Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Những mô hình sản xuất hiệu quả cần được nhân rộng
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các mô hình sản xuất mới, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình sản xuất hiệu quả được ngành chức năng khuyến khích ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.
Lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình lúa - tôm ở huyện Hồng Dân.
CÁC MÔ HÌNH HIỆU QUẢ
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai nhiều mô hình sản xuất thử và mô hình sản xuất có hiệu quả trên từng tiểu vùng sinh thái của tỉnh. Qua đó đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Điển hình là mô hình nuôi trâu sinh sản của hộ ông Trần Văn Điền ở ấp Ngọn (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân). Ông Điền vay ngân hàng 30 triệu đồng để mua một con trâu nái, sau 3 năm, trâu sinh sản được 2 con nghé. Bán 2 con nghé này, ông Điền đã trả xong nợ vay ngân hàng. Nhận thấy nuôi trâu sinh sản có hiệu quả, ông Điền tiếp tục vay 50 triệu đồng để mở rộng mô hình nuôi trâu, đồng thời nuôi thêm gà, vịt theo hướng đa con. Hay như mô hình ứng dụng máy sạ theo khóm trong sản xuất lúa của 30 nông hộ thuộc HTX Nam Hưng (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi). Với mô hình này, lúa đạt năng suất cao hơn ruộng ngoài mô hình 0,5 tấn/ha. Còn mô hình nuôi cá chạch lấu, với diện tích 2.000m2, sau hơn 11 tháng nuôi cho thu hoạch 1,2 tấn cá. Tổng chi phí trong quá trình nuôi gần 192 triệu đồng, tổng thu 240 triệu đồng, lợi nhuận hơn 48 triệu đồng. Hoặc mô hình xây dựng chuỗi liên kết nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng đạt tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Hòa Bình của 2 hộ dân, thực hiện trên diện tích 2.000m2, sau 105 ngày nuôi cho thu hoạch với sản lượng 9 tấn. Tổng chi phí của mô hình là 970 triệu đồng, tổng thu 1,3 tỷ đồng, lợi nhuận gần 300 triệu đồng. Mô hình nuôi cua biển thâm canh ở xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình) trên diện tích 2ha của 4 hộ dân, thả 30.000 con cua giống, sản lượng thu được 2.625kg. Tổng chi phí đầu tư mô hình gần 160 triệu đồng/ha, tổng thu 262,5 triệu đồng/ha, lợi nhuận gần 103 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, còn nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế khá cao như nuôi le le, trồng lúa hữu cơ, nuôi lươn không bùn, đưa cây bắp nếp xuống ruộng lúa...
Nông dân tham gia mô hình ứng dụng máy sạ theo khóm trong sản xuất lúa. Ảnh: M.Đ
NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN PHẨM
Hướng tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ nhân rộng một số mô hình sản xuất hiệu quả, đồng thời đưa ra các mô hình sản xuất mới để thí điểm tại các địa phương. Đánh giá về các mô hình, ông Lê Hữu Ân - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: “Nhìn chung, các mô hình được triển khai thí điểm mang lại hiệu quả khá cao, có thể nhân rộng ra trong thời gian tới”. Theo đó, ngành Nông nghiệp tập trung xây dựng và phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiệu quả. Liên kết bao tiêu lúa gạo; xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao mang thương hiệu Bạc Liêu. Xây dựng vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao, kháng sâu bệnh, chống chịu được hạn hán, xâm nhập mặn, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh. Khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và sử dụng các giống lúa mới chịu hạn, chịu ngập, chịu mặn và có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là phát triển sản xuất “lúa thơm, tôm sạch” đảm bảo an toàn chất lượng, tăng cường hướng dẫn, cấp mã số vùng nuôi, trồng theo quy định. Xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu con tôm Bạc Liêu, xây dựng tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp ngành tôm của cả nước. Khuyến khích sản xuất lúa hữu cơ, tôm sạch, tôm sinh thái phù hợp với các sản phẩm chủ lực và tại các vùng...
MINH CHÂU