Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Ông Phạm Văn Thuận: Giàu lên nhờ nuôi tôm
Ông Phạm Văn Thuận (ấp Xẻo Gừa, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) là người nuôi tôm thành công nhiều năm qua. Từ khi chuyển đổi mô hình sản xuất đa cây, đa con (do huyện Hồng Dân triển khai năm 2000), con tôm đã thật sự giúp gia đình ông Thuận làm giàu.
Ông Phạm Văn Thuận (bên trái) giới thiệu tôm giống cho khách hàng. Ảnh: N.V
Với diện tích 5ha, ông Thuận nuôi 5 ao tôm con, 2 ao tôm càng. Ông Thuận chia nhỏ vùng nuôi và thả giống xen canh, cho tôm giống ở ao riêng, khi tôm đạt cỡ lớn hơn thì đưa vào ao nuôi khác để thả giống mới. Cứ thế, lúc nào ông Thuận cũng có thể đáp ứng cho khách hàng tôm giống, tôm con và tôm thịt.
Nhờ đầu ra con tôm ổn định nên ông Thuận không lo về số lượng, chỉ tập trung nuôi cho tôm đạt chất lượng. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông lãi vài trăm triệu đồng.
Nuôi tôm thành công và làm giàu nhưng ông Thuận không giấu nghề. Bà con quanh xóm, khách đến xem cách nuôi tôm ông đều chia sẻ kinh nghiệm. Ông Thuận cho rằng: “Nuôi tôm là nghề “bà cậu”. Giấu nghề thì “tổ tôm” sẽ không cho mình hưởng dài lâu. Vả lại, bà con mình nuôi tôm trúng thì mình càng mừng, chứ sao phải giấu nghề. Bởi thế, ai muốn học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm tôi đều chia sẻ”.
Ông Thuận bày tỏ: “Để có những vụ tôm thành công, tôi phải học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi ở các lớp tập huấn, tìm tòi trên mạng Internet, nhờ bạn bè hướng dẫn… Mỗi chỗ có cái hay riêng, tôi đem về áp dụng cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương và chọn cách tốt nhất để áp dụng”.
Nhiều năm qua, ông Phạm Văn Thuận được chọn là gia đình làm kinh tế giỏi, được xã, huyện tuyên dương nhiều lần.
Ngọc Vũ
- Sức sống mới ở những vùng căn cứ cách mạng
- Thế hệ sinh năm 1975: Trưởng thành cùng quê hương Bạc Liêu
- Đại thắng mùa Xuân 1975: Minh chứng thuyết phục về sức mạnh đoàn kết dân tộc
- Bạc Liêu - Cà Mau chiếm gần 30% tiềm năng điện gió ven bờ cả nước
- Bàn giao 101 máy quét Căn cước và thiết bị sinh trắc học cho các cơ sở y tế