Nông nghiệp Bạc Liêu: Canh tác thông minh để giảm chi phí đầu vào

Thứ Hai, 15/08/2022 | 17:25

Hiện nay, giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón ngày càng tăng cao. Đây là vấn đề nông dân rất quan tâm và tìm mọi cách giảm chi phí đầu tư nhằm đảm bảo lợi nhuận. Trong đó, cách làm phổ biến để giảm chi phí đầu vào là sử dụng bón phân hữu cơ và áp dụng nhiều mô hình sản xuất thông minh.

Lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình sản xuất lúa sử dụng phân bón hữu cơ thay phân hóa học ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long).

Ưu tiên dùng phân hữu cơ

Việc sử dụng phân hóa học trong thời gian dài làm cho đất ngày càng nghèo dinh dưỡng, giảm độ phì nhiêu và khiến đất bị chai lì, gia tăng vi khuẩn gây sâu bệnh... Ngoài gây ô nhiễm môi trường, việc lạm dụng phân hóa học còn dẫn tới vấn đề không đảm bảo an toàn thực phẩm như dư lượng kim loại nặng và nitrat trong sản phẩm nông nghiệp.

Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh có hơn 100ha/vụ sản xuất lúa hữu cơ và một số diện tích rau màu (rau cần, rau má…) sử dụng bón phân hữu cơ. Để khuyến khích nông dân sử dụng phân hữu cơ thay thế phân hóa học, hàng năm tỉnh hỗ trợ phân bón hữu cơ cho gần 7.000ha sản xuất lúa ST 24, ST 25, qua đó giúp nông dân từng bước tiếp cận với loại phân bón này và thấy được hiệu quả của nó trong sản xuất.

Ngành chức năng còn khuyến cáo việc phối hợp sử dụng phân hóa học kết hợp phân hữu cơ nhằm thay đổi tập quán canh tác của người dân. Đây là hướng đi mới có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất nông nghiệp bền vững. Theo đó, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (BVTV) đầu tư “Mô hình canh tác lúa có bổ sung phân hữu cơ” trên vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 tại Hợp tác xã (HTX) Thanh Sơn (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình). Diện tích thực hiện mô hình là 60ha với 54 nông dân tham gia. Nhà nước hỗ trợ 50% lúa giống Nàng hoa 9, hỗ trợ 50% phân hữu cơ, một lần phun thuốc BVTV và 50% huy động vốn đối ứng của nông dân.

Nông dân tham gia mô hình được hướng dẫn kỹ thuật bón phân cân đối, hợp lý theo nhu cầu của cây lúa theo từng thời điểm, tránh bón thừa phân; bón phân hữu cơ giúp cây cứng, chống đổ ngã, tăng chất lượng nông sản. Việc sử dụng phân hữu cơ giúp giảm phân bón hóa học, hạn chế sâu bệnh phát sinh gây hại, giảm chi phí đầu tư (vì giá phân hữu cơ thấp hơn nhiều so với phân hóa học)… Ông Trần Văn Ngổ - Giám đốc HTX Thanh Sơn, cho biết: “Trong vụ lúa đông xuân 2021 - 2022, khi sử dụng phân hữu cơ bón cho lúa, nhìn chung sâu bệnh phát sinh gây hại nhẹ hơn so với các ruộng lúa khác trong khu vực. Số lần phun thuốc trừ sâu bệnh giảm nên giá thành sản xuất giảm, nhờ đó lợi nhuận tăng hơn 3 triệu đồng/ha”. Kết quả thực hiện, mô hình giảm được 10 - 15% phân hóa học, 2 lần phun thuốc/vụ; mô hình có tổng chi phí hơn 19 triệu đồng/ha, giảm hơn 800.000 đồng/ha, năng suất lúa đạt hơn 7,2 tấn/ha, tăng 350kg/ha; giá thành sản xuất giảm 350 đồng/kg lúa; tổng lợi nhuận gần 18 triệu đồng/ha, tăng hơn 3,2 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng. Tính trên 60ha, HTX Thanh Sơn thu lợi nhuận tăng hơn 190 triệu đồng.

Trước tình hình phân bón hóa học tăng cao, nông dân không chỉ sử dụng phân bón hữu cơ cho lúa mà còn bón cho rau màu để giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm. Điển hình là nông dân HTX Phước Sang (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu), HTX 8/3 (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long)…

Ruộng lúa - bờ hoa là một trong những mô hình thông minh bảo vệ thiên địch, hạn chế phun xịt thuốc trừ sâu bệnh trên lúa.

Các mô hình thông minh

Bên cạnh sử dụng phân hữu cơ, nông dân còn ứng dụng nhiều mô hình canh tác thông minh để giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Cụ thể là ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa mà ngành Nông nghiệp khuyến cáo như: chương trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, IPM, canh tác lúa SRI, SRP…

Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp đã tổ chức 17 lớp tuyên truyền sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” với 500 nông dân tham gia. Có hơn 109.000ha diện tích ứng dụng chương trình “3 giảm - 3 tăng”; hơn 104.000ha diện tích xuống giống né rầy... Ngoài ra, ngành chức năng còn triển khai thực hiện các mô hình: xây dựng tổ chức cộng đồng (tổ hợp tác/HTX) canh tác lúa thông minh theo hướng hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn liên kết bao tiêu sản phẩm với quy mô 300ha ở các huyện Phước Long, Hòa Bình và Vĩnh Lợi. Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất tôm sạch, lúa an toàn và hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững với gần 1.200ha. Xây dựng mô hình canh tác tôm - lúa theo hướng tôm sạch, lúa an toàn gắn với liên kết chuỗi giá trị; mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh tôm - lúa theo hướng xanh...

Kỹ sư Trần Văn Na - Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, cho biết: “Phân hữu cơ ngoài các giá trị dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng, còn giúp cải tạo đất, bảo vệ môi trường, tạo môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật có ích phát triển. Hướng đến phát triển một nền nông nghiệp bền vững, bên cạnh sử dụng phân hữu cơ thì các mô hình sản xuất thông minh còn là một giải pháp giúp nông dân ứng phó với cơn bão giá vật tư, phân bón và thuốc BVTV tăng cao”.

Có thể thấy, việc sử dụng phân bón hữu cơ và áp dụng các mô hình sản xuất thông minh là một xu hướng tất yếu để hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.

Minh Đạt

Nông dân huyện Vĩnh Lợi bón phân hữu cơ cho ruộng lúa thay thế phân hóa học. Ảnh: M.Đ

-----------------------

Những lợi ích của việc sử dụng phân hữu cơ

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, sử dụng phân bón hữu cơ không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho nông dân, mà còn có nhiều lợi ích cho cây trồng. Cụ thể là:

1. Làm nâng cao chất lượng nông sản.

2. Giúp đất tơi xốp và tăng độ phì.

3. Hạn chế xói mòn đất và trôi rửa các chất dinh dưỡng.

4. Phát triển của các vi sinh vật có lợi trong đất.

5. Làm sạch nguồn nước.

6. Giảm sâu bệnh gây hại.

7. Hạn chế sử dụng thuốc BVTV.

8. Tiết kiệm nước tưới.

9. Giúp giảm lượng phân hóa học.

10. Tốt cho sức khỏe con người.

Nhật Minh (trích tài liệu Khuyến nông)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.