Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Phát triển kinh tế nông nghiệp để có người nông dân chuyên nghiệp
Bài cuối: ĐỘNG LỰC CHO NÔNG NGHIỆP CẤT CÁNH
>>Bài 1: TƯ DUY CŨ TRONG XU THẾ PHÁT TRIỂN MỚI
>>Bài 2: TRI THỨC HÓA NÔNG DÂN
Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại nhằm nâng cao đời sống nông dân, giúp nông thôn khởi sắc lên từng ngày là chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm đưa đất nước phát triển một cách bền vững. Trong tiến trình đó, người nông dân đóng vai trò chủ thể chính để cùng với các “mắc xích” khác xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, có giá trị gia tăng cao. Mục tiêu đã rõ, con người cũng đã có, nhưng để nông nghiệp cất cánh bằng tiềm năng và giá trị vốn có thì vẫn cần thêm nhiều động lực!
Hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương thành các sản phẩm OCOP giúp nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho người nông dân.
LẤY GIÁ TRỊ CAO BÙ ĐẮP CHO KHỐI LƯỢNG LỚN
Muốn hình thành tư duy kinh tế nông nghiệp, nông dân thời đại 4.0 trước nhất phải thấu hiểu nhu cầu thị trường để chọn đúng chủng loại, quy trình sản xuất sản phẩm. Nắm bắt được cái thị trường cần, nông dân tự khắc tuân thủ các phương pháp đảm bảo chất lượng để nông sản đạt tiêu chuẩn, yêu cầu khách hàng.
Trong xu hướng sản xuất thông minh, nông dân hôm nay phải tính kỹ bài toán giảm chi phí nhưng không làm sụt giảm năng suất và chất lượng sản phẩm. Sau khi thu hoạch, nông dân không thể cứ mãi bán sản phẩm tại vườn, ruộng, chuồng mà phải nghĩ cách giúp cho nông sản gia tăng giá trị. Cụ thể là phân loại, làm sạch, đóng gói, sau đó là sơ chế, chế biến và chế biến sâu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc…
Nói một cách đơn giản, nếu như trước đây, nông dân trồng được 1kg rau, thương lái vào tận vườn thu mua với giá 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi 5.000 đồng/kg. Làm nông nghiệp truyền thống kiểu vậy tuy có lãi, nhưng không bền vững. Trong khi đó, cũng với 1kg rau như trên nếu sản xuất bài bản theo quy chuẩn an toàn, có chứng nhận, bao bì, nhãn mát đầy đủ, có ký kết bao tiêu từ đầu vụ,… thì lợi nhuận thể gấp 2 - 3 lần con số 5.000 đồng mà lại không phải lo chuyện được mùa, mất giá hay ế hàng, dội chợ.
Để giúp người nông dân từng bước tiếp cận và chuyển hướng sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang làm kinh tế nông nghiệp, Bạc Liêu đang triển khai một loạt các đề án để tư duy mới này đi vào thực tiễn. Đó là các đề án liên kết hợp tác sản xuất có chứng nhận, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng các vùng chỉ dẫn địa lý… Đây cũng là cơ sở để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, chất lượng, có trách nhiệm và đủ sức cạnh tranh xuất khẩu sản phẩm.
Hiến kế cho nông nghiệp Bạc Liêu cất cánh, TS. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Bạc Liêu là một trong những tỉnh ở cuối nguồn và xa các trung tâm kinh tế lớn nên dù hệ thống giao thông trong tương lai có phát triển tốt như thế nào thì tỉnh cũng không thể đuổi kịp phần lớn các địa phương khác ở ĐBSCL về lợi thế vận chuyển giao thông. Vì thế, hàng hóa nông sản của Bạc Liêu phải lấy giá trị cao bù đắp cho khối lượng lớn. Khi vấn đề an toàn thực phẩm và phòng chống biến đổi khí hậu đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của mọi khách hàng thì muốn chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, không thể không áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất thân thiện với môi trường, đảm bảo bao trùm và trách nhiệm về mặt xã hội. Trong cả thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi cần giảm tối thiểu hóa chất, tiết kiệm nước, áp dụng tối đa cơ giới hóa, tiết kiệm lao động.
Niềm vui trúng mùa, được giá của một lão nông canh tác hoa màu trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.N - P.A
XÂY DỰNG NGUỒN NHÂN LỰC XỨNG TẦM
Trước tiên phải nhìn nhận một thực tế: nông nghiệp của tỉnh thời gian qua tuy tăng trưởng khá nhưng chưa thực sự bền vững, chưa giải quyết tốt vấn đề cung - cầu của thị trường và chính sách bình ổn giá nông sản. Kinh tế tập thể tuy tăng nhanh về số lượng nhưng phần lớn là quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa phổ biến, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu gắn với thị trường tiêu thụ.
Để kinh tế nông nghiệp có bước phát triển dài và chắc hơn, trở thành đòn bẩy phát triển “tam nông”, tỉnh cần có kế hoạch, chiến lược cụ thể về tri thức hóa nông dân để xây dựng nguồn nhân lực xứng tầm nhằm thực hiện những mục tiêu, kỳ vọng mà tỉnh đặt ra cho nông nghiệp. Bởi xét cho cùng, doanh nhân, nhà khoa học và nhà quản lý chỉ đóng vai trò hỗ trợ, còn nông dân mới là chủ thể chính trong phát triển nông nghiệp.
Trong một hội nghị về phát triển kinh tế tập thể, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều đã yêu cầu: “Trong phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã, các cấp, các ngành cần nêu cao vai trò chủ thể của người dân, giúp người nông dân tiếp cận các mô hình kinh tế mới, ứng dụng các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, từng bước hình thành hình mẫu nông dân chuyên nghiệp, góp phần tạo ra chuỗi liên kết, xây dựng vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa lớn, có thương hiệu để từ đó khẳng định giá trị nông sản của tỉnh nhà”.
Thực tế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chứng minh, không phải nơi nào cũng phù hợp để sản xuất lúa 3 vụ/năm hoặc áp dụng mô hình luân canh tôm - lúa. Những năm gần đây, nhiều địa bàn trong vùng chuyển đổi tôm - lúa của 2 huyện Phước Long và Hồng Dân thường xuyên phải chịu cảnh thừa ngọt khi vào vụ tôm, dư mặn khi vào vụ lúa. Chính vì vậy, trên cơ sở tôn trọng tập quán canh tác của nông dân, tỉnh cần rà soát quy hoạch, quy hoạch lại và lên phương án tổng thể vùng chuyên canh cây, con phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng địa phương để tận dụng tối đa lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác.
Trên cơ sở quy hoạch vùng chuyên canh, tỉnh cần đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhất là nguồn điện, nước, hạ tầng giao thông. Mặt khác, thúc đẩy, mở rộng quảng bá, xúc tiến đầu tư, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cả trong và ngoài nước. Đây là công tác quan trọng giải quyết đầu vào và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nhưng là khâu yếu, chưa được quan tâm một cách hợp lý trong thời gian qua. Để làm tốt việc này, rất cần sự năng động, tích cực, chủ động, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh và các đơn vị chuyên môn để đóng vai trò “đầu tàu” trong liên kết phát triển.
Tri thức hóa nông dân để hình thành lực lượng sản xuất chuyên nghiệp, hội đủ các yếu tố về kiến thức, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, đoàn kết và có trách nhiệm là một hành trình không có điểm dừng. Hành trình này cần sự vào cuộc, đổi mới quyết liệt từ các nhà: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý để giúp kinh tế nông nghiệp thật sự “bén rễ, sinh sôi” trên những đồng lúa, vuông tôm ở Bạc Liêu.
Tại Hội nghị tổng kết Ngành NN&PTNT vào đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: ngành nông nghiệp đã có bước tiến mới trong gắn sản xuất với thị trường, chế biến, chuỗi giá trị gia tăng. Đó là nỗ lực và kết quả trong chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Điều này rất quan trọng để góp phần thúc đẩy ngành phát triển, tăng trưởng bền vững hơn, bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội để xây dựng ngành nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh, lấy nông dân là trung tâm, xây dựng nông thôn là nền tảng, phát triển nông nghiệp là động lực.
KHÔI NGUYÊN - PHƯƠNG ANH
- Khai mạc Hội xuân “Chợ quê ngày Tết” TP. Bạc Liêu - năm 2025
- Nhiều địa phương, đơn vị chúc Tết Báo Bạc Liêu
- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Huỳnh Hữu Trí thăm công dân chuẩn bị nhập ngũ tại huyện Hồng Dân
- Huyện Hồng Dân: Họp mặt mừng Đảng - mừng Xuân Ất Tỵ 2025
- Tặng quà Tết cho hộ dân tộc thiểu số và hội viên nông dân