Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Nông nghiệp Bạc Liêu và những thành tựu vượt bậc
Từ một nền nông nghiệp lạc hậu, chỉ sản xuất một vụ lúa/năm, sau 47 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nông nghiệp Bạc Liêu đã phát triển vượt bậc với nhiều mô hình sản xuất đa canh, đa con đến nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao…
Lộ nông thôn ở xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi).
TRỤ ĐỠ NỀN KINH TẾ
Nếu như trước đây nông nghiệp Bạc Liêu chỉ sản xuất một vụ lúa và phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, thì đến nay nông nghiệp được xác định là trụ đỡ trong phát triển kinh tế của tỉnh. Đó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ được chú trọng, từng bước chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng ngành Nông nghiệp vẫn phát triển khả quan, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ, toàn ngành đạt mức tăng trưởng 4,4%, góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh đạt 5,05%, đứng thứ nhất trong 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản 414.400 tấn, đạt 100% kế hoạch, tăng 8,8% so với cùng kỳ; sản lượng lúa 1.222.319 tấn, đạt 105,8% kế hoạch, tăng 4,3% so với cùng kỳ. Việc liên kết sản xuất lúa chất lượng cao gắn với cánh đồng lớn được triển khai tích cực. Toàn tỉnh có 68 cánh đồng lớn với diện tích 25.935ha, sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ sản phẩm được các địa phương triển khai, nhân rộng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn tỉnh thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất với diện tích 76.146ha, sản lượng bao tiêu 504.646 tấn (có gần 60 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia bao tiêu). Về thủy sản cũng có nhiều công ty thực hiện liên kết sản xuất (nuôi tôm sạch, sinh thái...) với các hợp tác xã, tổ hợp tác, diện tích 1.991ha, sản lượng bao tiêu 749 tấn tôm.
Về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến cuối năm 2021 toàn tỉnh có 49 xã NTM, 11 xã NTM nâng cao, 3 xã NTM kiểu mẫu; huyện Phước Long và TP. Bạc Liêu được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Toàn tỉnh có 91 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao…
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng lớn (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi).
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Một phần tư thế kỷ qua kể từ khi tái lập tỉnh, nông nghiệp Bạc Liêu ngày càng có nhiều khởi sắc, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, đặc biệt là tỉnh đã xác định được 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, từ đó góp phần tạo khí thế mới với mục tiêu phấn đấu đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững hơn trong thời gian tới. Trong đó, nông nghiệp vẫn là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Từ cơ sở trên, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được phát triển. Hiện toàn tỉnh có 23 công ty, đơn vị và 650 hộ dân với tổng diện tích thả nuôi tôm siêu thâm canh hơn 3.900ha. Tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước; đến nay hoàn thành hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, tuyển chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư vào khu, chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao cho năng suất tăng từ 10 - 15 lần so với nuôi tôm thông thường. Trong chuyển dịch cơ cấu, mô hình canh tác tôm - lúa đều tăng qua từng năm về diện tích, năng suất và giá trị gia tăng - đây là mô hình phát triển bền vững, lợi nhuận cao hơn 15 - 30% so với độc canh cây lúa.
Nông dân xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) thu hoạch tôm nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao trong nhà kín. Ảnh: M.Đ
Hiện Bạc Liêu đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; phấn đấu đến năm 2025 sản lượng thủy sản đạt 600.000 tấn, lúa đạt 1.240.000 tấn và muối đạt 55.000 tấn. Phát triển mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh, mô hình lúa thơm - tôm sạch, xây dựng vùng sản xuất lúa - tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh gắn với xây dựng cánh đồng lớn, hướng đến sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic, ASC, MSC…
Đánh giá về ngành Nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều khẳng định nông nghiệp luôn là trụ đỡ trong phát triển của kinh tế, vì vậy ngành Nông nghiệp cần tổ chức lại sản xuất, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao và phát triển bền vững. Trong xây dựng NTM, ngành Nông nghiệp cần xác định, mục đích cuối cùng của xây dựng NTM là nâng cao đời sống người dân nông thôn; xây dựng nông thôn thành những làng quê đáng sống.
MINH ĐẠT
- Hải đoàn 42: Tổng kết 10 năm thực hiện việc học tập và làm theo Bác
- Hơn 90 cán bộ Đoàn, Hội được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ năm 2025
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Đông Hải
- Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao ban công tác quý 1/2025
- Mở 3 lớp tập huấn cho cán bộ Hội Cựu chiến binh toàn tỉnh