Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Nông nghiệp Bạc Liêu: 25 năm bứt phá
Sau 25 năm tái lập tỉnh, vai trò là “trụ đỡ” và góp phần quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, ngành Nông nghiệp đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Lấy thủy sản mà trọng tâm là con tôm làm mũi nhọn đột phá, Bạc Liêu đang tập trung xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại với thế hệ nông dân thông minh.
Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà kín của Công ty Cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu.
Bước chuyển về chất
Ngay sau khi tỉnh Bạc Liêu được tái lập (ngày 1/1/1997), với thế và lực mới, ngành Nông nghiệp bắt tay ngay vào việc thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trải qua chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, nông nghiệp, nông thôn Bạc Liêu đạt được những thành tựu nổi bật. Ngành Nông nghiệp luôn giữ vai trò là “trụ đỡ” và góp phần quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chung của tỉnh. GRDP nông - lâm - thủy sản từ 993,13 tỷ đồng năm 1997 đạt tăng lên 12.817 tỷ đồng vào năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 1,92 triệu đồng năm 1997 tăng lên 37,5 triệu đồng năm 2021 (tăng 19,53 lần).
Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, lĩnh vực thủy sản có bước tăng trưởng đáng chú ý nhất. Tổng sản lượng thủy sản năm 2021 đạt 414,40 ngàn tấn, tăng 8,29 lần so với năm 1997. Diện tích nuôi trồng thủy sản 142,20 ngàn héc-ta (tăng 3,37 lần so với năm 1997). Năm 1997, Bạc Liêu chưa có mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến năm 2021, toàn tỉnh đã có 23 công ty, 650 hộ dân thực hiện mô hình với tổng diện tích thả nuôi 3.807ha. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao cho năng suất tăng từ 10 - 15 lần so với nuôi tôm thông thường.
Trong chuyển dịch cơ cấu, mô hình canh tác tôm - lúa phát triển bền vững tăng qua từng năm về diện tích, năng suất và giá trị gia tăng. Bạc Liêu cũng có nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm giống quy mô lớn, chất lượng cao. Sản lượng tôm giống mỗi năm từ 32 - 35 tỷ post tôm sú, tôm thẻ, đáp ứng tốt nhu cầu cho người nuôi tôm trong và ngoài tỉnh, chiếm 22% thị phần cả nước và hơn 50% thị phần vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Về phát triển sản xuất lúa, dù đã chuyển đổi gần 60.000ha đất lúa sang mô hình chuyên tôm và tôm - lúa, nhưng sản lượng lúa năm 2021 vẫn đạt ở mức 1,22 triệu tấn, tăng 2,35 lần so với năm 1997. Mô hình hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp, sản xuất lúa chất lượng cao gắn với cánh đồng lớn được triển khai tích cực. Năm 2021, nông dân trong tỉnh xây dựng được 68 cánh đồng lớn với diện tích canh tác gần 26.000ha, sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với việc phát triển giống lúa ST24 và ST25 bước đầu có kết quả khả quan trên đồng đất Bạc Liêu, ngành Nông nghiệp còn xây dựng mô hình sản xuất lúa an toàn theo quy trình hữu cơ, xây dựng thương hiệu lúa thơm - tôm sạch với các giống lúa đặc trưng của tỉnh.
Mô hình lúa - tôm huyện Phước Long.
Ở từng vùng quê, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã làm thay đổi sâu sắc bộ mặt nông thôn. Toàn tỉnh có 49/49 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đang thẩm tra 3 xã NTM kiểu mẫu. Huyện Phước Long và TP. Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Với việc hoàn thành các chỉ tiêu trên tất cả các lĩnh vực, đời sống người dân nông thôn được nâng lên một cách rõ rệt cả về vật chất lẫn tinh thần.
Phát triển bền vững, thích ứng
Trước những cơ hội lẫn thách thức của thời kỳ hội nhập, ngành Nông nghiệp không còn hướng đi nào khác ngoài việc đẩy mạnh phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ từng bước cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả trụ cột thứ nhất trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là “Phát triển nông nghiệp, mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo”.
Cụ thể, cùng với phát triển mạnh mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị, sản xuất sạch, hữu cơ, ngành Nông nghiệp cũng tập trung phát triển các đối tượng chủ lực theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao…; thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo môi trường, dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh để giảm thiểu rủi ro, nâng cao thu nhập cho người nuôi.
Tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung, các vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, tôm - lúa..., đồng thời với việc có các giải pháp hiệu quả hơn về xử lý môi trường trong nuôi tôm. Thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Để phát huy thế mạnh cho sản xuất lúa gạo, những cánh đồng lớn, vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp, chất lượng, thuận thiên, phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được xây dựng với sự liên kết bao tiêu bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân. Song song đó, ngành cũng sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thủy lợi, nhất là hệ thống công trình phân ranh mặn - ngọt; các ô đê bao khép kín; hệ thống trạm bơm điện vừa và nhỏ... đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP.
Nâng cao chất lượng chương trình xây dựng NTM, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ và huy động nguồn lực tập trung xây dựng những vùng quê NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an ninh với hệ thống hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ tiệm cận với khu vực đô thị...
Lộ giao thông đạt chuẩn nông thôn mới ở xã Phong Thạnh A (TX. Giá Rai). Ảnh: M.Đ
Những thành tựu qua 25 năm tái lập tỉnh của ngành Nông nghiệp đã tạo nền tảng vững chắc cho Bạc Liêu xác lập hướng phát triển xanh và bền vững để linh hoạt thích ứng trong mọi hoàn cảnh, dưới sự tác động của các điều kiện khách quan và chủ quan.
Minh Đạt