Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Nông dân vùng chuyển đổi vào vụ lúa trên đất tôm
Thời tiết mưa, nắng xen kẽ những ngày qua khiến nhiều nông dân canh tác lúa hè thu chưa đến kỳ thu hoạch lo lắng. Tuy nhiên, đây lại là điều kiện khá thuận lợi để bà con vùng chuyển đổi tháo nước ra khỏi vuông, be bờ, rửa mặn để chuẩn bị xuống giống vụ lúa trên đất tôm theo đúng lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp đề ra.
Vuông tôm của một hộ dân ở xã Phong Thạnh A (TX. Giá Rai) đã cải tạo, rửa mặn xong, chờ xuống giống vụ lúa.
Tập trung xuống giống
Năm nay, thời tiết mưa tương đối nhiều cộng với việc nước trên các nhánh kênh nội đồng dồi dào, độ mặn thấp lại không bị ảnh hưởng bởi những đợt triều cường từ biển Đông và Tây nên tình hình cải tạo đất của nông dân trong vùng chuyển đổi diễn ra khá thuận lợi.
Trên địa bàn TX. Giá Rai, ngay từ đầu tháng 8/2023, Phòng Kinh tế thị xã đã khuyến cáo bà con ngừng thả giống và tiến hành tháo nước ra khỏi vuông tôm; đồng thời đặt máy bơm cầm chừng để tận dụng những cơn mưa nặng hạt rửa chua, tháo mặn cho đất.
Theo Phòng Kinh tế TX. Giá Rai, vụ lúa trên đất tôm này toàn thị xã có khoảng 7.000ha. Cùng với việc vận hành các cống lớn nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa bàn, các xã trong vùng chuyển đổi cũng cho điều tiết đóng, mở các cống theo thủy triều để giúp nông dân chủ động bơm tát, cải tạo đất. Đồng thời, cán bộ nông nghiệp cũng trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn nông dân các bước cần thiết. Hiện Phòng Kinh tế thị xã đang kêu gọi, tìm kiếm đối tác để tiến hành ký kết bao tiêu ngay từ đầu vụ cho bà con với các giống lúa như: OM 2517, Một bụi đỏ…
Tương tự, hiện nông dân huyện Phước Long cũng đang vá bờ, dọn cỏ, xới đất, vận hành máy bơm tháo nước ra khỏi vuông tôm, sẵn sàng xuống giống vụ lúa. Thậm chí, nhiều hộ đã thu hoạch dứt điểm vụ tôm sớm, cải tạo đất và tiến hành gieo sạ xong vụ lúa. Dự kiến năm nay, nông dân huyện Phước Long sẽ xuống giống 14.500ha lúa trên đất tôm, tăng gần 1.000ha so với cùng kỳ năm trước. Huyện cũng đã tập trung đầu tư và hoàn thiện các cống phân ranh mặn - ngọt, hướng đến xây dựng vùng sản xuất luân canh quy mô lớn theo định hướng “lúa thơm - tôm sạch” góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân. Bên cạnh đó, việc giá lúa liên tục tăng cao trong những ngày qua là tín hiệu vui và cũng là động lực để bà con hăng hái ra đồng, tăng diện tích sản xuất.
“Tuy phần lớn nông dân đều nắm được các kỹ thuật cơ bản của việc canh tác lúa trên đất tôm, nhưng trước những tác động ngày càng khắc nghiệt, khó đoán của thời tiết, ngành Nông nghiệp vẫn khuyến cáo bà con không nên lơ là, chủ quan, mà cần thường xuyên thăm đồng, kịp thời xử lý sâu bệnh nếu có, nhằm hướng đến vụ mùa thành công”, ông Phạm Văn Tới - Phó phòng NN&PTNT TX. Giá Rai, cho biết.
Nông dân huyện Hồng Dân sử dụng máy sạ lúa theo khóm để xuống giống vụ lúa trên đất tôm. Ảnh: C.L
Đồng hành cùng nông dân
Tuy thời tiết tương đối thuận lợi, các chi phí dịch vụ đầu vào không tăng cao, nhưng nông dân vẫn lo giá các mặt hàng như: phân, thuốc, nhân công lao động… sẽ “ăn theo” giá lúa hiện tại để tăng trong thời gian tới. Thêm vào đó, việc tìm kiếm đầu ra cho hạt lúa sau khi đến kỳ thu hoạch cũng là nỗi trăn trở của nhiều nông dân trong vùng chuyển đổi hiện nay.
Để giúp nông dân yên tâm sản xuất, các địa phương đã chủ động liên hệ với các tổ hợp tác, hợp tác xã, công ty, doanh nghiệp cả trong và ngoài tỉnh để liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu với cam kết cung cấp các loại vật tư nông nghiệp đầu vào cũng như bao tiêu sản phẩm khi đến kỳ thu hoạch.
Mặt khác, để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con hoàn thành việc xuống giống, các địa phương trong vùng chuyển đổi của tỉnh cũng đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành nạo vét, nâng cấp các tuyến kênh nội đồng, kiểm tra và vận hành các cống giúp việc tháo nước ra khỏi đồng ruộng được thông suốt. Cùng với đó là thường xuyên quan sát sự phát triển của cây trồng - vật nuôi để chủ động phòng, chống dịch bệnh…
Theo ông Lê Văn Tần - Chủ tịch UBND huyện Phước Long: “Trong định hướng phát triển của địa phương thì huyện luôn quan tâm đến việc phát triển, nhân rộng mô hình luân canh tôm - lúa. Do đó, thời gian qua huyện đã dành nhiều nguồn lực để từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng, giúp nông dân chủ động trong sản xuất. Bên cạnh đó, huyện cũng tạo điều kiện mời gọi, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài huyện tiến hành liên kết để bao tiêu lúa gạo cho bà con cũng như hỗ trợ giống, kỹ thuật, phân, thuốc… để mô hình luân canh ngày càng phát triển ổn định, mang lại sinh kế bền vững cho nông dân”.
Chí Linh
- Tỉnh ủy Bạc Liêu thông qua Đề án tổng thể về sắp xếp, tinh gọn bộ máy
- Huyện Phước Long: Phấn đấu xóa dứt điểm nhà tạm, nhà dột nát trong quý 1/2025
- Tầm viễn kiến chính trị, quyết sách sáng tạo và cương lĩnh hành động chiến lược đối với lực lượng Công an Nhân dân, trước thềm Kỷ nguyên mới
- Ra quân triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Các đồng chí nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng