Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Nông nghiệp Bạc Liêu - Vững bước đi lên
Phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, từng bước nâng cao chất lượng nông sản theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường, hình thành các vùng chuyên canh, luân canh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, kinh nghiệm sản xuất của nhà nông... là những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được ngành Nông nghiệp tỉnh đề ra để phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình, khẳng định vị thế trong khu vực, tạo bước đột phá “dài hơi” góp phần chung vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hướng dẫn nông dân xã Minh Diệu (huyện Hòa Bình) sử dụng máy bay điều khiển từ xa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: C.L
Hướng đến tăng trưởng bền vững
Năm 2024 đã khép lại và một lần nữa, ngành Nông nghiệp tiếp tục chứng minh vai trò là “điểm tựa” nền kinh tế của tỉnh, nhất là trong bối cảnh biến động thị trường, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Bước vào năm 2025, để đảm bảo hoàn thành kế hoạch, ngành Nông nghiệp đã và đang quan tâm, dành nguồn lực lớn để đầu tư cho phát triển mô hình sản xuất, lấy nông dân làm chủ thể thực hiện. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ để nông dân vươn lên và làm giàu ngay trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Trên cơ sở đó, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, góp phần duy trì hệ sinh thái tự nhiên, không gây hại đến sức khỏe người trực tiếp canh tác và người tiêu dùng.
Những phương thức canh tác mới, hiện đại, an toàn đã dần thay thế cho cách trồng trọt, chăn nuôi trước kia, trong đó, chất lượng nông sản được đặt lên hàng đầu để tạo giá trị bền vững lâu dài. Tại huyện Phước Long, địa phương đã tập trung nâng cao giá trị cho mô hình luân canh tôm - lúa, cây rau màu mà chủ đạo là cây rau cần nước và bắp nếp bằng cách khuyến khích người dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn cho nông dân chuyển đổi sản xuất từ đất lúa sang trồng màu, phát triển các mô hình luân canh, xen canh... Qua đó, giúp nâng cao thu nhập của nông dân trên cùng một diện tích canh tác. Ông Phạm Ngọc Châu (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) chia sẻ: “Từ khi Nhà nước cho chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang luân canh rau màu kết hợp với trồng bắp, dưa hấu thì đời sống người dân trong xóm tôi đã khấm khá hơn rất nhiều. Cuộc sống kinh tế ổn định thì mọi người cũng chung tay, ra sức đóng góp kinh phí, ngày công… xây dựng đường làng, ngõ xóm ngày một đồng bộ, khang trang”.
Xác định tái cấu trúc ngành Nông nghiệp, định vị sản xuất theo chuỗi giá trị và nhu cầu thị trường, huyện Hồng Dân đã tập trung ưu tiên mở rộng phát triển các sản phẩm lợi thế của mình, đồng thời, tiếp tục thực hiện các mô hình sản xuất kết hợp định hướng theo chuỗi giá trị sản phẩm. Điển hình là phát triển mô hình phá vườn tạp trồng cây ăn trái dọc theo các cụm, tuyến dân cư ven các tuyến kênh lớn, hay mô hình vườn - ao - chuồng kết hợp, đưa màu lên bờ ruộng lúa… Bên cạnh đó, mô hình chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới cũng được nông dân tích cực áp dụng như: nuôi trâu sinh sản, trồng cây ăn trái; phát triển vùng nuôi tôm thương phẩm kết hợp với canh tác lúa hữu cơ, trồng rau trong nhà lưới...
Thông qua việc chuyển đổi phương thức sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật, giá trị các mặt hàng nông sản đã nâng lên rõ rệt. Nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP ngày càng đứng vững, vươn ra các thị trường lớn. Các sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh bao gồm các sản phẩm nông sản chế biến từ tôm, gạo, muối, và các mặt hàng đan đát…
Xây dựng thương hiệu
Định hướng thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đổi mới cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp chất lượng, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Trong lĩnh vực trồng trọt, tiếp tục xây dựng các cánh đồng lớn gắn với liên kết bao tiêu nông sản. Đặc biệt, xây dựng thương hiệu “lúa thơm - tôm sạch” Bạc Liêu trên thị trường nông sản trong nước và quốc tế. Muốn vậy, một trong những giải pháp rất cần thiết và cũng là “điểm trũng” mà ngành Nông nghiệp tỉnh cần sớm khắc phục đó là kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến lúa, gạo chuyên sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho mặt hàng này. Bởi tuy là một trong những tỉnh có diện tích canh tác và sản lượng lúa khá lớn với trên 1,2 triệu tấn/năm, năng suất bình quân 6,57 tấn/ha, thế nhưng, lâu nay Bạc Liêu vẫn chỉ là “vùng nguyên liệu” cho các tỉnh, thành lân cận, chưa có sản phẩm chủ lực, đặc trưng đủ lớn để cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu lúa, gạo của các tỉnh, thành trong khu vực cũng như cả nước. Trong khi đó, chất lượng gạo và tôm của Bạc Liêu đã được chứng minh là nguồn thực phẩm yêu thích của nhiều người tiêu dùng, thậm chí được chọn làm quà tặng trong dịp lễ, tết.
Cùng với đó, cần tiếp tục phát huy thế mạnh về khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển. Trong nuôi trồng, phát triển nuôi trên nước mặn, nước lợ, nước ngọt. Nông nghiệp kết hợp với du lịch cũng đang là một hướng đi mới cho hiệu quả cao. Các địa phương trong tỉnh đã tạo ra các mô hình hấp dẫn: Du lịch trang trại đồng quê, trải nghiệm làm nông dân, trải nghiệm những sinh hoạt, lao động, ẩm thực thường ngày của người dân bản địa... đáp ứng được phần nào nhu cầu của du khách, tạo ra các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách. Nhiều khu du lịch nông nghiệp được biết đến như: cánh đồng điện gió, du lịch làng rừng, làng nghề đan đát, nghề rèn…
Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng sẽ tập trung phát triển đối với lĩnh vực có dư địa tăng trưởng như thủy sản, lúa chất lượng cao, chăn nuôi. Trong đó, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, nhất là các mô hình nuôi biển bền vững, nuôi tôm siêu thâm canh, luân canh trong vùng chuyển đổi gắn với chế biến sâu, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Bạc Liêu.
Với những bước đi, cách làm hiệu quả, nông nghiệp Bạc Liêu đã từng bước khẳng định được vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Qua đó góp phần quan trọng vào quá trình tăng trưởng chung của tỉnh, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông thôn văn minh, hiện đại đồng bộ với tăng trưởng xanh, phát triển đô thị, công nghiệp dịch vụ.
Khánh Nguyên
Theo ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT: “Thời gian tới, ngành sẽ tham mưu cho tỉnh tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, tập trung thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tích cực chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thủy sản, nhất là các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dụng công nghệ mới, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng công nghệ trong thu hoạch, bảo quản, sơ chế, đóng gói sản phẩm…”.