Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Nông nghiệp Bạc Liêu: Sức bật từ Nghị quyết 21
Thực hiện Nghị quyết 21 và Kết luận 28 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thời gian qua, Bạc Liêu đã tích cực thực hiện tốt Nghị quyết và Kết luận này, góp phần quan trọng vào phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn và xây dựng nên những tiền đề quan trọng cho xây dựng thành công nền nông nghiệp hiện đại.
Thi công công trình thủy lợi phục vụ sản xuất ở TX. Giá Rai.
DIỆN TÍCH, NĂNG SUẤT KHÔNG NGỪNG TĂNG
Từ khi thực hiện Nghị quyết 21 và Kết luận 28, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Năm 2020, tỷ trọng nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 36,01%; so với năm 2002 nông - lâm nghiệp và thủy sản giảm 23,59%. Đặc biệt, thu nhập bình quân ở vùng nông thôn đạt 39,5 triệu đồng/người/năm 2020 (tăng 26,37 triệu đồng/người/năm so với năm 2002).
Có được những kết quả quan trọng trên, do Bạc Liêu đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, xây dựng nên những mô hình sản xuất bền vững, góp phần cho diện tích, năng suất không ngừng nâng cao. Cụ thể, tổng diện tích sản xuất lương thực năm 2020 đạt 187.769ha, tăng 17.725ha so với năm 2002 và cho tổng sản lượng 1.151.048 tấn, tăng 455.896 tấn so với năm 2002. Hay trong nuôi trồng thủy sản (NTTS), tổng diện tích sản xuất năm 2020 đạt 140.549ha. Trong đó, diện tích nuôi siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh 24.050ha; diện tích nuôi thủy sản trên đất tôm - lúa 39.578ha và diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp 72.962ha; diện tích nuôi cua cá và thủy sản khác 3.959ha, tăng 42.124ha so với năm 2002.
Cùng với tăng diện tích sản xuất và sản lượng, đến nay Bạc Liêu đã xây dựng và hình thành nên các vùng sản xuất chuyên canh, đa canh với các ngành hàng chủ lực gồm: vùng chuyên canh lúa nước (sản xuất 2 - 3 vụ/năm với các giống lúa chất lượng cao ngắn ngày và lúa đặc sản địa phương) tập trung ở Tiểu vùng giữ ngọt ổn định phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh với diện tích 58.800ha và vùng NTTS tập trung 135.100ha.
Song song đó, Bạc Liêu đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho xây dựng và phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất. Đơn cử như xây dựng trên 100 cống tưới tiêu; 6 công trình kè chống sạt lở bờ biển, bờ sông và khu dân cư, trung tâm thị trấn; 31 kênh trục, kênh cấp 1 dài 654km và 481 kênh cấp 2 dài 2.833km; 47 trạm bơm điện và 269 ô thủy lợi khép kín…
Mô hình cải tạo vườn tạp phát triển vườn cây ăn trái ở huyện Phước Long giúp nông dân tăng thu nhập. Ảnh: K.T
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ THÍCH ỨNG
Phát huy những kết quả đạt được, từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bạc Liêu sẽ tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các đối tượng sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thực hiện “mục tiêu kép” theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quản trị hiện đại, liên kết chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa. Đồng thời, phát triển kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, phát huy vai trò là trụ cột của nền kinh tế và đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh phát triển của đất nước.
Để hoàn thành các mục tiêu quan trọng này, Bạc Liêu sẽ tiếp tục phát triển các đối tượng chủ lực gồm: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể… Thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”; ưu tiên phát triển diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh; xác định nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn; nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn; phát triển ổn định, bền vững mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm sạch (tôm - lúa, tôm - rừng, rừng - tôm); ứng dụng rộng rãi NTTS có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic, ASC, MSC, ứng dụng công nghệ cao… gắn với cấp mã vùng truy xuất nguồn gốc.
Tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực: lúa gạo chất lượng cao và đặc sản; rau quả công nghệ cao; xây dựng các vùng sản xuất hữu cơ phù hợp với các sản phẩm chủ lực và tại các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh. Giữ ổn định diện tích đất chuyên trồng lúa nước 58.600ha ở Tiểu vùng giữ ngọt ổn định phía Bắc Quốc lộ 1A; mở rộng địa bàn sản xuất lúa trên đất tôm - lúa đạt 43.000 - 48.000ha ở Tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A, gắn với đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống công trình thủy lợi phân ranh mặn - ngọt; nạo vét hệ thống kênh mương bị bồi lắng; phát triển hệ thống trạm bơm điện vừa và nhỏ; từng bước thực hiện kiên cố hóa kênh mương (gia cố bờ kênh, xây dựng cống, đập, trạm bơm); phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao (lúa thơm, lúa đặc sản), lúa chịu mặn mang thương hiệu Bạc Liêu…
Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn (măng tây, ngò rí...) trên cơ sở áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong sản xuất để đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhân rộng các mô hình nông nghiệp đô thị và đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, góp phần tăng thu nhập và giải quyết thêm nhiều việc làm cho nông dân…
TRẦN TRUNG
Theo kế hoạch từ nay đến năm 2030, Bạc Liêu sẽ phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu. Phát triển nông nghiệp thông minh theo hướng bền vững, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quản trị hiện đại, liên kết chuỗi giá trị tôm, lúa gạo trên cơ sở thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng các mô hình nông nghiệp điển hình dựa trên các lợi thế của từng vùng; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa đô thị và nông thôn; góp phần thực hiện đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới.
Tầm nhìn đến năm 2045, Bạc Liêu sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình nông nghiệp điển hình dựa trên các lợi thế của từng vùng; thu hẹp khoảng cách chênh lệch về phát triển giữa đô thị và nông thôn; duy trì tăng trưởng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; đảm bảo nâng cao cao thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho cư dân nông thôn, xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển nông thôn mới văn minh, giàu đẹp…