Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Những trăn trở của nông dân
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều đã có buổi đối thoại với nông dân. Đây là diễn đàn rất quan trọng giúp cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh trực tiếp phản ánh những tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo tỉnh về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều trao đổi với nông dân xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long).
Băn khoăn đầu ra nông sản sạch
Tại buổi đối thoại trực tiếp trong không khí chân thành, cởi mở và xây dựng, đại diện nông dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thẳng thắn nêu lên những vấn đề quan tâm, trăn trở từ thực tế sản xuất. Nổi bật nhất là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp bền vững. Để phát triển nông nghiệp bền vững, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, giảm phát thải khí nhà kín…, ông Trương Minh Trung (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) cho rằng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tìm đầu ra cho sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ... do việc phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tốn nhiều chi phí nhưng giá thành sản phẩm lại cao hơn, khó cạnh tranh.
Một số nông dân kiến nghị đầu tư hệ thống đê bao và cống khép kín để đảm bảo nguồn nước nuôi trồng thủy sản, đồng thời chống biến đổi khí hậu. Các ngành chức năng cũng cần xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất thích ứng hiệu quả. Điển hình là mô hình sản xuất tôm - lúa, để nâng cao năng suất thì phải có giống lúa phù hợp thổ nhưỡng địa phương, từ đó mới nâng cao thu nhập, phát triển đời sống nông dân.
Với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cho hiệu quả kinh tế rất cao so với các mô hình nuôi tôm khác, tuy nhiên, nông dân cũng rất băn khoăn việc các hộ nuôi xả thải chưa qua xử lý ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến các hộ nuôi tôm trong khu vực. Ông Trần Chí Linh (ấp Doanh Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải) kiến nghị với Chủ tịch UBND tỉnh trong thời gian tới cần có quy hoạch vùng nuôi tôm siêu thâm canh cụ thể. Cần xem xét yếu tố bảo vệ môi trường là điều kiện tiên quyết trước khi triển khai thực hiện mô hình, không vì lợi nhuận, hiệu quả kinh tế cao mà làm suy thoái và ô nhiễm môi trường…
Nông dân huyện Hồng Dân phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: M.Đ
Tạo động lực mạnh mẽ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều đánh giá các ý kiến phản ánh của nông dân thật sự là những trăn trở rất “sát sườn” với đời sống của bà con nông dân. Đây đều là những ý kiến rất chính đáng và thiết thực của cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Hỗ trợ nông dân được tiếp cận kiến thức khoa học, có khát vọng thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan cần hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích, tạo động lực mạnh mẽ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản gắn với chuỗi giá trị trong nước và xuất khẩu. Chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, xây dựng nông thôn Bạc Liêu đổi mới, phát triển, đồng thời bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều cũng yêu cầu các cấp Hội Nông dân làm tốt vai trò “trung tâm và nòng cốt” trong thực hiện phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân. Chú trọng phát triển kinh tế tập thể, liên kết với doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình. Tăng cường quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, xây dựng chuỗi cửa hàng nông sản an toàn…
Minh Đạt