vệ thực vật, 2.000 máy sạ lúa, phun phân.
Những tiến bộ kỹ thuật trong quản lý sâu bệnh hại lúa đã giúp sản xuất nông nghiệp Bạc Liêu thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả cao hơn, cần tiếp tục đầu tư thêm hạ tầng công nghệ, đào tạo nông dân tiếp cận AI và tăng cường hợp tác với doanh nghiệp công nghệ, tạo động lực hỗ trợ cho sản xuất quy mô lớn. Hỗ trợ chính sách phát triển nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao cho những vùng sản xuất lúa hàng hóa lớn, phát triển mối liên kết giữa doanh nghiệp - ngân hàng và nông dân để tạo ra chuỗi giá trị gắn kết giữa sản xuất với thị trường, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm và tăng thu nhập cho nông dân.
Việc ứng dụng canh tác nông nghiệp thông minh vừa giảm chi phí giá thành, nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm, tăng cường tính bền vững trong nông nghiệp, nâng cao khả năng kiểm soát sản xuất hiệu quả hơn. Hệ thống canh tác thông minh cũng giúp quản lý dự báo nhu cầu một cách chính xác và đưa sản phẩm ra thị trường đúng thời điểm, giảm lãng phí.
Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: “Để nền nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững, cần tăng cường công tác khuyến nông; giới thiệu, hướng dẫn nông dân tiếp cận các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới; nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ, sản xuất tuần hoàn, thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu theo từng vùng sản xuất sinh thái... Xây dựng vùng sản xuất có quy mô lớn như xây dựng các cánh đồng tôm lớn, lúa lớn, muối lớn nhằm tạo nên nguồn sản phẩm đủ lớn, từng bước hình thành chuỗi giá trị các ngành hàng nông sản. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từng bước xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản chiến lược của tỉnh…”.
Canh tác nông nghiệp thông minh không đơn thuần là áp dụng công nghệ, mà là một hệ sinh thái tích hợp từ sản xuất đến tiêu thụ. Việc nhân rộng mô hình cần có sự đồng hành từ các địa phương, doanh nghiệp và người dân; hướng đến cùng xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững.
MINH ĐẠT