Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
PHÁT HUY VÀ NÂNG CAO GIÁ TRỊ CHO HẠT LÚA
Cùng với con tôm xuất khẩu thì cây lúa được xem là thế mạnh kinh tế thứ hai của tỉnh. Phát huy thế mạnh này, Bạc Liêu đã và đang nhân rộng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với xây dựng những mô hình sản xuất, liên kết bền vững, thân thiện với môi trường.
Nông dân huyện Phước Long chăm sóc ruộng lúa ST24. Ảnh: T.A
GIÚP NÔNG DÂN TĂNG LỢI NHUẬN
Năm qua, sản xuất nông nghiệp đương đầu với nhiều khó khăn, nhất là tình hình thời tiết diễn biến khó lường, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao đã làm giảm lợi nhuận của nông dân. Song, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp nên nông dân đã xuống giống đồng loạt theo lịch thời và cho năng suất bình quân 6,5 tấn/ha. Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch đề ra thì tổng sản lượng lúa năm 2022 chỉ đạt 97,38% so với kế hoạch (đạt 1.192.958 tấn), giảm 2,73% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do trà lúa đông xuân ảnh hưởng của mưa trái mùa và trà lúa hè thu cũng bị ảnh hưởng mưa, bão ở cuối vụ nên giảm năng suất. Bên cạnh đó, một số diện tích đất lúa vùng trũng thấp bị ngập nước và giá vật tư tăng cao nên nông dân bỏ vụ lúa thu đông không xuống giống…
Sản xuất tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ một số giống lúa chất lượng cao được nhân rộng cũng đã mang lại nhiều lợi nhuận cho nông dân. Chẳng hạn như việc triển khai nhân rộng canh tác giống lúa ST24, ST25 với diện tích trên 17.630ha ở các địa phương vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A. Qua kết quả thực hiện cho thấy, giống lúa ST24, ST25 sinh trưởng và phát triển tốt, thích hợp với thổ nhưỡng địa phương, chịu phèn, chịu mặn, đẻ nhánh tốt, năng suất đạt từ 6 - 7 tấn/ha, đặc biệt giá bán lúa tươi cao, dao động từ 7.200 - 8.000 đồng/kg và cho lợi nhuận từ 17 - 30 triệu đồng/ha. So với các giống lúa chất lượng cao khác như: Đài thơm 8, OM18, Một bụi đỏ… thì lợi nhuận tăng thêm 8 - 10 triệu đồng/ha.
NHIỀU MÔ HÌNH HAY
Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, năng suất và giá trị cây lúa không ngừng được cải thiện, nâng cao do ngành Nông nghiệp đã tập trung làm tốt công tác vận động, tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của nông dân trong việc ứng dụng những thành tựu mới vào sản xuất gắn với đẩy mạnh áp dụng các hình thức canh tác thông minh. Như việc ứng dụng mô hình “3 giảm - 3 tăng” và “1 phải - 5 giảm” giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 1,5 - 2 triệu đồng/ha/vụ. Hay như việc thiết lập và quản lý mã số vùng trồng nhằm cấp mã số xuất khẩu cho cây lúa, hoặc thực hiện mô hình sản xuất lúa có bổ sung phân hữu cơ, giảm phân vô cơ…
Kết quả các mô hình và dự án trên đã giúp nông dân tiết kiệm được chi phí đầu vào và nâng cao giá trị, đảm bảo đầu ra ổn định cho cây lúa. Cụ thể với mô hình sản xuất lúa có bổ sung phân hữu cơ, giảm phân vô cơ đã giúp nông dân giảm được lượng giống gieo sạ từ 35 - 47kg/ha và giảm tổng lượng phân bón vô cơ từ 27 - 115kg/ha. Cùng với đó, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm từ 1 - 2 lần/vụ/ha và năng suất tăng thêm từ 0,11 - 0,25 tấn/ha so với sản xuất không ứng dụng mô hình. Đặc biệt, lợi nhuận đạt từ 19 - 22 triệu đồng/ha, cao hơn từ 2,8 - 3,3 triệu đồng/ha so với ruộng canh tác theo tập quán truyền thống của nông dân…
Nhìn chung, nông dân tham gia các mô hình, chương trình Cánh đồng lớn, bổ sung hữu cơ... đã thấy được lợi ích và hiệu quả của mô hình đem lại, vừa giúp giảm chi phí đầu vào, vừa tăng năng suất. Đồng thời đầu ra của sản phẩm được đảm bảo khi liên kết với các đơn vị bao tiêu lúa, gạo.
Tuy nhiên, việc phát triển thế mạnh từ cây lúa năm qua cũng còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp khó dự báo (mưa, bão bất thường, cực đoan gây ngập úng, đổ ngã); dịch hại cây trồng phát sinh bất thường ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất các trà lúa trong năm; Hệ thống ô đê bao chưa đáp ứng được yêu cầu điều tiết nước phục vụ sản xuất trong điều kiện thời tiết bất lợi, khi có thiên tai xảy ra…
Sản xuất lúa tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng hy vọng với Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long được triển khai sẽ góp phần tạo ra những đột phá cho cây lúa và không ngừng nâng cao giá trị cho mặt hàng xuất khẩu thế mạnh này.
TRẦN TRUNG
- Huyện Phước Long: Họp mặt kỷ niệm 50 Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Họp thành viên UBND tỉnh: Thông qua 12 dự thảo văn bản
- Bạc Liêu tham gia họp mặt Khối binh vận tại TP. Hồ Chí Minh
- Khai mạc Lễ hội Quan âm Nam Hải năm 2025
- Khai mạc Giải bóng bàn các CLB tỉnh Bạc Liêu mở rộng năm 2025 tranh Cúp Báo Bạc Liêu