Những mô hình giảm nghèo hiệu quả của TP. Bạc Liêu

Thứ Sáu, 09/12/2022 | 16:04

Xây dựng các mô hình giảm nghèo được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Bởi vậy, các đơn vị xã, phường thuộc TP. Bạc Liêu đã ưu tiên thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo, tạo tiền đề để người dân vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Rẫy rau húng quế của gia đình anh Nguyễn Phong Vũ.

ĐA DẠNG CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ

Những năm qua, ngoài thực hiện hiệu quả mô hình đỡ đầu hộ nghèo, các đơn vị xã, phường của thành phố phối hợp với các cấp, ngành còn linh hoạt thực hiện các giải pháp giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ cây, con giống; tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, xây dựng các mô hình kinh tế đáp ứng thị hiếu thị trường. Từ đó góp phần nâng tầm tư duy sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ nghèo.

Sau nhiều năm ly hương lên TP. Hồ Chí Minh mưu sinh, đến năm 2020, vợ chồng anh Nguyễn Phong Vũ (ấp Rạch Thăng, xã Vĩnh Trạch) lại dắt nhau về quê nhà. Với số tiền kiếm được ở xứ người, cộng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, vợ chồng anh thuê đất đầu tư trồng rẫy. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá rau màu tụt sâu nên cả năm lao động ròng rã vẫn trắng tay, rơi vào hộ cận nghèo của xã. Đầu năm 2022, nhận thấy thị trường rau húng quế được ưa chuộng, giá cả ổn định hơn so với các loại rau màu khác nên anh tập trung trồng độc nhất rau húng quế. Sau hơn 1 tháng, rẫy rau húng quế bắt đầu cho thu hoạch, mỗi ngày anh cắt từ 50 - 200kg. Anh Vũ cho biết, so với trồng các loại rau cải khác thì trồng húng quế cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần tùy thời điểm, chỉ cần tốn chi phí gieo hạt giống ban đầu, sau đó bón phân, chăm sóc rồi thu hoạch mỗi ngày.

Ngoài trồng húng quế, đón đầu thị trường Tết, hiện anh đã xuống giống khổ qua, dưa leo, bí rợ. Theo anh Vũ, mấy loại rau màu này vào dịp Tết rất hút hàng, được nhiều người chọn mua, anh hy vọng năm nay sẽ trúng mùa - trúng giá giúp vợ chồng anh thoát cận nghèo, vươn lên khá giả.

Không chỉ anh Nguyễn Phong Vũ, trên địa bàn thành phố còn có nhiều nông dân áp dụng, đầu tư các mô hình kinh tế hiệu quả như: mô hình trồng cải rổ Thái, ớt Thái, ớt châu Phi, ớt chỉ thiên, cóc Thái; mô hình nuôi cá nước ngọt, nuôi ếch Thái, nuôi vịt xiêm Pháp, gà; mô hình trồng chuối sáp và trồng táo trong nhà lưới, nuôi heo sinh sản, heo thương phẩm... Qua một thời gian thực hiện, các mô hình này đã giúp những hộ nghèo, cận nghèo có nguồn thu ổn định, góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo của địa phương.

Mô hình nuôi gà, vịt của Hội LHPN xã Vĩnh Trạch Đông.

LINH HOẠT XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH HỖ TRỢ

Bên cạnh chương trình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo từ nguồn ngân sách nhà nước; các mô hình của hội, đoàn thể triển khai cũng đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Điển hình như mô hình may gia công, tổ hùn vốn, mô hình heo đất tiết kiệm, hũ gạo tình thương...

Nhận thấy trên địa bàn khóm Chòm Xoài (phường Nhà Mát) có nhiều hội viên, phụ nữ không có việc làm, trong khi một số chị em có tay nghề may vá, nhưng do điều kiện gia đình không thể đi làm công ty dẫn đến chị em chỉ làm nghề theo hướng nhỏ lẻ, rời rạc, thu nhập không cao. Nhằm giúp chị em có một cái nghề ổn định, không còn cảnh sống bấp bênh, sau một thời gian khảo sát, liên hệ với các công ty may tại TP. Hồ Chí Minh, vào tháng 7/2022, Hội LHPN phường Nhà Mát đã thành lập Tổ hợp tác “May gia công” ở khóm Chòm Xoài, gồm 16 thành viên. Qua 5 tháng hoạt động, đến nay đời sống các tổ viên đã có nhiều biến chuyển, với nguồn thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình nuôi ếch Thái của nông dân xã Vĩnh Trạch Đông.

Chị Danh Hoàng Yến - Chủ tịch Hội LHPN phường Nhà Mát, cho biết: “Từ hiệu quả của mô hình, sắp tới Hội tiếp tục nhân rộng đến các chi hội khác để giúp chị em có việc làm, có thu nhập. Ngoài Tổ hợp tác “May gia công”, các mô hình tổ hợp tác vá lưới, chăn nuôi vịt, tổ phụ nữ hỗ trợ phụ nữ dân tộc mua bảo hiểm y tế; mô hình “Biến rác thành tiền”... của Hội cũng đã giúp phụ nữ nghèo có thu nhập ổn định, nhiều chị vươn lên thoát nghèo, thoát cận nghèo”.

Mô hình trồng cóc Thái của Hội Cựu chiến binh phường Nhà Mát.

Cũng với mục đích giúp hội viên, phụ nữ nghèo có mô hình sinh kế, Hội LHPN Phường 2 đã thành lập nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ nghèo hiệu quả, trong đó có mô hình “Tổ phụ nữ hùn vốn tương trợ” khóm 5. Qua 6 năm hoạt động, mô hình này đã giúp các chị em ở khóm có thu nhập mỗi ngày. Hình thức hoạt động là mỗi ngày chị em trong tổ đóng góp từ 20.000 - 40.000 đồng. Trung bình mỗi năm, mỗi thành viên được nhận vốn 2 lần (mỗi lần từ 1 - 2 triệu đồng) không tính lãi. Số tiền này giúp chị em có vốn xoay vòng đầu tư mua bán nhỏ, bán rau cải, mở tiệm tạp hóa, bán cá, bán vé số… Từ đồng vốn nhỏ, nhờ biết sống tiết kiệm, siêng năng lao động nên nhiều chị đã có tích lũy. Từ đó cuộc sống dần ổn định, xây dựng gia đình ấm no, không còn rơi vào cảnh khó nghèo.

Hay như mô hình “Cửa nhôm, cửa sắt” của Chi đoàn khóm 1 (Phường 5) đã góp phần dạy nghề miễn phí, tạo việc làm cho hàng chục thanh niên có hoàn cảnh khó khăn của địa phương. Cũng với hiệu quả trên, mô hình “Tổ dịch vụ việc làm” của các hội LHPN phường, xã cũng đã tạo hiệu quả tích cực trong công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững của địa phương.

Tổ hợp tác “May gia công” của Hội LHPN phường Nhà Mát giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ nghèo. Ảnh: T.Q

Theo Phòng LĐ-TB&XH TP. Bạc Liêu, đầu năm 2022, toàn thành phố có 295 hộ nghèo (tỷ lệ  0,69%), trong đó hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội là 50 hộ, hộ cận nghèo 976 hộ (tỷ lệ 2,27%). Bước vào giai đoạn mới với việc điều chỉnh bộ tiêu chí rà soát hộ nghèo sẽ giúp các cấp, ngành và các địa phương xác định cụ thể hơn về nguyên nhân cũng như giải pháp phù hợp, hỗ trợ người nghèo vươn lên. Qua các giải pháp linh hoạt trong hỗ trợ, đỡ đầu hộ nghèo, hơn hết là sự tích cực trong công tác tuyên truyền hộ nghèo thực hiện các mô hình sinh kế bền vững, các mô hình trợ sức người nghèo đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ, khơi thông ý chí khắc phục khó khăn, năng động trong lao động sản xuất, tinh thần nỗ lực vươn lên thoát nghèo của chính hộ nghèo nên công tác giảm nghèo của thành phố trong năm 2022 đạt nhiều kết quả mỹ mãn. Theo đó, đến cuối năm 2022, toàn thành phố đã thoát 138/100 hộ nghèo (đạt 138%), 463/300 hộ cận nghèo (đạt 154,33%).

MINH LUÂN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.