Nông dân bỏ vụ lúa thu đông và câu chuyện khai thác tiềm năng đất

Thứ Hai, 17/10/2022 | 15:53

Theo thống kê sơ bộ, vụ lúa thu đông của tỉnh Bạc Liêu năm nay có khoảng 9.000ha không đưa vào sản xuất. Tình trạng bỏ ruộng hoang liệu có lặp lại trong những vụ mùa tiếp theo và câu chuyện đổ lỗi cho giá cả thị trường, thời tiết cực đoan… có phải là nguyên nhân chính hay còn là trách nhiệm của địa phương, ngành quản lý?!

Mưa lớn và triều cường gây thiệt hại lúa mới sạ ở huyện Vĩnh Lợi.

ĐỪNG ĐỔ LỖI CHO KHÁCH QUAN

Thực trạng nông dân bỏ ruộng không đưa vào sản xuất lên đến con số hàng ngàn héc-ta đã trở thành vấn đề cần được quan tâm. Lý giải về nguyên nhân này, ngành quản lý và người nông dân đã đưa ra 3 lý do cơ bản: thời tiết không thuận lợi, giá vật tư phục vụ sản xuất tăng cao và thị trường tiêu thụ không có đầu ra. Với các lý do mang tính chung chung này, câu chuyện nông dân không đưa vào sản xuất vụ thu đông dường như đổ hết cho các nguyên nhân mang tính khách quan và chẳng địa phương hay ngành quản lý nào phải chịu trách nhiệm về chuyện nông dân bỏ đất trống!

Vấn đề đặt ra, “trái bóng trách nhiệm” lâu nay đã không bị “tuýt còi”, vì ngoài những nguyên nhân khách quan, bản thân các địa phương và ngành chức năng đã không làm tốt trách nhiệm của mình trong việc quản lý và chỉ đạo phát triển sản xuất. Nếu ngành chức năng làm tốt công tác dự báo thời tiết và cảnh báo với nông dân không xuống giống, hoặc sử dụng các biện pháp công trình can thiệp bảo vệ sản xuất, cũng như có ngay các giải pháp can thiệp mùa vụ ngay từ ban đầu thì nông dân có đồng loạt bỏ ruộng? Điều này có thật sự là “cho đất nghỉ ngơi”?! Cần nhớ rằng, câu chuyện cho đất nghỉ ngơi là chuyện cách đây rất lâu khi không có sự can thiệp của khoa học - công nghệ. Với thời đại công nghiệp 4.0 như hiện nay là phải khai thác tối đa tiềm năng của đất để giúp nông dân làm giàu. Do vậy, cái cần quan tâm và cần bàn ở đây chính là câu chuyện chỉ đạo phát triển sản xuất, sự nhạy bén, xử lý nhanh các tình huống xấu do sản xuất phát sinh và phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, chứ không đơn giản là báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh địa phương mình có bao nhiêu diện tích không đưa vào sản xuất. Trong đó, huyện Vĩnh Lợi là địa phương cần phải rút kinh nghiệm khi cây lúa đã trở thành nguồn thu nhập chính của nông dân.

Nông dân vùng chuyển đổi huyện Hồng Dân làm giàu từ con tôm trên đất lúa. Ảnh: L.D

THÍCH ỨNG VÀ “SỐNG CHUNG”

Thực tiễn trong những năm qua đã chứng minh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra nhanh hơn so với các dự báo trước đây. Cùng với đó, các loại thiên tai với cấp độ rủi ro và gây thiệt hại lớn như: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, hạn hán, ngập lụt, sạt lở đất, mưa trái mùa, gió mạnh trên biển... đã tác động trực tiếp đến sản xuất và đời sống, sinh hoạt của người dân. Thêm vào đó, Bạc Liêu là tỉnh cuối cùng thuộc Bán đảo Cà Mau thừa hưởng được một phần nước ngọt từ lưu vực sông Mê Kông.

Tuy nhiên, do quá xa nguồn nước ngọt (cách sông Hậu khoảng 100km) nên vào mùa khô, sản xuất lúa vụ đông xuân của tỉnh Bạc Liêu thường xuyên đối phó với tình trạng thiếu nước ngọt và bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn vào tiểu vùng giữ ngọt ổn định. Trong khi đó, nguồn nước ngầm hiện nay đã và đang bị khai thác đến cạn kiệt. Cụ thể, qua điều tra thực tế ở các giếng khoan cho thấy nước ngầm đã bị hạ thấp từ 3 - 5m vào mùa khô, gây nhiều khó khăn để khai thác phục vụ dân sinh và sản xuất…

Từ những thách thức trên cho thấy, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và cần khẩn trương xây dựng ngay các kịch bản ứng phó trên tinh thần thích ứng và chủ động “sống chung”. Có như vậy mới từng bước hóa giải được vấn nạn nông dân bỏ đất do ảnh hưởng thời tiết và biến đổi khí hậu. Đồng thời, tăng khả năng ứng phó và biến nguy cơ thành thời cơ, thậm chí xem hạn, mặn là tài nguyên trong phát triển các mô hình sản xuất thích nghi mà Bạc Liêu đã từng thành công với mô hình sản xuất lúa - tôm ở vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A. Người nông dân từ tư duy, tập quán sản xuất “sợ mặn” nay đã trở thành phong trào “đón mặn” để có nước phục vụ cho con tôm trên đất lúa. Đặc biệt, cần nghiên cứu cơ cấu lại mùa vụ theo hướng “thuận thiên”, nếu mùa nào không trồng lúa được thì nuôi cá hoặc can thiệp ngay bằng các biện pháp công trình, phi công trình, nhằm hạn thế thấp nhất việc nông dân bỏ đất trống và tạo nên những tiền lệ xấu cho các vụ mùa tiếp theo.

Để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh, Sở NN&PTNT Bạc Liêu đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ tỉnh thực hiện một số dự án sau:

Quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là điện, giao thông, thủy lợi... phục vụ tốt cho phát triển sản xuất.

Tiếp tục đầu tư các dự án đê biển, đê sông; các khu neo đậu tránh trú bão, cảng cá, bến cá và các công trình phòng, chống thiên tai. Các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung phía Nam Quốc lộ 1A; vùng sản xuất tôm - lúa, ô đê bao khép kín, trạm bơm điện... phục vụ sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh.

 Sớm đầu tư Dự án hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng phía Nam Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu, phấn đấu khởi công trong năm 2022 hoặc đầu năm 2023.

Xây dựng bộ công cụ thông minh (chương trình, phần mềm quản lý nông nghiệp) kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin địa lý GIS hỗ trợ cập nhật, lưu trữ, phân tích và truyền tải khuyến cáo tới người dân: đặc điểm thổ nhưỡng; tính thích nghi của đất đối với các loại thủy sản, cây trồng; kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản; diện tích vùng nuôi trồng các loại cho toàn vùng; nguồn nước; các điểm cung ứng vật tư ngành Thủy sản, thu mua và bảo quản, chế biến sản phẩm xuất khẩu.

Xem xét hỗ trợ kinh phí xây dựng các trạm quan trắc, cảnh báo môi trường nước tự động để đại bộ phận người dân kịp thời phát hiện các chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép giúp chủ động trong sản xuất; giúp địa phương nghiên cứu, chuyển giao những công nghệ xử lý nước thải, chất thải trong nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng.

Sớm đầu tư nghiên cứu việc áp dụng công nghệ SCADA, từng bước hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành việc tưới tiêu nước trên địa bàn tỉnh trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Giúp tỉnh Bạc Liêu xây dựng báo cáo nghiên cứu chuyên sâu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất và đời sống dân sinh trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chống bồi lắng ở vùng ven biển để hạn chế tình trạng bồi lắng kênh mương…

LƯ TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.